Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 13 tháng 09 năm 2024,
Dự thảo quy định dạy thêm, học thêm: Hợp lý nhưng cần điều chỉnh
Hưng Anh - 28/08/2024 17:07
 
Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đã và đang nhận được nhiều ý kiến. Đặc biệt việc bỏ quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa.

Điều chỉnh dạy thêm, học thêm: Hợp lý nhưng cần điều chỉnh

Ngày 22/8/2024, Bộ GD&ĐT đã đăng tải dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024.

Dự thảo thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.

Theo đó, so với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm có một số nội dung đáng chú ý như sau:

Điểm mới trong dự thảo so với quy định hiện hành là không đề cập đến những quy định cấm như: Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa; không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường... Dự thảo cũng quy định: Không được cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình; không sử dụng câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh...

Dự thảo thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm. (Ảnh minh hoạ)


Với quy định hiện hành, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn gửi nhà trường (có chữ ký của cha mẹ), thì trong dự thảo nêu: "Căn cứ vào đề xuất của tổ chuyên môn, hiệu trưởng họp với các thành phần liên quan (có đại diện cha mẹ học sinh nhà trường) thống nhất, công khai mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học để học sinh tự nguyện đăng ký".

Thời lượng dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học; không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở; không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, việc điều chỉnh quy định về dạy thêm, học thêm nhằm phù hợp với tình hình thực tế, không cấm nhu cầu chính đáng và tăng tính minh bạch, tạo cơ chế để cộng đồng cùng giám sát.

Về vấn đề này, nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra đồng tình với dự thảo bởi so với các nghề khác, ví dụ như bác sĩ được phép làm thêm, nhưng với giáo viên 12 năm qua bị cấm tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường và không được dạy thêm học sinh của mình ở lớp chính khóa nếu chưa có sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường.

Tất nhiên tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra nhưng cũng kéo theo đó biết bao câu chuyện và những đánh giá trái chiều.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam: Thực tế, việc dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu chạy theo việc trang bị kiến thức, trong khi mục tiêu của chương trình mới là giảm kiến thức hàn lâm, rèn phẩm chất, năng lực cho học sinh.

“Chương trình mới đã cắt giảm nhiều kiến thức hàn lâm, tập trung rèn kỹ năng, tư duy và phát triển phẩm chất, việc đặt ra quy định dạy thêm ở trường nên được cân nhắc kỹ. Với những học sinh không theo kịp chương trình, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo, có sự hỗ trợ từ ngân sách và không coi đây là dạy thêm, học thêm. Bộ GD&ĐT cũng cần nghiên cứu phương án tuyển sinh vào các trường chuyên, hạn chế sự lệ thuộc vào thi cử, điểm số, từ đó sẽ giảm áp lực cho học sinh, hạn chế được những bất cập, bức xúc”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.

Dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng

Theo nhiều đánh giá, dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến đã thay đổi một số quy định trong Thông tư 17, trả lại sự “đàng hoàng” trong hoạt động dạy thêm chính đáng của các giáo viên.

Việc học thêm là nhu cầu của các em học sinh và là mong muốn của gia đình vì thế các thầy cô giáo dạy. Tất nhiên, phụ huynh có thể lựa chọn các trung tâm gia sư để cho con học thêm. Nhưng xét ở nhiều góc độ bao gồm chi phí, tính chuyên môn, sự thuận tiện trong việc đưa đón, sự gần gũi và thấu hiểu lẫn nhau, nhiều gia đình vẫn muốn con cái học chính giáo viên phụ trách ở trường.

Bỏ qua những câu chuyện mang tính cá biệt về việc “ép” hay “gợi ý” cho các học sinh phải đi học thêm vì mục đích khác, thì việc dạy thêm của các thầy cô giáo vẫn được cho là vi phạm các quy định của nhà nước. Rồi kèm theo sau đó là biết bao câu chuyện về việc tốn kém cả về mặt thời gian, tiền bạc cho gia đình các em học sinh…

Ở dự thảo mới cho phép giáo viên được dạy thêm và được dạy học sinh của mình khi học sinh, phụ huynh có nhu cầu.


Những ý kiến đó ít nhiều khiến các thầy cô “tổn thương” cho dù việc dạy thêm có là chính đáng đi chăng nữa.

Ở dự thảo mới cho phép giáo viên được dạy thêm và được dạy học sinh của mình khi học sinh, phụ huynh có nhu cầu. Đi kèm với đó các chế tài quản lý, giám sát nhiều cấp từ nhà trường, phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo.

Dự thảo Thông tư mới cũng đưa ra các quy định chi tiết nhằm hạn chế, ngăn ngừa tiêu cực trong dạy thêm học thêm, như giáo viên không được sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

Điều này thể hiện rõ quan điểm của Bộ GD&ĐT như lời Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Nguyễn Xuân Thành nói với báo chí: "Chúng tôi hướng đến cấm những hiện tượng tiêu cực chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học".

Tuy nhiên, để việc dạy thêm học thêm không trở thành gánh nặng của các gia đình hiện nay thì việc quy định lại chuyện dạy thêm, học thêm chưa đủ mà ngành còn phải thay đổi cách thức kiểm tra, đánh giá, thi cử nữa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư