Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Dữ liệu, tầm nhìn và quyết định
Thanh Hương - 04/04/2020 10:16
 
Đến trước ngày 5/4 - thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương có báo cáo chính thức, những người trồng lúa, những doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo vẫn chưa thể ngủ yên dù vụ đông - xuân 2020 được mùa, được giá.
.
Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, tương đương 2,81 tỷ USD.

Mới hơn 10 ngày trước, cả thị trường “đứng hình” bởi các văn bản chỉ đạo liên tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong 2 ngày (23 và 24/3/2020), các doanh nghiệp nhận được chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ 0h ngày 24/3/2020, mà không có bất cứ tín hiệu nào trước đó.

Ngay chiều 24/3, Bộ Công thương có công văn “hoả tốc” gửi Thủ tướng Chính phủ xin tạm dừng việc tạm dừng xuất khẩu này.

Ngày 25/3, Chính phủ “hoả tốc” giao Bộ Công thương chủ trì lập Đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá lại nguồn cung, dự trữ lưu thông cũng như tình hình xuất khẩu gạo và ký các hợp đồng.

Ngày 28/3, Bộ Công thương có Văn bản số 2237/BCT-XNK báo cáo kết quả làm việc của Đoàn kiểm tra liên ngành, theo đó kiến nghị cho tiếp tục được xuất khẩu gạo với số lượng khoảng 800.000 tấn trong tháng 4 và tháng 5, cũng như tăng dự trữ lên mức 700.000 tấn (tăng thêm 400.000 tấn so với thông thường).

Nhưng hiện tại, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết có được tiếp tục được xuất khẩu gạo hay không và chưa biết xử lý thế nào với các hợp đồng mới. Hơn thế, cơ sở để đưa ra các quyết định trong điều hành xuất khẩu gạo như thời gian qua cũng còn một số vấn đề cần xem xét.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn trong Văn bản 2237/BCT-XNK cho thấy, năm 2020, cả nước sản xuất khoảng 43,5 triệu tấn thóc; nhu cầu tiêu dùng trong nước khoảng 29,96 triệu tấn (bao gồm lượng thóc đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân, nhu cầu chế biến, chăn nuôi, làm giống, dự trữ). Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.

Các số liệu trên chưa bao gồm lượng gạo nhập khẩu từ Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia... và những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dân với sản phẩm gạo.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc các bộ, ngành có liên quan tính toán cân đối cung - cầu làm cơ sở đề xuất hướng điều hành xuất khẩu gạo, định hướng giá hay ra văn bản tạm dừng là cần thiết để đảm bảo cân đối vĩ mô, song vấn đề là các tính toán trên có thực sự đảm bảo yêu cầu khoa học, thực tiễn. Việc này còn thể hiện tầm nhìn của những cơ quan có trách nhiệm trong điều hành thị trường lúa gạo.

Thực tế cho thấy, chỉ tính riêng số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nơi đang có 92 hội viên, nắm giữ 75% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đến ngày 27/3/2020, tổng lượng hợp đồng đã ký, nhưng chưa giao hàng là gần 1,6 triệu tấn gạo. Trong đó, lượng hàng phải giao từ nay đến ngày 31/5 là gần 1,4 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của 60 doanh nghiệp hội viên là 1,65 triệu tấn.

Như vậy, nếu tuân thủ chỉ đạo “không ký hợp đồng mới”, thì lượng gạo dư vào thời điểm 31/5/2020 ước khoảng 266.000 tấn. Nếu tính cả doanh nghiệp ngoài VFA có gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ Công thương, thì tổng lượng hợp đồng đã ký, nhưng chưa giao hàng là gần 1,67 triệu tấn gạo. Lượng hiện có trong kho của doanh nghiệp là hơn 1,7 triệu tấn gạo và 144.000 tấn thóc (tương đương 75.000 tấn gạo).

Nhìn vào số liệu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, tương đương 2,81 tỷ USD. Trong quý I/2020 (tính tới ngày 15/3/2020), Việt Nam xuất khẩu 1,3 triệu tấn gạo, cao hơn con số 1,028 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái có thể do khách hàng tăng khối lượng nhằm đáp ứng nhu cầu mua dự trữ phòng dịch lan rộng.

Hiện là thời điểm chuẩn bị bước vào thu hoạch lúa vụ hè - thu, nghĩa là có thêm lượng thóc mới chuẩn bị vào kho dự trữ của doanh nghiệp, nông dân trồng lúa đang chờ mùa vàng được giá. Song cũng chính lúc này, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề tới cả nền kinh tế, tới từng người dân. Chính vì vậy, đây là lúc các cơ quan quản lý nhà nước cần quan sát, lắng nghe, cần tầm nhìn, kiến thức và cả trách nhiệm khi phân tích dữ liệu, qua đó đưa ra các đề xuất, quyết định chiến lược theo từng thời điểm. Nhưng cũng chính lúc này, các cơ quan quản lý nhà nước phải nghĩ nhiều hơn cho doanh nghiệp, người dân trồng lúa trước khi ra quyết định. Một văn bản tạm dừng xuất khẩu gạo có hiệu lực ngay lập tức rất có thể sẽ đưa doanh nghiệp Việt vào thế bất tín với đối tác, mất mối làm ăn lâu dài, chưa kể phải chịu các khoản do phá vỡ hợp đồng.

Doanh nghiệp khó, thì nông dân cũng chẳng thể vui dù cây lúa nặng hạt, trĩu bông ngoài đồng...

Khẳng định không thiếu gạo, Hiệp hội Lương thực kiến nghị xuất khẩu gạo trở lại
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cùng nhiều DN khẳng định, lượng gạo tồn kho cũng như lúa trong dân là khá lớn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư