Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đua huy động vốn, tăng lãi suất
Vân Linh - 01/04/2019 10:29
 
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 14%, các ngân hàng sẽ khó đẩy mạnh cho vay như các năm trước. Nhưng lợi nhuận của ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng, nên để đón đầu cầu vốn tăng khi bước sang quý II, các ngân hàng tiếp tục tăng huy động vốn.
.
Các ngân hàng đua tăng lãi suất, hút tiền nhàn rỗi là để chuẩn bị thanh khoản nhằm đón đầu cầu vốn tăng sau quý I ảm đạm.

Tín dụng khó tăng cao năm 2019

Sức ép về tăng trưởng tín dụng cao đã không còn là mục tiêu và chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2019 nhằm kiểm soát vốn tín dụng ra nền kinh tế ở mức phù hợp, tăng cường chất lượng tín dụng. Trong đó, đáng chú ý là, tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất (bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán) được kiểm soát một cách chặt chẽ. Vì thế, theo các nhà phân tích tài chính, các ngân hàng khó kỳ vọng tăng trưởng tín dụng ở mục tiêu cao trong năm nay.

Dù đến thời điểm này, room tín dụng đã được định hướng cho các ngân hàng, song chưa nhà băng nào công bố hạn mức tăng trưởng tín dụng nhận được. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 2019 được các ngân hàng xây dựng và trình cổ đông cũng chỉ ở mức tối đa 13-14%. Có nhà băng đặt mục tiêu cao hơn, như VIB kỳ vọng tăng tín dụng 35% (do đã hoàn thành Basel II, được NHNN ưu tiên hạn mức tăng trưởng tín dụng), song cũng phải đợi NHNN phê chuẩn.

Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng 2 tháng đầu năm nay, theo số liệu từ Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), đạt trên 1%. Riêng khu vực TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay, tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đạt hơn 1,5% ở 3 tháng đầu năm. Với đà tăng trưởng này, các ngân hàng sẽ sớm cạn room tín dụng, bởi dư nợ thường tăng cao kể từ quý II và cao nhất là vào quý IV hàng năm.

Trên thực tế, thực trạng cạn room tín dụng đã diễn ra ở nhiều ngân hàng vào quý IV/2018, do đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong thời gian giữa năm. Thế nhưng, với chủ trương kiểm soát tín dụng ở mức phù hợp, ngành ngân hàng chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức 14% năm 2018, cho dù mục tiêu đưa ra đầu năm là 17-18%. Đồng thời, NHNN hạn chế trong việc nới room tín dụng cho ngân hàng. Thế nhưng, cuộc đua lãi suất huy động vốn vẫn chưa có điểm dừng, dù tín dụng khó tăng cao.

Đua lãi suất, tăng thanh khoản

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết của hơn 30 ngân hàng trong tháng 3/2019, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 8,95%/năm thuộc về SCB. Đây là mức lãi suất được áp dụng đối với tiền gửi tiết kiệm online kỳ hạn từ 13 tháng trở lên. Mức lãi suất theo biểu ở hình thức gửi này là 8,65%, nhưng được cộng thêm 0,3% theo chương trình khuyến mãi. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất theo sản phẩm thông thường tại quầy là 7,75%/năm và theo sản phẩm đắc lộc tài là 8,55%/năm (đối với số tiền từ 50 triệu đồng trở lên).

Huy động lớn để làm đẹp báo cáo

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, bên cạnh việc cần vốn để tăng cho vay và tạo dòng tiền tốt nhằm bù đắp các khoản tiền gửi đến hạn tất toán, nhiều ngân hàng muốn có lượng vốn huy động lớn để làm đẹp các con số trên báo cáo tài chính, cũng như cơ cấu lại nguồn vốn khi bị “siết” vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% đầu năm nay theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN.

Tiếp đó là mức lãi suất cao nhất tại Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) và VPBank với 8,6%/năm. Nhóm các ngân hàng nhà nước tiếp tục xếp dưới cùng với mức lãi suất cao nhất tại VietinBank là 7%/năm, BIDV là 6,9%/năm, Agribank và Vietcombank là 6,8%/năm. Tuy nhiên, tại BIDV, đối với nhóm chứng chỉ tiền gửi dài hạn, khách hàng có thể nhận được lãi suất lên tới 7,6%/năm.

Sở dĩ các ngân hàng đua tăng lãi suất, hút tiền nhàn rỗi là để chuẩn bị thanh khoản nhằm đón đầu cầu vốn tăng sau quý I ảm đạm. Không chỉ tăng lãi suất, các ngân hàng còn tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi để hút tiền nhàn rỗi.

VIB ra mắt chương trình tặng khách hàng gửi tiền các phần quà có tổng giá trị lên đến gần 5 tỷ đồng. Số tiền gửi càng nhiều, giá trị quà tặng càng cao và VIB không giới hạn số lần tặng quà trên mỗi khách hàng. Đây là ưu đãi từ Chương trình “30.000 quà tặng khách hàng gửi tiết kiệm” của VIB với mỗi phần quà tặng trị giá đến 2,5 triệu đồng.

Ngoài ra, từ nay đến ngày 30/6, khách hàng gửi tiền tại HDBank được cộng thêm lãi suất từ 0,1% đến 0,4%/năm; lãi suất được áp dụng tối đa cho khoản gửi lên đến 7,8%/năm. Nam A Bank cộng thêm lãi suất lên đến 0,2%/năm với khách hàng gửi tiết kiệm.

Một loạt ngân hàng tăng lãi suất để đáp ứng nhu cầu vốn
Những ngày qua, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm, cả với kỳ hạn dài ngày lẫn kỳ hạn ngắn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư