Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Đủ nguồn cung xăng dầu cho Tết Nguyên đán 2023
Thế Hoàng - 08/12/2022 15:53
 
Thị trường xăng dầu đã cơ bản trở lại bình thường, đã có kế hoạch nhập khẩu bổ sung, nguồn hàng đã cơ bản đáp ứng, đảm bảo cung cấp thông suốt phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán 2023.
TIN LIÊN QUAN
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Hội nghị
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Hội nghị chuẩn bị hàng Tết và bình ổn thị trường cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán 2023 (Ảnh: Công thương).

Sáng 8/12, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ngoài đảm bảo nguồn cung với các nhóm hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết tăng cao, từ tháng trước, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng nhập khẩu xăng dầu và tăng công suất tại 2 nhà máy trong nước.

Ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) chia sẻ, thời gian gần đây, thị trường xăng dầu đã cơ bản trở lại bình thường, Nhà máy Bình Sơn tăng công suất 10-20%, về cơ bản đã đáp ứng hợp đồng đã ký với thương nhân đầu mối.

“Bộ Công thương đã lường hết được kế hoạch bảo dưỡng 2 nhà máy lọc dầu và có kế hoạch nhập khẩu bổ sung, cho nên nguồn hàng đã cơ bản đáp ứng đầy đủ lượng đã đăng ký”, ông Khanh nêu rõ.

Đối với nguồn nhập khẩu, hiện nay, các hội viên đã đáp ứng được nhu cầu phân giao của Bộ Công thương. Công ty Nam Sông Hậu đã kết nối với hải quan để tái hoạt động kho Trà Nóc và Cái Mép, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho miền Tây Nam bộ, nguồn hàng đáp ứng đủ nhu cầu cho trước, trong và sau Tết.

Theo đại diện Vinpa, các doanh nghiệp xăng dầu cam kết sẽ tổ chức bán hàng bình thường trong dịp Tết Nguyên đán. Các cửa hàng đều có phương án đảm bảo nguồn nhằm đảm bảo đủ xăng dầu cho người dân đi chơi Tết, du xuân

Sau một thời gian nguồn cung bị đứt gãy, hiện cung cầu xăng dầu đã trở lại bình thường, không còn tình trạng xếp hàng ở các cửa hàng xăng dầu để chờ đến lượt mua xăng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả, có trách nhiệm của các thành viên Tổ điều hành thị trường trong nước, các hiệp hội, địa phương và một số doanh nghiệp lớn trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa.

Đặc biệt, đối với xăng dầu, khi Nhà máy Nghi Sơn đã dừng hoạt động, doanh nghiệp đã nỗ lực nhập khẩu bù để đảm bảo nhu cầu. Trong bối cảnh càng nhập càng lỗ, doanh nghiệp vẫn đảm bảo nguồn cung, là nỗ lực rất lớn.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian tới, thị trường hàng hóa tiếp tục đối diện với tình trạng khó khăn khi từ ngày 7/12, các nước EU đã áp giá trần với xăng dầu của Nga. Điều này có thể dẫn đến Nga tìm nguồn khách hàng khác và phía EU đi tìm nguồn cung khác, khiến thị trường xăng dầu sẽ có những biến động khó lường. Trong khi với lượng tiêu thụ hiện nay, Việt Nam không phải là đối tượng ưu tiên cho nhập khẩu xăng dầu.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh thị trường thế giới còn phức tạp, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao. Dự kiến, trong tháng 5, tháng 6 Lọc dầu Bình Sơn bảo dưỡng định kỳ nên phải có kế hoạch nhập khẩu trước.

"Các doanh nghiệp cần có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhận định thị trường xăng dầu năm 2023 còn nhiều diễn biến khó lường, hôm 21/11, Bộ Công thương  họp bàn cùng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 35 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cùng loạt cơ quan trực thuộc để lên kịch bản chuẩn bị nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống cho năm 2023.

Theo đó, Bộ đã đưa ra 2 kịch bản dự kiến về phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023, với mức tăng từ 10% và 15% so với năm 2022.

Kịch bản 1, tỷ lệ tăng trưởng 10% so với năm 2022, tương đương 25,9 triệu m3, tấn; kịch bản 2 tăng trưởng 15%, tương đương 26,76 triệu m3, tấn.

Sản lượng này phải được phân bổ từng tháng, quý. Mỗi tháng, quý căn cứ vào số liệu thực hiện trên phần mềm quản lý sẽ áp dụng từ 1/1/2023 để có điều chỉnh phù hợp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư