Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dùng mỹ phẩm, dè chừng cả thương hiệu lớn
Thế Hải - 04/07/2013 14:45
 
Chỉ trong một thời gian ngắn, thị trường mỹ phẩm Việt Nam đã hội tụ đủ các thương hiệu quốc tế nổi tiếng, như Lancôme, Estee Lauder, Shiseido, Menard, L’Oréal, Naris… Tuy nhiên, người tiêu dùng cần thận trọng trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
TIN LIÊN QUAN

Trung tuần tháng 6 vừa qua, đại diện 6 doanh nghiệp mỹ phẩm Pháp, gồm Groupe Batteur, Gemology, Morjana, Laboratoires Teane, BEAC và Lisandra đã có chuyến thăm và khảo sát thị trường Việt Nam để tính việc đưa sản phẩm của mình vào Việt Nam, thông qua các nhà phân phối và nhập khẩu trực tiếp.

Hiện có khoảng 90 thương hiệu nước ngoài hiện diện
tại thị trường mỹ phẩm Việt Nam

Sản phẩm của cả 6 doanh nghiệp trên đều có thế mạnh và uy tín trong các lĩnh vực, như chăm sóc da; dành cho các thẩm mỹ viện và spa; thiết bị khử mùi và khuếch tán hương thơm tinh dầu; sơn móng tay...

Đại diện Groupe Batteur, tập đoàn sản xuất và kinh doanh các dược phẩm, mỹ phẩm chăm sóc da xác nhận, Groupe Batteur sẽ sớm thâm nhập thị trường Việt Nam có thể ngay vào cuối năm nay, hoặc trong năm 2014.

Bà Trịnh Thị Minh Ngọc, tùy viên thương mại ngành mỹ phẩm - dược phẩm và y tế thuộc Cơ quan Đại diện thương mại Pháp tại Việt Nam (UBIFRANCE) cho biết, năm 2012, tổng doanh thu của thị trường mỹ phẩm Việt Nam đạt khoảng 480 triệu USD, với mức tăng trưởng 10 %/năm trong nhiều năm gần đây và dự báo, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới

Theo đại diện Hội Hóa mỹ phẩm TP.HCM, thị trường Việt Nam hiện có hơn 100 thương hiệu mỹ phẩm, nhưng có tới 90% thuộc về các thương hiệu nước ngoài nổi tiếng, như Lancôme, Maybelline, L’Oréal, Vichy, Chanel, M.A.C, Dior, Shiseido…

Sự xuất hiện quá nhanh, quá nhiều loại mỹ phẩm từ bình dân đến cao cấp một mặt tạo ra cho người tiêu dùng sự lựa chọn đa dạng và cơ hội mua sắm nhiều sản phẩm mang thương hiệu quốc tế ngay tại thị trường nội địa, nhưng mặt khác cũng là một bài toán khó cho chính họ. Bởi người tiêu dùng không dễ chọn các sản phẩm vừa hợp túi tiền, vừa đảm bảo đạt tiêu chuẩn an toàn về sức khỏe.

Đặc biệt, trước thông tin vừa được Cơ quan Kiểm nghiệm của Canada công bố về 2 thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng toàn cầu là L’Oréal và Clinique chứa nhiều chất độc hại như thủy ngân, chì…, thì người tiêu dùng càng có lý do để lo ngại, bởi cả L’Oréal lẫn Clinique đều đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ nhiều năm nay và đã có được một lượng khách hàng không nhỏ.

Đại diện Bộ Y tế nhận xét, hầu hết các loại mỹ phẩm, kể cả mỹ phẩm của các tập đoàn đa quốc gia đều chứa rất nhiều thành phần, như chất tạo hương, tạo bọt, màu tổng hợp, silicone tạo độ mềm mượt, chất chống nắng nhân tạo… ít nhiều đều có thể gây hại cho sức khỏe.

Vấn đề là các nhà sản xuất sử dụng các chất đó ở liều lượng nào, có trong ngưỡng cho phép hay không. Do vậy, người tiêu dùng không nên tin tuyệt đối vào những gì ghi trên nhãn mác và những thông tin quảng cáo, mà cần trang bị thêm những kiến thức nhất định để có thể nhận biết một số thành phần hóa chất được nhà sản xuất sử dụng trong sản phẩm.

Là một thị trường có tốc độ phát triển nhanh, nhưng đồng thời Việt Nam cũng là thị trường có độ bao phủ dày đặc của hàng mỹ phẩm giả. Trên thực tế, mỹ phẩm thương hiệu càng nổi tiếng, giá cao thì càng bị làm giả nhiều.

Đại diện Công ty L’Oreal Việt Nam thừa nhận, hàng giả, hàng nhái trong ngành mỹ phẩm quá phổ biến, đặc biệt với những thị trường đang phát triển như Việt Nam. Các thương hiệu lớn, như L’Oreal, Lancôme, Shisheido, M.A.C… cũng bị làm giả một cách tinh vi, không dễ phát hiện...

Một số chuyên gia ngành mỹ phẩm cho biết, để giảm thiểu nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc, chất lượng, người tiêu dùng nên tìm đến các điểm phân phối, bán lẻ mỹ phẩm chính hãng để được tư vấn sử dụng và mua sản phẩm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư