Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Đừng để doanh nghiệp, người dân tốn kém vì "một rừng luật" kém chất lượng
Nguyễn Lê - 24/05/2022 14:29
 
"Một rừng luật" với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột, gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều, phí tổn còn cao, theo luật sư - đại biểu Trương Trọng Nghĩa.
.

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24/5 của Quốc hội.

Một "rừng luật" với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột, gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn, luật sư - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 24/5 của Quốc hội.

Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình năm 2022 là nội dung được đặt lên bàn nghị sự tại phiên họp này.

Theo đó, số lượng các dự án luật được điều chỉnh khá nhiều, chẳng hạn bổ sung đến 8 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, thông qua tại kỳ họp thứ 5, chưa kể bổ sung 1 dự án luật trình và cho ý kiến thông qua theo trình tự tại một kỳ họp, tại kỳ họp thứ 4 và bổ sung 3 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4.

"Như vậy, tại kỳ họp thứ 4, tổng số có đến 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, 7 dự án trình Quốc hội cho thông qua, gây sức ép lớn cho các cơ quan thẩm tra", Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn lo ngại.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị một nguyên tắc xuyên suốt trong công tác lập pháp của Quốc hội đó là khi chấp thuận hoặc đưa bất kỳ một sáng kiến lập pháp nào hay làm mới, sửa đổi, bổ sung một đạo luật, trước khi đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội phải buộc tổ chức, cơ quan đề xuất phải có bản đối chiếu, phân tích, đánh giá 2 khía cạnh phí tổn và lợi ích của dự án luật đó.

Bởi, khi làm mới hay bổ sung, sửa đổi một đạo luật, có rất nhiều loại phí tổn, từ quá trình xây dựng đề án luật, quá trình soạn thảo luật, quá trình thông qua luật, quá trình thực hiện luật.

Phí tổn phát sinh dưới nhiều dạng, ở nhiều khu vực, như phí tổn của ngân sách công và của khu vực tư, của xã hội, của người dân. Loại phí tổn này, theo đại biểu Nghĩa thì thường không được quan tâm đầy đủ.

Bên cạnh đánh giá phí tổn, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần so sánh, phân tích và đánh giá với các lợi ích cho đất nước, cho nền kinh tế, cho quản lý nhà nước và cho người dân...

Vì, có những quy định khiến cho các lợi ích mâu thuẫn nhau, triệt tiêu nhau, được về ngắn hạn, hại về dài hạn; lợi cho quản lý nhà nước, thiệt hại cho quyền tự do, dân chủ Hiến định của người dân.

Từ phân tích trên, vị đại biểu TP.HCM đề nghị Quốc hội cần yêu cầu tổ chức, cơ quan trình sáng kiến lập pháp hay trình dự án luật phải cung cấp các thông tin được lượng hóa, tiêu chí hóa, mô hình hóa, có phân tích, tổng hợp, đánh giá nhiều chiều một cách khách quan, khoa học, để Ủy ban Thường vụ và Quốc hội quyết định có đưa dự án luật ấy vào chương trình xây dựng luật hay có thông qua dự thảo luật hay không.

Các cơ quan của Quốc hội cũng cần mời các chuyên gia phản biện chuyên môn, chuyên sâu, nhất là về so sánh phí tổn - lợi ích như nêu trên.

“Tôi đề nghị như vậy là vì, cho đến nay, khi đề xuất các sáng kiến lập pháp hay dự án luật, trong phần đánh giá tác động, các thông tin về phí tổn thường bị xem nhẹ, không đánh giá hết, hoặc đánh giá rất chung chung, chủ yếu nói đến cái lợi, mà cũng chỉ nói một chiều, rất khó để các đại biểu, nhất là các đại biểu không chuyên ngành, có thông đủ thông tin để đánh giá hay phản biện”, đại biểu Nghĩa phát biểu.

Theo đại biểu, có những đạo luật ra đời thuận tiện cho cơ quan quản lý nhà nước, nhưng rất bất tiện cho người dân. Có đạo luật bị rơi vào quên lãng, hoặc chỉ vận hành như một loại chính sách, hay biện pháp hành chính, không phải là một đạo luật đúng nghĩa.

Vị đại biểu có "thâm niên" ở Quốc hội cũng khuyến nghị, có những lĩnh vực cần pháp điển hóa, nghĩa là làm chung một đạo luật đầy đủ các bộ phận liên quan nhau để tránh chồng chéo, xung đột và để thuận tiện cho người dân thì không nên chia cắt thành nhiều luật, lợi sẽ bất cập hại.

“Những đạo luật như vậy gây ra lãng phí công sức, tiền của nhà nước, của xã hội và của nhân dân”, đại biểu nhấn mạnh.

Lý giải việc dân vẫn nghèo trong khi đất nước tăng trưởng kinh tế khá cao, xuất khẩu, thu hút đầu tư nhiều…, đại biểu Nghĩa nhận định, một trong những nguyên nhân là do nhà nước, doanh nghiệp và người dân đang phải chịu phí tổn quá nhiều và quá nhiều loại phí tổn, trong đó có phí tổn của công tác lập pháp, lập quy, ban hành chính sách, quy định, hay nói rộng hơn, là phí tổn do công tác xây dựng thể chế có hiệu quả thấp.

“Một rừng luật với hiệu quả, chất lượng kém, chồng chéo, xung đột gây ách tắc thì thiệt hại còn nhiều hơn”, ông Nghĩa lo ngại...

Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vận dụng di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh” khi xem xét các sáng kiến lập pháp và các dự án luật.

Hồi âm ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, một trong những mục tiêu cần phải đạt được là xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, nhưng với chi phí thấp.

"Nhưng cũng có những nội dung chúng ta chưa thực hiện tốt thì sắp tới Chính phủ cũng xin tiếp thu và có hoàn thiện thêm", ông Long nói.

Chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật
Thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự thảo “Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư