Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Đưa nền kinh tế vận hành trở lại
Hà Nguyễn - 22/04/2020 07:39
 
Sẽ chưa thể và không thể vận hành như bình thường, nhưng việc đưa nền kinh tế vận hành trở lại là điều cần được tính đến càng sớm càng tốt, bởi hôm nay (22/4) là ngày cuối của đợt giãn cách xã hội thứ hai và Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Tất nhiên, điều kiện tiên quyết để làm được điều đó là công tác phòng, chống Covid-19 của Việt Nam tiếp tục hiệu quả như thời gian qua và trong mọi trường hợp, không được lơ là, chủ quan, phải quyết liệt với các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh.

Tuần trước, khi hết 15 ngày giãn cách xã hội đầu tiên, Chính phủ đã quyết định từng bước giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội tùy thuộc việc phân loại các địa phương theo nhóm. Đây là bước đi thận trọng và cần thiết, được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ.

Cũng nhờ sự giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội này, nên một số hoạt động kinh tế, bao gồm cả chuyên chở hành khách đã được thực hiện ở một số địa phương có nguy cơ thấp.

Tần suất các chuyến bay, nhất là giữa Hà Nội - TP.HCM được tăng lên. Các cơ sở sản xuất - kinh doanh cũng bắt đầu vận hành, nhịp sống của người dân tăng dần trở lại…

Trên thực tế, ngay cả khi Chính phủ bắt đầu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 1/4, các hoạt động kinh tế vẫn được duy trì đối với các lĩnh vực thiết yếu. Giãn cách xã hội, nhưng không có nghĩa là ngăn sông, cấm chợ. Cánh cửa của nền kinh tế chưa bao giờ bị đóng lại…

Thực hiện giãn cách xã hội, Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận hy sinh một phần tăng trưởng để đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân. Nhiều nước trên thế giới cũng đang làm như vậy, bởi thực tế, chống dịch cũng là cách để bảo vệ nền kinh tế.

Nhưng khi dịch bệnh đang dần được kiểm soát tốt hơn ở Việt Nam và khi Covid -19 chưa biết khi nào mới chấm dứt hoàn toàn, thì việc đưa nền kinh tế vận hành trở lại là điều cần được cân nhắc.

Nhiều chuyên gia kinh tế thống nhất quan điểm rằng, cho đến khi có vaccine chống Covid-19 với khoảng thời gian sau 12-18 tháng nữa, thì kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể hồi phục. Kinh tế Việt Nam, theo đó, cũng bị ảnh hưởng.

Nhưng không thể mãi chờ đợi, không thể để nền kinh tế tiếp tục ở trạng thái “ngủ đông”, nhất là với Việt Nam, một nền kinh tế có độ mở cao, khi khu vực phi chính thức còn chiếm tỷ lệ rất lớn, khi nhiều người dân vẫn phải phụ thuộc vào các dịch vụ bên vỉa hè để mưu sinh…

Dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, còn xu thế đi ngang như hiện nay, thì ước tính trong quý II/2020, sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc. Thậm chí, trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, sẽ có 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc trong quý II/2020.

Con số này hẳn nhiên chưa tính đến những người bị ảnh hưởng ở khu vực phi chính thức. Việc Chính phủ tung gói hỗ trợ an sinh hướng tới 20 triệu người bị ảnh hưởng cho thấy điều đó.

Phân nhóm từng địa phương để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội hay nới lỏng là cần thiết. Quyết liệt phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh cũng là điều tối quan trọng. Song khi đủ điều kiện thì nên nới mở, để vừa vận hành nền kinh tế, vừa thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trước dịch bệnh dù chưa thể và không thể kỳ vọng mọi thứ ngay lập tức quay trở lại quỹ đạo bình thường.

Cùng với việc đưa nền kinh tế vận hành trở lại, cả hệ thống chính trị cũng phải chuẩn bị cho bước đi đường dài. Trước mắt là xây dựng các kịch bản phát triển để nền kinh tế có thể bật dậy nhanh, từ đó theo kịp sự thay đổi rất nhanh của kinh tế toàn cầu sau đại dịch.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư