Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đưa khởi nghiệp vào trường đại học: Nhìn từ sáng kiến của Singapore
Đình Quý (DNSG) - 22/07/2018 13:16
 
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức yêu cầu các trường đại học xây dựng các chuyên đề khởi nghiệp và đưa chúng vào chương trình đào tạo theo hướng bắt buộc hoặc tự chọn phù hợp với thực tiễn nhà trường.
 Một trường ĐH Hàn Quốc trong hoạt động chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu với giới startup Việt
Một trường ĐH Hàn Quốc trong hoạt động chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu với giới startup Việt

Chỉ đạo này nhằm triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục đích thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị kiến thức, kỹ năng cho các em ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cũng như tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các em hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp.

Theo đó, đến năm 2020, 100% các học viện, trường đại học, cao đẳng và trung cấp có kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. 100% các trường Đại học, 50% các trường cao đẳng, trường trung cấp có ít nhất hai ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.

Các trường tại Việt Nam có thể tham khảo 2 sáng kiến của Singapore. Sáng kiến thứ nhất với tên gọi Lean LaunchPad nhằm tập trung hỗ trợ các nhà khoa học và kỹ sư có tư duy về thương mại hóa sản phẩm. Chương trình 10 tuần này được mô phỏng theo chương trình I-Corps của Hiệp hội Khoa học Quốc gia Mỹ cũng như các chương trình kinh doanh của các trường Đại học Mỹ.

Cụ thể, trong khoảng 10 tuần, các nhà khoa học sẽ được tìm hiểu về cách thức chuyển công nghệ, sáng chế thành một sản phẩm thương mại, kiểm định sự phù hợp của các mô hình ý tưởng (proof of concept), xin cấp giấy phép và mở công ty. Mục tiêu của chương trình là đào tạo hơn 1.000 nhà khoa học, kỹ sư, từ đó đưa hơn 300 công nghệ mới vào ứng dụng trong đời sống. 22 nhóm đầu tiên đã bắt đầu chương trình huấn luyện lần thứ nhất vào tháng 8/2017.

Chương trình này sẽ do Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và các trường danh tiếng khác như Đại học Công nghệ Nanyang, Đại học Quản lý Singapore, Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore triển khai. Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (NRF) sẽ tài trợ cho sáng kiến này với tổng giá trị lên đến 6 triệu USD cho các hoạt động trong vòng 5 năm tới.

Bằng cách thúc đẩy các nhà nghiên cứu bước ra khỏi phòng thí nghiệm và nói chuyện với các khách hàng tiềm năng, họ sẽ hiểu rõ hơn về nhu cầu của người dùng cuối và bắt đầu có suy nghĩ từ quan điểm của khách hàng.

Sáng kiến thứ hai được công bố là Pollinate, một vườn ươm doanh nghiệp với mục tiêu ươm tạo các startup và các nhóm khởi nghiệp đến từ các trường Đại học của Singapore. Hiện có 3 trường là Ngee Ann Polytechnic, Polytechnic Singapore, Temasek Polytechnic sẽ hợp tác với Pollinate để giúp đỡ các startup phát triển những ý tưởng và thương mại hóa. NRF sẽ tài trợ cho Pollinate trong 3 năm tới.

Hiện tại, Pollinate đang ươm tạo 14 startup và có kế hoạch tăng con số này lên 30 trong thời gian tới. Theo Techinasia, Pollinate sẽ tạo cơ hội cho những startup tiếp cận các sinh viên mới ra trường, các cựu sinh viên, giảng viên của những trường Đại học, đồng thời kết nối họ với các đối tác trong và ngoài nước. Vườn ươm này cũng sẽ giúp các startup hợp tác với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) để giải quyết các vấn đề và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo trong khu vực SMEs.

Học sinh Chuyên Ams thử tài “khởi nghiệp” với Dự án nhạc kịch F.LAW
Học sinh Lớp 11A2, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam vừa thực hiện thành công Dự án nhạc kịch F.LAW - bước thử khởi nghiệp rất ý nghĩa cho các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư