Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 5: Những giải pháp căn cơ
Hồ Hạ - 29/06/2021 08:16
 
Chỉ khi có những chính sách đúng đắn, hiệu quả, nguy cơ tụt hậu của ngành công nghiệp không khói mới được đẩy lùi, mở ra ngày bình minh ló rạng.
“Sóng thần” Covid-19 làm tan hoang ngành kinh tế xanh, lần lượt hạ gục, đánh chìm các “con thuyền” lữ hành siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong vòng xoáy khó khăn, “cháy nhà tứ phía”, dẫu mạnh mẽ đến đâu, thì những người làm du lịch kỳ cựu cũng không giấu nổi khuôn mặt phờ phạc, mái tóc bạc màu vì mưu sinh, vì nợ nần và ánh mắt trông chờ sự hỗ trợ nhanh chóng, thiết thực từ Nhà nước.

Bài 5: Những giải pháp căn cơ

Mặc dù rất thấu hiểu hoàn cảnh của doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch, nhưng ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, việc “bơm” nguồn lực vực dậy nền kinh tế xanh ngay lúc này là “rất khó”. “Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam nghiên cứu, xem xét để trình Chính phủ chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp”, ông Hùng cho biết.

Theo ông Hùng, nguồn lực của Nhà nước khó có ngay để hỗ trợ ngành du lịch, mà Chính phủ đang nghiên cứu phương án hỗ trợ theo hướng miễn, giảm thuế sử dụng đất và miễn, giảm tiền điện. Còn chính sách lâu dài, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần lắng nghe thêm từ phía cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan thẩm định của Nhà nước để trình Chính phủ có chính sách căn cơ và cân đối chung giữa các nhóm ngành kinh tế khác.

Tiêm vắc-xin là con đường chính, quan trọng nhất
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Tiêm vắc-xin phòng dịch là con đường chính, quan trọng nhất hiện nay để đẩy lùi Covid-19. Sự đóng góp, ủng hộ của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng, đẩy lùi dịch bệnh và giảm tải gánh nặng ngân sách của Nhà nước dành để tiêm phòng dịch cho toàn dân.

Tiêm vắc-xin là con đường chính,  quan trọng nhất.	- Ông Vũ Thế Bình,  	Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam.

Hiện đã có một số đối tác tại châu Âu liên lạc để hỏi về kế hoạch mở cửa trở lại của du lịch Việt Nam, nhưng câu trả lời còn phụ thuộc vào tình hình thực tiễn. Việt Nam vẫn đang trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 và mới có khoảng 2% dân số được tiêm chủng. Do đó, Hiệp hội đang tích cực kêu gọi, động viên các doanh nghiệp tham gia chương trình xã hội hóa tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn mới cho doanh nghiệp. Ngoài chính sách về thuế, phí, tiền điện, Hiệp hội đề xuất tạm thời cho doanh nghiệp chuyển đổi từ giấy phép lữ hành quốc tế sang nội địa; cho phép chuyển mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ 500 triệu đồng xuống 100 triệu đồng - bằng mức quy định cho doanh nghiệp lữ hành nội địa…

Khuyến khích doanh nghiệp tạo nhiều việc làm cho nhân lực du lịch
Ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours

Hiện nay, nguồn lực của Nhà nước có hạn, nên cần ưu tiên các chính sách khuyến khích những ngành sản xuất, kinh doanh phù hợp và các doanh nghiệp tạo ra nhiều việc làm mới cho nhân sự du lịch chuyển sang, hay các doanh nghiệp du lịch chuyển sang lĩnh vực đầu tư mới.

.
Ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours.

Đặc biệt, Nhà nước cần thành lập, đầu tư cho bộ phận nghiên cứu đánh giá thị trường du lịch với các nhiệm vụ dự báo thời điểm du lịch có thể phục hồi, thị trường nào phục hồi trước...; công khai kết quả nghiên cứu và tập huấn định hướng cho các doanh nghiệp. Đây là cách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả và công bằng cho tất cả mọi nhà đầu tư vào du lịch khi thị trường phục hồi.

Khi du lịch phục hồi, Nhà nước cần áp dụng các chính sách du lịch như một lĩnh vực được ưu tiên và ưu đãi về thuế, cho vay… dựa trên đề tài, dự án khả thi. Có như vậy, cả doanh nghiệp du lịch cũ và những nhà đầu tư mới, cũng như nguồn lực xã hội mới “chảy” vào ngành du lịch.

Mỗi lao động ngành du lịch sẽ được vay tối đa 100 triệu đồng
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng

Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã đề xuất và được UBND TP. Đà Nẵng đồng ý chủ trương, giao các sở, ngành nghiên cứu cho người lao động ngành du lịch vay vốn từ ngân hàng chính sách, mỗi lao động dự kiến được vay tối đa 100 triệu đồng, trong thời gian 3 đến 5 năm. Mục tiêu là giúp người lao động duy trì cuộc sống, thời gian vay đủ để chờ đến lúc thị trường phục hồi, từ đó người lao động ngành du lịch sẽ có thu nhập để trả khoản vay trên. Hiện đã có khoảng 2.000 người đăng ký vay và Hiệp hội đang tiếp tục nhận đăng ký.

Mỗi lao động ngành du lịch sẽ được vay  tối đa 100 triệu đồng.	 	- Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng.

Về lâu dài, cần có thêm nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp du lịch. Chính phủ cần có những gói cứu trợ mới dễ tiếp cận người lao động; giải cứu doanh nghiệp bằng các chính sách tài chính như khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay; có các chính sách khuyến khích thị trường khi dịch bệnh được kiểm soát và du lịch được phục hồi.

Doanh nghiệp du lịch mong Chính phủ nhanh chóng tiếp cận các nguồn vắc-xin, ưu tiên tiêm vắc-xin cho cán bộ, nhân viên ngành du lịch. Đó mới là giải pháp căn bản, lâu dài để doanh nghiệp không phải thấp thỏm lo dịch bệnh quay trở lại.

Cần có chính sách rõ ràng về ‘hộ chiếu vắc-xin’
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch

Ngành du lịch cần xây dựng cơ chế, chính sách riêng biệt và cụ thể đối với thị trường khách du lịch nội địa để thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa phát triển mạnh và bền vững trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, cần có chính sách rõ ràng đối với việc cho phép khách du lịch nhập cảnh trong bối cảnh bình thường mới, như áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” cho những đối tượng nào, thông tin cần thiết trên “hộ chiếu vắc-xin”, quy định về cách ly, xét nghiệm sau khi nhập cảnh với “hộ chiếu vắc-xin”.

Cần có chính sách rõ ràng về ‘hộ chiếu vắc-xin’. 	- TS. Nguyễn Anh Tuấn,  	Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch.

Ngành du lịch cần khuyến khích phát triển sản phẩm du lịch mới, đặc biệt tại những khu vực còn khó khăn, nhưng có tiềm năng du lịch. Cần tăng cường năng lực quản lý điểm đến, dịch vụ du lịch an toàn. Một giải pháp quan trọng nữa là tư vấn, tập huấn và tiến hành các hoạt động hỗ trợ cần thiết để khôi phục hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch. đáp ứng nhu cầu thị trường du lịch.

Đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xác định các phân khúc thị trường theo vùng, miền, theo độ tuổi, đặc điểm nhân khẩu, theo nghề nghiệp, thu nhập bình quân, để có cơ sở trong phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá phù hợp…

Tạo dựng và phát triển sự hợp tác
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, CEO Công ty Lữ hành Saigontourist

Chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ cụ thể và hiệu quả của các cơ quan, ban, ngành liên quan trong việc tạo dựng và phát triển sự hợp tác và kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, nhằm tạo nên các chuỗi sản phẩm đồng chất lượng và có giá bán hợp lý.

Tiếp tục hỗ trợ các kênh thông tin chính thống về các chương trình, sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp về mặt truyền thông trên các kênh báo, đài chính thống. Qua đó, tăng cường sự tin tưởng cho du khách đối với chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch nội địa trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, CEO Công ty Lữ hành Saigontourist.
Ông Nguyễn Hữu Y Yên, CEO Công ty Lữ hành Saigontourist.

Cùng với đó, hỗ trợ triển khai các hội chợ, sự kiện du lịch dành cho thị trường chung thông qua việc tổ chức, điều phối và miễn phí tham dự cho các doanh nghiệp. Tăng cường các chương trình liên kết với các địa phương trên cả nước để xây dựng các chiến dịch điểm đến, qua đó tạo nên các làn sóng dịch chuyển hai chiều giữa các địa phương.

Chú trọng việc hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá nhu cầu, dự đoán xu hướng. Đây là dữ liệu quan trọng giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và hiệu quả trong điều kiện có hạn về ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển…

Hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vay vốn
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel

Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng các quỹ tài chính hỗ trợ ngành du lịch dưới hình thức hỗ trợ trực tiếp cho khách trong năm 2021. Điều này sẽ giúp kích cầu được lượng khách rất lớn đi du lịch trong nước, người lao động dịch vụ có việc làm, các doanh nghiệp duy trì được hoạt động và đội ngũ nhân sự.

Gia hạn thời gian nộp thuế đến cuối năm 2021 đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Cần cơ chế mới hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch ứng phó với khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn để tái lập hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp muốn vay tiền từ ngân hàng phải có tài sản thế chấp, trong khi doanh nghiệp du lịch lữ hành chỉ có uy tín và thương hiệu - những thứ mà không ngân hàng nào nhận thế chấp.

  Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel.

Ngành du lịch nhanh chóng đưa chuyển đổi số vào du lịch, xây dựng nền tảng số dùng chung cho toàn ngành và toàn xã hội, số hóa toàn bộ hệ thống ngành nghề bổ trợ du lịch từ dịch vụ vận chuyển đến lưu trú, ăn uống, điểm tham quan, di sản, kể cả cổ vật trong bảo tàng để thành tài nguyên chung phục vụ ngành du lịch.

Phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch Hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch nhằm phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: giải pháp về phát triển sản phẩm - thị trường du lịch; giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch; giải pháp phát triển doanh nghiệp du lịch và nguồn nhân lực du lịch; giải pháp liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch; giải pháp phối hợp liên ngành, liên địa phương trong phát triển du lịch; giải pháp về đầu tư phát triển du lịch; giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; giải pháp khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch…

Cú sốc lịch sử và giấc mơ gượng dậy của ngành kinh tế xanh - Bài 1: Chao đảo những "thành trì thép"
Những doanh nghiệp du lịch còn trụ lại gặp đợt tấn công lần thứ tư từ Covid-19 khốc liệt hơn, khiến những ‘thành trì thép’ của ngành cũng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư