Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đừng bỏ lỡ cơ hội từ nâng hạng EM, sẽ có lúc nhìn thấy P/E trên 20 lần
Phan Hằng - 10/06/2022 14:14
 
Với nhà đầu tư, không thể bỏ lỡ cơ hội từ câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán, là cơ hội tương đương 15 năm trước mở cửa thị trường tài chính.

Trước các động thái hoàn thiện khung pháp lý, chuẩn bị cơ sở hạ tầng giao dịch, đến những hành động thanh tra giám sát chặt chẽ, tăng tính minh bạch thị trường giai đoạn qua, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ thúc đẩy mạnh hơn câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi (EM). 

Đây cũng là nội dung được nhấn mạnh trong phiên thảo luận với chủ đề “Thị trường chứng khoán Việt Nam: Vượt ghềnh” - một chủ đề trong khuôn khổ Hội nghị nhà đầu tư thường niên - Invest ASEAN của Maybank diễn ra trực tiếp tại 6 quốc gia (thông qua cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp) diễn ra hai ngày 8 và 9/6. Chủ đề chính của Hội nghị năm nay là “ASEAN định hình tương lai”.

Ông Lê Anh Tuấn Phó tổng giám đốc Đầu tư - Kinh tế gia trưởng Dragon Capital phân tích, nhìn ngược về diễn biến xấu nhất trong quá khứ, khoảng giai đoạn năm 1974, thị trường Mỹ giảm khoảng 15-18%. Nếu thị trường lớn giảm như vậy, thị trường Việt Nam cũng ảnh hưởng, và tệ nhất là về 9-10 lần. Dragon Capital ước tính về 11,7 lần trong năm 2022.  

Thị trường chứng khoán giai đoạn năm 2011 đối diện lạm phát cao, kinh tế suy thoái, khi đó có 2 quỹ hedge fund rất nổi tiếng qua Việt Nam, họ nói với tôi là các bạn đang ngồi trên mỏ vàng. Và họ đúng, từ 2012, VN-Index chỉ 235 điểm, nay 1.200-1.300 điểm, có cổ phiếu tăng đến 30-50 lần. 

“Ngắn hạn tôi không biết, nhưng giai đoạn hiện nay, tôi cũng nói, mình đang ngồi trên mỏ vàng trong 5 năm tới, vì thị trường Việt Nam đang có quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) và phải chắc chắn làm được, khi đó, định giá không thể 12 lần PE được,vô lý lắm cho một nền kinh tế tăng trưởng”, ông Lê Anh Tuấn nói. 

Mặt khác, thị trường Việt Nam có discount (chiết khấu) so với trong khu vực, trước đây ai cũng cho rằng là do room ngoại. Nhưng ông Tuấn cho rằng, đó chỉ là 1 phần tác động, phần lớn nhất làm định giá thấp là vì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, họ sẽ phân bổ thu nhập cho tài sản tài chính ít, nên lượng người tham gia thị trường tài chính ít hơn. Còn hiện nay thì sao, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh và xu hướng người dân tham gia thị trường chứng khoán trong 3 năm tới vẫn rất tốt

“Ta đang có 3-4 yếu tố vàng cho 5 năm tới, dĩ nhiên trong đường đi, vẫn sẽ có hố bom. Còn ngành hay công ty hấp dẫn, hãy cứ chọn doanh nghiệp đầu ngành, cứ VN30 mà mua”, ông Tuấn chia sẻ. 

Nhìn thấy thị trường rớt 25%, ai cũng hết hồn, tài khoản xa bờ, nên nói ngồi trên mỏ vàng nghe hơi chói tai. Nhưng ông Tuấn cho rằng, nhìn lại lợi nhuận doanh nghiệp trong 10 năm qua là tiến lên từ từ. Bức tranh cho 10 năm tới, doanh nghiệp lớn lên, chất lượng doanh nghiệp tốt hơn, lợi nhuận thay vì tăng 12,5-13% trong thập kỷ qua thì có thể tăng trưởng là 15%. 

Bên cạnh đó, câu chuyện nâng hạng là chắc chắn, và sẽ có giai đoạn thị trường được định giá PE 20-22 lần (đã từng xảy ra trong quá khứ). Vậy nếu nhìn PE thị trường hiện nay khoảng 12,5 lần, cứ cho rằng 7 năm sau mới được nâng hạng, thì với các giả định tăng trưởng lợi nhuận trên, lợi tức đầu tư của nhà đầu tư có thể đạt 20-23% một năm. 

Sẽ có hố bom trên đường đi, nhưng hãy nhớ, nếu mua ở giai đoạn này, kéo dài trong 7 năm, thì sẽ được trên 20% suất đầu tư mỗi năm”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SGI (SGI Capital) cho rằng, sớm hay muộn, thị trường Viêt Nam sẽ nâng hạng và được nâng hạng, bởi nhu cầu tư 2 phía, Việt Nam muốn nâng hạng và các nhà đầu tư trên thế giới cũng muốn tìm kiếm ra các cơ hội đầu tư tốt. 

Số lượng quốc gia có kết cấu có thể cung cấp cơ hội đầu tư như Việt Nam hiện trên thế giới còn không nhiều, ông Phúc cho biết. 

Theo đó, dòng tiền các quỹ đầu tư thật ra họ không chờ đến ngày nâng hạng chính thức, mà có thể thấy các cổ đông lớn có tên tuổi trên thế giới cũng đang xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Các nhà đầu tư này chỉ đầu tư vào thị trường EM thì nay họ đang đến Việt Nam, quá trình này đang diễn ra dần. 

Chỉ 1-2 năm nữa thị trường Việt Nam có thể vào watchlist của MSCI, hay vào chính thức level dưới của FTSE, sau đó vào dần các danh mục cao hơn.Đồng thời, xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức cao nhất của thị trường đầu cơ, cao hơn nữa thì vào hạng mục có thể đầu tư. 

Ông Phúc cho biết, bóc tách khoảng 40 thị trường EM, thì chỉ có khoảng 4-5 thị trường đang ở hạng tương đương hoặc thấp hơn Viêt Nam, còn đại đa số là trên - có thể đầu tư. 

Với tốc độ điều hành và ổn định vĩ mô như hiện nay, cộng thêm cơ chế liên quan đến thị trường tài chính và kinh tế nói chung, nâng GDP tăng trưởng tốt lên thì Việt Nam sẽ được nâng hạng xếp hạng tín nhiệm hơn. Cộng thêm dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) Việt Nam tốt, là quốc gia gần như mở cửa nhất trên thế giới, thì việc nâng hạng thị trường EM là gần như chắc chắn xảy ra, ông Phúc khẳng định lại. 

Với người đầu tư trên thị trường chứng khoán, thì không thể bỏ lỡ, đây là cơ hội tương đương 15 năm trước mở cửa thị trường tài chính khi bước vào thị trường frontier market – mới nổi, như năm 2006 đã kéo được 2 tỷ USD vào thị trường. Hiện thị trường Việt Nam đang chuyển dần toàn diện vào thị trường EM là quá trình tương tự, có thể không bùng nổ quá nhanh, nhưng rộng mở cơ hội cho 3-5 năm tới. Những lo lắng trong ngắn hạn là cơ hội lựa chọn cổ phiếu và rẻ cho dài hạn”, ông Phúc nói.

Nói thêm về dòng tiền, 2 tháng qua, khối ngoại mua ròng tốt nhất so với các thị trường khác trong khu vực. Thống kê MBKE, từ đầu năm đến nay, khu vực điều chỉnh ít nhất là thị trường chứng khoán Đông Nam Á. Thậm chí nếu tách thị trường Việt Nam ra thì thậm chí khu vực này vẫn tăng 1%, nhờ mức tăng tốt từ thị trường Indonesia. Khi đặt vào mức suy giảm VN-Index 14% từ đầu năm, tính từ đỉnh 6 tuần lễ rơi liên tục thì 24% - hiếm có trong lịch sử mà thị trường rơi mạnh và liên tục. Phải chăng cho thấy từ tháng 4 tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đối mặt với các vấn đề khá cục bộ, khá riêng (dù có bị tác động bởi diễn biến thị trường thế giới) - thì có phải cách điều chỉnh của thị trương Việt Nam có thái quá không?

Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, cần nắm rõ xu hướng thị trường châu Á, nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi thị trường Trung Quốc có đáng để đầu tư tiếp hay không, vì hiện Trung Quốc đang siết quá mạnh. Chẳng hạn, một quỹ chuyên đầu tư thị trường mới nổi, có 100 triệu USD, đầu tư vào thị trường Trung Quốc 30 - 40 triệu USD, nay chỉ có thể giải ngân 10% (tương ứng 10 triệu USD - PV), thì rõ ràng, họ phải tìm thị trường khác để gỉai ngân, trong đó thị trường Việt Nam khá sáng để hút dòng vốn này. 

Điểm nữa, kinh tế Đông Nam Á vì lạm phát thấp, xuất siêu nhiều, nên dòng tiền vào Đông Nam Á là có, nhưng góc nhìn ngược lại là Fed tăng lãi suất và khả năng tăng trên 3% là chắc chắn rồi. Trong quá khứ nhìn lại thì trong giai đoạn đầu, ở thị trường mới nổi, là rút ròng. 

Ông Lê Anh Tuấn lưu ý thêm,thị trường niêm yết Indonesia có nhiều công ty khoáng sản, lương thực thực phẩm - mà giá cả hàng hoá đang tăng mạnh, nên các cổ phiếu này mạnh kéo theo thị trường họ tăng là hợp lý. Còn thị trường Việt Nam thì có nhiều nhóm, trong đó bank - bất động sản rất nhạy với chính sách, nên phản ánh ngay trên thị trường.

Ông Hoàng Thanh Tuấn, Phó giám đốc Khối khách hàng cá nhân, khu vực phía Bắc, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank cho rằng, xét về giảm điểm thị trường vài chục % trong thời gian ngắn, thì cần nhìn lại trong 2 năm qua, vì Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các nền kinh té bị ảnh hưởng, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất và bơm tiền vào thị trường, bản chất không chạy hết vào sản xuất kinh doanh, mà một phần vào thị trường chứng khoán. Thành công của nhà đầu tư mới là fomo, quay vòng nhanh, giao dịch nhiều. Kết qủa, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 3 lần.

Khi có vụ nổ FLC thao túng giá, và Tân Hoàng Minh liên quan trái phiếu, ngay lập tức dòng tiền trên thị trường bị rút ra rất nhiều từ trái phiếu ngân hàng, khi có biến động thì cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đều phải rút ra. Điều này ảnh hưởng không ít tới thị trường, ông Tuấn nói. 

Với dòng tiền nhà đầu tư cá nhân, ông Hoàng Thanh Tuấn cho biết, thị trường tăng trưởng nhờ dòng tiền cá nhân rất mạnh, đoạn suy giảm thì dòng tiền đang rút ra. Nhiều người đang chờ đợi cơ hội. So với lãi suất gửi ngân hàng, thì đầu tư vào doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận 20-25% vẫn hấp dẫn hơn, còn bất động sản thì hiện đòn bẩy rất cao. 

Dòng tiền nhà đầu tư cá nhân tại MBKE đều đang chờ cơ hội rõ ràng, ông Thanh Tuấn nói. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư