Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 01 năm 2025,
Du lịch Tây Nguyên liên kết để bứt phá
Hoàn Nhân - 23/11/2022 16:09
 
Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, cảnh sắc phong phú, văn hóa bản địa đặc sắc ở Tây Nguyên, việc liên kết chặt chẽ sẽ là “chìa khóa” để ngành du lịch ở Tây Nguyên bứt phá.
a
Với nhiều tiềm năng phát triển, ngành du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tây Nguyên. Ảnh minh họa

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Theo Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, vùng Tây Nguyên có tiềm năng tài nguyên du lịch sinh thái rất đặc sắc, đa dạng và phong phú như: Hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên với giá trị đa dạng sinh học cao như Kon Ka Kinh (Gia Lai), Tà Đùng (Đắk Nông); Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng; Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông; Hệ thống thác nước hùng vĩ; Khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm; Nhiều thắng cảnh nổi tiếng và độc đáo (miệng núi lửa, các cao nguyên, hồ trên núi…).

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho hay, Tây Nguyên còn có tiềm năng du lịch văn hóa truyền thống dân tộc bản địa. Mỗi dân tộc ở đây đều có những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc các dân tộc bản địa do đó cần được khôi phục, bảo tồn và khai thác phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt phải kể đến đó là: "Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, kiệt tác và là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như: Nhà Rông, nhà Dài, nhà Mồ...; các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ hội đua Voi, Cồng Chiêng, Bỏ Mả, Cơm Mới...); các giá trị văn hóa dân gian, các sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo.

Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, Tây Nguyên nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia; tiếp giáp với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung và vùng Đông Nam Bộ; có hệ thống giao thông khá phát triển với 3 cảng hàng không (Liên Khương, Buôn Ma Thuột, Pleiku), với tuyến đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ 14C, 19, 20, 24, 25, 26, 27, 28, 29…; Vùng Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với cả nước và quốc tế.

a
Gia Lai sẽ đẩy mạnh hợp tác với các địa phương và nghiên cứu chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư vào các dự án.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên dự kiến khoảng 156.000 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng chia là 2 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ bố trí vốn để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng, gồm: Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương..., với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng.

Giai đoạn 2026 - 2030, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí để triển khai các dự án cao tốc đã hoạch định trong quy hoạch có tính liên kết vùng như: cao tốc Bắc Nam phía Tây các đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành, Chơn Thành - Đức Hòa... với tổng nhu cầu vốn đầu tư tối thiểu khoảng 89.165 tỷ đồng...

Tạo thành một chỉnh thể

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên xác định việc hợp tác, liên kết nội vùng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch của toàn vùng. Và trong năm 2022, các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức nhiều lễ ký kết hợp tác, phát triển du lịch. Gần nhất, vào tháng 8/2022, tại tỉnh Đắk Lắk, đại diện 5 địa phương là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch giai đoạn 2022 - 2026 với 5 tỉnh Tây Nguyên.

Thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Lê Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: “Cùng với hệ thống giao thông của địa phương, kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên sẽ tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, thực sự là tiền đề, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng Tây Nguyên”.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai Nguyễn Tấn Thành đề xuất, tỉnh cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, kết nối kích cầu giữa các địa phương trong khu vực, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các bên hợp tác hiệu quả; có chính sách đào tạo, hỗ trợ xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đủ về số lượng, đảm bảo tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch của tỉnh.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình số 43-Ctr/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do tỉnh Gia Lai tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Văn Niên cho rằng, tỉnh có nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử, văn hóa truyền thống và hệ sinh thái nông nghiệp để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch. Tuy nhiên, hoạt động của ngành du lịch của tỉnh thời gian qua vẫn còn hạn chế.

“Đề nhị tăng cường kết nối, thực hiện các chương trình hợp tác trong du lịch giữa các địa phương; tiếp tục nghiên cứu chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư vào các dự án trên các lĩnh vực có lợi thế; cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường cho các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động du lịch và xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch. Các địa phương cần tăng cường tính chủ động trong phát triển du lịch; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch để tăng khả năng tiếp cận và kết nối các điểm du lịch; phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng”, ông Hồ Văn Nên đề nghị.

Ngành du lịch quảng bá, xúc tiến hút khách quốc tế
Hết 10 tháng đầu năm, ngành du lịch mới chỉ đón được 2,3 triệu du khách quốc tế, chưa bằng 50% mục tiêu đề ra của năm 2022, vì vậy, Tổng cục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư