Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 24 tháng 12 năm 2024,
Đưa kỹ thuật hiện đại về y tế cơ sở
Dương Ngân - 28/07/2024 07:56
 
Việc chuyển giao các kỹ thuật y tế hiện đại, cũng như đưa cán bộ y tế từ tuyến Trung ương về hợp tác, đào tạo tại địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân quê tiếp cận được dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cấp cứu can thiệp thành công một ca bệnh vỡ phình động mạch não
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cấp cứu can thiệp thành công một ca bệnh vỡ phình động mạch não

Nâng chất lượng y tế cơ sở

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Q. (61 tuổi) nhập viện trong tình trạng đột ngột yếu nửa người trái, đau đầu nhiều, nói khó. Qua thăm khám và đánh giá ban đầu, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu đa ổ. Kết quả chụp cắt lớp vi tính mạch máu não phát hiện tình trạng mảng vữa xơ gây hẹp trên 85% động mạch cảnh trong bên phải.

Xác định tình trạng của bệnh nhân rất nghiêm trọng, nếu không được can thiệp sẽ có nguy cơ tắc hoàn toàn động mạch cảnh trong bên phải, gây đột quỵ, nhồi máu não, kíp can thiệp mạch, Khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã hội chẩn qua Telehealth với các chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai. Kết quả cuộc hội chẩn chớp nhoáng, các bác sỹ thống nhất phác đồ điều trị đặt stent động mạch cảnh là phương pháp điều trị đem lại hiệu quả và an toàn nhất đối với bệnh nhân.

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang dưới sự hỗ trợ của các bác sỹ Trung tâm Điện quang (Bệnh viện Bạch Mai) tiến hành kỹ thuật can thiệp nội mạch nút phình mạch não vỡ bằng vòng xoắn kim loại cho nam bệnh nhân 45 tuổi. Theo tiền sử bệnh thì trước khi nhập viện, bệnh nhân đột ngột xuất hiện đau đầu nhiều, hoa mắt, chóng mặt. Kết quả chụp MSCT (chụp cắt lớp điện toán đa lớp) cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết dưới nhện (SAH) do vỡ phình động mạch não vị trí động mạch thông trước. Bệnh nhân được chỉ định can thiệp nút túi phình bằng vòng xoắn kim loại. Sau can thiệp, bệnh nhân đã ổn định.

Thực hiện Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” (Đề án 1816) của Bộ Y tế, đến nay đã có hàng vạn lượt cán bộ y tế tuyến trên về đào tạo cho các địa phương. Nhờ sự hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật của các bệnh viện Trung ương, nên nhiều bác sỹ ở địa phương nâng cao trình độ chuyên môn, có thể thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu.

Cũng được hưởng lợi từ việc đưa kỹ thuật cao về y tế cơ sở là nữ bệnh nhân N.Y.L (43 tuổi, xã Mường So, huyện Phong Thổ, Lai Châu). Bệnh nhân được chẩn đoán u xơ tử cung trên nền sẹo cũ mổ 3 lần. Qua khai thác hồ sơ bệnh án, người bệnh có tiền sử đã từng 2 lần mổ đẻ và mổ u xơ tử cung vào năm 2016. Cách đây 2 tháng, người bệnh thường xuyên xuất hiện những cơn đau vùng hạ vị. Qua khám lâm sàng và kết quả chiếu chụp, xét nghiệm cần thiết, các bác sỹ xác định, người bệnh có khối u xơ ở đáy tử cung với kích thước xấp xỉ 10 cm, gây biến chứng chèn ép, hoại tử u vô cùng nguy hiểm, cần được can thiệp ngay lập tức.

Ekip phẫu thuật của Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, được sự hướng dẫn của bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng khoa Phụ sản (Bệnh viện E), đã phẫu thuật cứu sống người bệnh.

Tăng cường hợp tác

Nói về lợi ích của việc chuyển giao, hợp tác giữa các bệnh viện tuyến trên và y tế cơ sở, bác sỹ Dương Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ đánh giá, nhờ sự hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện E, nên nhiều bác sỹ ở Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ đã nâng cao trình độ chuyên môn, có thể thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu và khó. Điều này tạo cơ hội cho người dân được chữa bệnh ngay tại địa phương, không phải vượt tuyến, giảm chi phí khám chữa bệnh.

Còn về hợp tác hỗ trợ y tế toàn diện giữa Bệnh viện Bạch Mai và tỉnh Hà Giang, PGS-TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, theo thỏa thuận hợp tác hỗ trợ y tế vừa được ký kết giữa hai đơn vị thì Bệnh viện Bạch Mai sẽ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ, ứng dụng y học từ xa và nghiên cứu khoa học.

Cụ thể, trong vòng 5 năm, Bệnh viện Bạch Mai ưu tiên hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ thuật, quản lý cơ bản và chuyên sâu cho cán bộ y tế của Hà Giang theo 3 hình thức: đào tạo trực tiếp tại bệnh viện; đào tạo tại tỉnh và đào tạo từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin (Telehealth). Trong đó, đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực quản lý bệnh viện, các kỹ thuật y học thực hành, nhất là về tim mạch can thiệp, điện quang can thiệp, tiết niệu, lọc máu, hồi sức cấp cứu, nhi khoa…

PGS-TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Vị Xuyên… cách Thủ đô vài trăm cây số, nếu không may có người bị đột quỵ, muốn về Hà Nội để ứng dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết hay lấy huyết khối, thì với thời gian di chuyển khoảng 10 tiếng đã qua mất giờ vàng, mất đi cơ hội sống của người bệnh. Nhận thức vấn đề này, với vai trò là bệnh viện đầu ngành, người anh cả của y tế phía Bắc, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai nói chung, Trung tâm Đột quỵ nói riêng, cùng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Y dược Bạch Mai đã lập chiến lược nâng cao năng lực tại chỗ cho y tế của Hà Giang.

Theo đó, Trung tâm Đột quỵ phối hợp với Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh triển khai Đề án Nghiên cứu nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ não tại các Bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Sau 3 tháng đào tạo nghiêm túc, các học viên sẽ trải qua kỳ đánh giá và thi thực hành vô cùng gắt gao. Nếu đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế, học viên sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục “Chăm sóc người bệnh đột quỵ não và sử dụng thuốc tiêu huyết khối”.

Phát động cuộc thi "Y tế cơ sở giỏi năm 2024"
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, được tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và là mô hình mà nhiều nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư