Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Đua nhau lấn biển trái phép làm nhà hàng tại TP. Vũng Tàu: Có dấu hiệu bao che?
Gia Huy - 30/07/2017 13:14
 
Kết luận kiểm tra từ tháng 8/2016 của UBND TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chỉ rõ các trường hợp sai phạm do xây dựng nhà hàng, quán ăn lấn biển. Tuy nhiên, tới nay, những nhà hàng được xây dựng trái phép này vẫn ngang nhiên tồn tại...

Thanh tra rồi… để đó

Cách đây gần 1 năm, ngày 1/8/2016, Phòng Quản lý đô thị (UBND TP. Vũng Tàu) đã có Văn bản số 364/BC-QLĐT báo cáo về việc kiểm tra, thẩm định độ an toàn trong việc xây dựng nhà sàn lấn biển để kinh doanh nhà hàng ăn uống ven kênh Bến Đình, phường 5. Trong đó, công trình xây dựng nhà hàng Thành Phát 1 trên đường Trần Phú là công trình lớn nhất được văn bản này điểm mặt, với diện tích đất xây dựng trái phép là 435 m2 ra biển.

Việc xây dựng nhà hàng lấn chiếm ra biển tại đường Trần Phú, TP. Vũng Tàu đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Gia Huy
Việc xây dựng nhà hàng lấn chiếm ra biển tại đường Trần Phú, TP. Vũng Tàu đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Ảnh: Gia Huy

Ngoài ra, văn bản của Phòng Quản lý đô thị (UBND TP. Vũng Tàu) còn chỉ ra nhiều công trình nhà hàng lấn biển trái phép khác như: nhà hàng Thành Phát 2 (số nhà 121 đường Trần Phú, phường 5), với diện tích đất lấn chiếm ra biển lên đến 214,4 m2; nhà hàng Tân Kỳ tại số 336 đường Trần Phú đã lấn chiếm diện tích 185,1 m2 ra biển; nhà hàng Tân Phát tại số 328 đường Trần Phú, toàn bộ công trình có diện tích 234,9 m2 đều là đất lấn chiếm ra biển…

Các công trình nêu trên đều đã bị cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào tháng 10/2012 và sau đó (tháng 4/2013) là quyết định yêu cầu tháo dỡ công trình lấn chiếm. Tuy nhiên, chủ các công trình đều không chịu nộp phạt và vẫn ngang nhiên để công trình tồn tại từ đó đến nay.

Khảo sát của phóng viên cũng cho thấy, có rất nhiều nhà hàng và công trình xây dựng bất động sản khác có dấu hiệu lấn ra biển. Đó là nhà hàng Lâm Đường tại đường Trần Phú, hay dự án bất động sản nghỉ dưỡng do nhà thầu chính là Công ty Phục Hưng xây dựng lấn ra phía biển hàng chục mét.

Bà Nguyễn Thị Bé, một người dân sống tại đường Trần Phú (phường 5, TP. Vũng Tàu) đặt câu hỏi, tại sao hàng loạt sai phạm lấn chiếm biển của các nhà hàng đã rõ ràng như vậy mà Thành phố vẫn để yên? Phải chăng có khuất tất gì ở những dự án này?

Ông Lê Văn Toán, một người dân khác sống tại đường Trần Phú cho biết, việc lấn biển để làm nhà hàng lúc đầu chỉ diễn ra ở 5 nhà hàng, nhưng tới nay đã lên tới hàng chục nhà hàng, thậm chí có nhà hàng còn xây dựng khá kiên cố. Đặc biệt, nước thải và đồ ăn thừa của thực khách được đổ thẳng xuống biển, gây ô nhiễm biển ở khu vực này. Không chỉ vậy, những đoàn xe du lịch chở khách tới đây ăn uống còn đỗ ngoài lề đường, chiếm nhiều diện tích đường đi, khiến người dân rất khó khăn trong việc đi lại tại tuyến đường Trần Phú.

Loay hoay tìm giải pháp

Ông Trần Anh Tuấn, Phó chánh văn phòng UBND TP. Vũng Tàu cho biết, nhiều năm qua, Thành phố giao cho phường xử lý việc này với hình thức vận động người dân tự giác phá dỡ công trình lấn chiếm trái phép nhưng không thành công. “Chúng tôi đang rà soát lại diện tích lấn chiếm ở các nhà hàng để tổ chức cưỡng chế. Hiện Phòng Tài nguyên và Môi trường đã làm báo cáo để trình UBND Thành phố phê duyệt, sau đó giao cho phường thực hiện”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng khẳng định, không có chuyện bao che sai phạm, TP. Vũng Tàu sẽ cương quyết xử lý những vi phạm này trong năm nay. Đối với câu hỏi về việc có nhiều nhà hàng xây dựng kiên cố lấn chiếm mặt nước biển, nhưng không có trong danh sách sai phạm, ông Tuấn cho biết, đó là những nhà hàng có giấy phép xây dựng…

Riêng với hệ thống xử lý nước thải từ các nhà hàng lấn chiếm, ông Tuấn khẳng định, vấn đề này được Phòng Tài nguyên và Môi trường quản lý. Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Tấn Chiểu, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết, ông chưa nắm hết được vấn đề này, vì ông Ngọc, Phó trưởng phòng đang thực hiện công tác báo cáo.

“Có nguy cơ là những nhà hàng lấn chiếm có thể bị sập đổ, bởi cọc móng bằng gỗ nhiều năm nay đã mục nát. Chúng tôi sẽ phải đi kiểm tra lại từng trường hợp rồi báo cáo Tỉnh ủy và UBND TP. Vũng Tàu về hiện trạng các nhà hàng này”, ông Chiều nói.

Với việc kiểm tra và xử lý theo kiểu “thời gian tới” như trên, người dân thành phố biển Vũng Tàu đã mất niềm tin rằng, vấn đề nhức nhối này sẽ sớm được giải quyết…

TP. Vũng Tàu sẽ có khu đô thị trị giá gần 1.500 tỷ đồng
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa chấp thuận cho Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư