Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Du lịch thể thao hứa hẹn bùng nổ
Hạnh Phúc - 14/03/2024 08:15
 
Du lịch thể thao là xu hướng của thế giới cũng như Việt Nam, được xác định là “con gà đẻ trứng vàng”, hứa hẹn bùng nổ trong năm 2024.
Du lịch thể thao ngày càng được ưa chuộng, hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm 2024
Du lịch thể thao ngày càng được ưa chuộng, hứa hẹn sẽ bùng nổ trong năm 2024.

Cải thiện lượng du khách

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, du lịch thể thao là một trong những loại hình phát triển nhanh, mạnh, giữ vai trò quan trọng trong ngành kinh tế xanh, với giá trị ước tính khoảng 800 tỷ USD trên toàn cầu. Tại một số quốc gia, du lịch thể thao thậm chí đóng góp tới gần 30% tổng thu ngành du lịch.

Đó là lý do những năm gần đây, nhiều sự kiện thể thao đã được không ít quốc gia khai thác thành sản phẩm chủ đạo để mời gọi du khách. Đơn cử, tháng 8/2023, sự kiện World Cup bóng đá nữ do Australia và New Zealand cùng đăng cai đã mang lại doanh thu hơn 570 triệu USD. Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 được tổ chức tại Trung Quốc (tháng 9/2023) đã bán được hơn 3 triệu vé, tạo ra doanh thu hơn 85 triệu USD. Doanh thu bán hàng từ hàng hóa được cấp phép mang lại thêm 107 triệu USD, thu nhập tài trợ từ 176 công ty mang lại thêm 623 triệu USD.

Hay tại Singapore, sau 2 năm tạm dừng, sự trở lại của Giải đua Công thức 1 (F1) vào tháng 9/2022 đã khẳng định được sức nóng khi bán hết vé ngay từ giữa tháng 4 chỉ sau 6 giờ, dù giá vé lên tới 10.000 Dollar Singapore. Dự kiến, Pháp có thể đón 15 triệu lượt khách trong dịp Olympic Paris 2024, trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Khách du lịch nói chung, du lịch thể thao nói riêng đều đề cao những trải nghiệm khác biệt khi tham gia hành trình. Do đó, để phục vụ số lượng khách lớn, du lịch thể thao cần sự hợp tác chặt chẽ của nhiều ngành liên quan, nhất là giữa ngành du lịch với ngành thể thao, giữa cơ quan quản lý du lịch điểm đến với ban tổ chức sự kiện thể thao, giữa đơn vị điều hành tour với đơn vị tổ chức sự kiện.

Theo Delpy Neirotti, mục tiêu chính của du lịch thể thao là cải thiện lượng du khách, đặc biệt trong “mùa du lịch chuyển tiếp” (thời gian giữa mùa cao điểm và thấp điểm). Tại Singapore, tháng 9 là mùa du lịch chuyển tiếp, nhưng nhờ giải đua xe Formula One thường niên, giá phòng khách sạn dự báo tăng lên tới 590 Dollar  Singapore (tương đương 440 USD) trong dịp cuối tuần.

Báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn Allied Market Research (Mỹ) cho biết, 4 năm trước, châu Âu và Bắc Mỹ chiếm thị phần lớn nhất, với 40%, song hiện nay, thị trường du lịch thể thao ở châu Á - Thái Bình Dương được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, nhờ sự gia tăng về lượng người tham gia chơi thể thao và tổ chức sự kiện thể thao.

Dư địa còn rất lớn

Thực tế cho thấy, khách du lịch thể thao thường tiêu nhiều tiền cho phòng khách sạn, ăn uống tại nhà hàng, mua sắm và tham quan các điểm du lịch. Ngoài ra, ngày càng có nhiều đội tuyển chuyên nghiệp thi đấu ở các địa điểm quốc tế và người hâm mộ muốn theo chân họ. Điều này có thể giúp các điểm đến thu hút sự chú ý của du khách thông qua mạng xã hội và truyền miệng. Vì thế, phát triển du lịch thể thao không những thu hút được lượng lớn du khách có khả năng chi tiêu cao, sử dụng nhiều dịch vụ, đóng góp đáng kể vào doanh thu địa phương, mà còn giúp khắc phục tính mùa vụ của du lịch. Bên cạnh đó, du lịch thể thao cũng là kênh xúc tiến, quảng bá điểm đến hữu hiệu, thúc đẩy giao lưu văn hóa.

Những năm gần đây, loại hình này ở nước ta dần được chú trọng khai thác. Số lượng câu lạc bộ, giải thể thao xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút đông đảo người yêu thể thao. Tiêu biểu phải kể tới các giải VnExpress Amazing Marathon; Hạ Long Heritage Marathon; Đà Lạt Ultra Trail; Marathon quốc tế Hội An; Giải đua xe mô-tô, ô-tô địa hình ở Hà Giang; Biểu diễn dù lượn “Bay trên mùa vàng”, leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, đua xe đạp “Một đường đua hai quốc gia” tại Lào Cai... Các hoạt động thể thao này đã tạo ra “chất xúc tác” đặc biệt, giúp tăng cường nhận diện hình ảnh và năng lực cạnh tranh của du lịch địa phương.

Theo tổng hợp của Happrun.vn, có khoảng 62 giải chạy marathon và chạy trail với quy mô khác nhau được tổ chức ở Việt Nam trong năm 2023. Không chỉ duy trì tổ chức ở những cung đường cũ, nhiều giải chạy mở ra cung đường mới, thu hút du khách tìm đến đăng ký tham gia trải nghiệm, du lịch ở những địa điểm mới lạ.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours - đơn vị từng tổ chức thành công nhiều tour du lịch đưa du khách đi xem các giải bóng đá lớn như SEA Games, AFC Cup... cho biết, du lịch thể thao là một dòng sản phẩm tour chuyên đề. Có 3 loại hình du lịch thể thao là: tour tổ chức cho du khách đi cổ vũ, đi xem những giải thể thao như bóng đá, F1, quần vợt....; tour tổ chức cho du khách tham gia các hoạt động thể thao như golf, marathon, trekking...; loại hình tổ chức các hoạt động thể thao nội bộ cho các cơ quan, doanh nghiệp.

Vì là một dòng tour chuyên đề, nên theo ông Hoan, so với các tour thông thường, tổ chức tour du lịch thể thao sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều. Trước tiên, đòi hỏi đơn vị tổ chức cần phải có chuyên môn cả về lữ hành và kiến thức nhất định về thể thao như điều lệ quy định của giải, cách thức đăng ký, tư vấn cho khách tham gia các hoạt động phù hợp với sức khỏe. Mặt khác, thông thường các giải thể thao là những sự kiện đông người, nên việc đặt dịch vụ trong thời kỳ cao điểm thường gặp khó khăn, đòi hỏi công ty du lịch phải có kinh nghiệm.

Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, bên cạnh cung cấp những dịch vụ chất lượng, bảo đảm an toàn, sản phẩm du lịch thể thao cần mang đến những cảm nhận mới mẻ cho du khách.

Là đơn vị từng nhiều năm khai thác các tour du lịch đạp xe kết nối nội thành với ngoại thành Hà Nội, đến với các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai…, Vietfoot Travel luôn nỗ lực làm mới hành trình tour bằng cách đa dạng hóa các cung đường trải nghiệm, kết hợp du lịch đạp xe với du lịch văn hóa, khám phá thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng, hay kết hợp với photo tour để giúp du khách lưu lại cảm xúc, dấu ấn cá nhân trong hành trình du lịch.

Theo ông Nghĩa, để biến du lịch thể thao trở thành sản phẩm chủ lực của du lịch Việt Nam, điều quan trọng là cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và định hướng dài hạn để xây dựng, nâng cấp hạ tầng, cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đủ đáp ứng đòi hỏi của nhiều hình thức du lịch thể thao. Đồng thời, có chiến lược quảng bá sớm, bài bản, cũng như sự năng động để gia tăng cơ hội đăng cai nhiều sự kiện thể thao tầm cỡ quốc tế.

Sẽ có Văn phòng Xúc tiến du lịch Việt Nam đầu tiên tại Lào
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, đây là Văn phòng Xúc tiến du lịch ở nước ngoài đầu tiên của du lịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư