Thứ Hai, Ngày 14 tháng 07 năm 2025,
Du lịch Trà Vinh đồng hành phát triển, tạo sức bật mới
Huy Tự - 14/07/2025 08:16
 
Nhận thức rõ du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang đậm nét văn hóa và nhân văn sâu sắc, đóng góp và tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, du lịch Trà Vinh (nay là tỉnh Vĩnh Long) đang từng bước chuyển mình và có những đóng góp tích cực cho kinh tế địa phương, tạo thêm nguồn lực mới để trở thành ngành mũi nhọn vào năm 2030 theo định hướng đề ra.
Chùa Âng - Điểm du lịch văn hóa tâm linh
Chùa Âng - Điểm du lịch văn hóa tâm linh

Khởi sắc du lịch 6 tháng đầu năm 2025

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Trà Vinh (cũ), 6 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu ngành du lịch trên địa bàn ước đạt: 1.351,146 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch (KH) năm. Tổng lượt khách tham quan đạt: 2.324.982 lượt (đạt 54% KH năm), trong đó có 84.478 lượt khách quốc tế (đạt 80% KH năm). Khách lưu trú ước đạt 664.626 lượt (đạt 55% KH năm), trong đó có 77.576 lượt khách quốc tế (đạt 85% KH năm). Công suất phòng bình quân tăng khá đạt 69% (tăng 3% so với cùng kỳ)...

Nhờ làm tốt công tác quản lý cơ sở lưu trú du lịch về thẩm định hạng cơ sở lưu trú du lịch và đề nghị công nhận cơ sở kinh doanh đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đến nay, toàn tỉnh hiện có 138 cơ sở lưu trú du lịch (3 nhà khách, 10 khách sạn 2 sao, 13 khách sạn 1 sao, 10 homestay và 102 cơ sở đạt chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch); 1 trung tâm thương mại và 33 nhà hàng ẩm thực kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm, cơ sở kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; 2 công ty lữ hành quốc tế và 14 công ty lữ hành nội địa.

Nổi bật là các hoạt động tăng cường quảng bá, xúc tiến, hỗ trợ doanh nghiệp làm du lịch được ngành du lịch quan tâm thường xuyên và tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ ngành du lịch phát triển thời gian qua: họp mặt doanh nghiệp du lịch đầu năm Ất Tỵ 2025 và ra mắt Ban Vận động thành lập Hiệp hội du lịch Trà Vinh; tham dự các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch quốc tế và ngoài tỉnh: Diễn đàn Du lịch ASEAN và hỗ trợ nhận giải thưởng du lịch ASEAN năm 2025 cho Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim tại Malaysia; Đoàn khảo sát điểm đến và Hội nghị Xúc tiến, quảng bá du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Trung Quốc…

Ngành du lịch địa phương đã hỗ trợ Đoàn Famtrip khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tổ chức; hỗ trợ Chi hội xanh yêu thương - Hội Y tế cộng đồng TP.HCM tổ chức sự kiện Caraval tại Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim; hỗ trợ Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng (cũ) trao đổi, học tập mô hình du lịch cộng đồng; Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện chương trình “Tản mạn Mekong - Đến và ở lại”. Hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cấp tỉnh đối với điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng Cồn Hô.

Sở VHTTDL Trà Vinh (cũ) hỗ trợ một số doanh nghiệp tiêu biểu tham gia các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch: tham gia Đoàn khảo sát và dự Hội thảo định hướng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch muối Bạc Liêu (nay là Cà Mau); kêu gọi đầu tư phương án xây dựng Làng văn hóa - du lịch Khmer và Khu văn hóa - du lịch nghỉ dưỡng Ao Bà Om Trà Vinh, với tổng số tiền dự kiến 100 tỷ đồng. Sở VHTTDL Trà Vinh (cũ) đã có văn bản chấp thuận đối với 46 hồ sơ, trong đó có 25 hồ sơ đã được giải ngân với tổng số tiền 1.539.817.743 đồng; 16 hồ sơ đang thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác nghiệm thu theo Nghị quyết số 1/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của HĐND tỉnh.

Hoạt động chuyển đổi số trong du lịch được chú trọng, nhằm giảm thời gian, chi phí, nhân lực quản lý của ngành, cho doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách trong và ngoài nước trong xu thế mới khi đến tham quan trải nghiệm trên địa bàn Trà Vinh: ban hành các kế hoạch phục vụ công tác chuyển đổi số của ngành và Kế hoạch triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Sở VHTTDL năm 2025, kế hoạch chuyển đổi số của ngành năm 2025...

Du khách thích thú trải nghiệm ẩm thực tại Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (Ảnh: TTXT du lịch Trà Vinh)
Du khách thích thú trải nghiệm ẩm thực tại Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim (Ảnh: TTXT du lịch Trà Vinh)

Phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030

Trà Vinh hiện có 7 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận gồm: Khu di tích lịch sử Đền thờ Bác Hồ, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, điểm du lịch sinh thái Huỳnh Kha, Khu văn hóa - du lịch Ao Bà Om, Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Cồn Hô, Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer và Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Út (Út Tịch).

Trà Vinh còn có 143 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer, với lối kiến trúc độc đáo, nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc. Địa phương có 2 bảo vật quốc gia và 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 16 di tích cấp quốc gia và 44 di tích cấp tỉnh. Đây là điều kiện thuận lợi để Trà Vinh phát triển loại hình du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh.

Nổi bật, tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2025 tại Malaysia mới đây, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim được nhận giải thưởng ở hạng mục Du lịch cộng đồng ASEAN-CBT ASEAN. Đây là cơ hội để Trà Vinh phát triển loại hình du lịch cộng đồng, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch của tỉnh, quảng bá thêm nhiều điểm đến khác với khách du lịch trong và ngoài nước. Theo thông kế, trong 5 năm qua, điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim đã đón trên 85.000 lượt khách, trong đó, khách nước ngoài 810 lượt chiếm 10%; khách lưu trú là 3.407 lượt… Tổng doanh thu trong 5 năm khoảng 24 tỷ đồng, lợi nhuận trên 5,2 tỷ đồng.

Được bao bọc bởi dòng sông Cổ Chiên, xung quanh là dãy rừng bần và những hàng dừa nước, Cồn Chim có diện tích tự nhiên 62 ha với 54 hộ dân, trên 200 nhân khẩu đang sinh sống. Đến với Cồn Chim, du khách có thể hòa mình cùng thiên nhiên, tìm hiểu, trải nghiệm sinh kế “thuận thiên” và thưởng thức món ăn dân dã Nam bộ, tham gia trò chơi dân gian và thư giãn nghỉ dưỡng tại làng quê yên bình, sông nước, môi trường xanh trong lành, hữu tình đã và đang níu chân du khách…

Đến nay, Trà Vinh đã triển khai “Làng văn hóa - du lịch Khmer Trà Vinh” gắn với quần thể di tích danh thắng Ao Bà Om và di tích khảo cổ Bờ Lũy - chùa Lò Gạch. Tỉnh cũng đã xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch tự thân tại các cồn, cù lao ven sông, ven biển, điển hình như Cồn Chim, Cồn Hô, cù lao Tân Quy, cù lao Long Trị, những nơi còn giữ được nhiều nét văn hóa của vùng quê Nam Bộ với cảnh quan môi trường thân thiện, không khí trong lành, trái cây quanh năm, phương thức nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp sạch. Đặc biệt, du lịch cộng đồng Cồn Chim và Cồn Hô theo xu hướng “du lịch chậm”, “du lịch thuận thiên” phù hợp với mọi du khách, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch.

Trà Vinh đã và đang tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nhằm kết nối tuyến điểm du lịch trong Trà Vinh cũng như với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Trà Vinh cũng xây dựng các tuyến đường hành lang ven biển để phát triển kinh tế biển gắn với du lịch, tạo quỹ đất mời gọi các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các điểm tham quan, nghỉ dưỡng cao cấp tại đô thị du lịch xanh - TP Trà Vinh, đô thị du lịch biển - thị xã Duyên Hải

Trà Vinh tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, cấp phép trong lĩnh vực du lịch; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn khởi nghiệp du lịch, kỹ năng du lịch cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ kinh doanh du lịch và các hộ dân có khả năng làm du lịch trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân làm du lịch trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ hưởng ưu đãi đầu tư theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, ngày 10/6/2022 của HĐND tỉnh Trà Vinh (cũ) ban hành quy định về một số chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn Trà Vinh giai đoạn 2022 - 2025...

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long cho biết, năm 2025, du lịch Trà Vinh đặt mục tiêu đón 4,2 triệu lượt khách, trong đó có gần 80.000 lượt khách quốc tế, 1,2 triệu lượt khách lưu trú. Doanh thu dự kiến đạt 2.679 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2024, phấn đấu trở thành kinh tế quan trọng vào năm 2025, tiến tới mũi nhọn vào năm 2030, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng và bản sắc sản phẩm du lịch, đủ sức tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô vùng và quốc gia. 

Hà Nội: Đất nông nghiệp bãi sông, bãi nổi được phép khai thác kết hợp du lịch
HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư