Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 05 năm 2024,
Dùng ngân sách mua nợ: Phải "lọc" đối tượng ưu tiên
Thùy Liên - 17/09/2016 07:50
 
Trả lời Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không muốn khối nợ xấu quốc gia hiện nay tiếp tục ứ đọng và không lối thoát, thì việc dùng ngân sách để giải quyết bài toàn nợ xấu là cách duy nhất. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu bằng ngân sách phải trên nguyên tắc công bằng, minh bạch thì mới được Quốc hội thông qua, dư luận đồng tình.

Làm rõ đối tượng nợ xấu trước khi “giải cứu”

Liên quan đến những tranh cãi về sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, trao đổi với báo Đầu tư, TS. Nguyễn Trí Hiếu, cho rằng, nợ xấu toàn ngành ngân hàng hiện nay (bao gồm cả đống nợ đang được gom tại VAMC), để giải quyết, có thể phân ra hai nhóm đối tượng để xử lý. Nhóm một là những doanh nghiệp hay cá nhân đã mắc nợ xấu nhưng có khả năng phục hồi và trả nợ. Nhóm hai những doanh nghiệp và cá nhân đã mất khả năng trả nợ và những món nợ của họ chỉ có thể thu hồi qua việc thanh lý tài sản bảo đảm.

Trong đó, với xử lý nợ nhóm một, không thể chỉ dựa vào các ngân hàng thương mại và VAMC. “Các ngân hàng đã mất đi động lực để giúp các đối tượng vay này phục hồi.  Còn VAMC chỉ giống như một bãi đáp tạm thời cho nợ xấu. VAMC mua nợ nhưng lại không có khả năng cho  vay thêm để giúp con nợ phục hồi.  Tôi nghĩ chỉ có Chính phủ mới có tiền để giải cứu nhóm nợ này và phải dùng ngân sách để mua những món nợ xấu từ các ngân hàng thương mại và từ đó giúp họ phục hồi qua nhiều biện pháp trong đó có biện pháp cho vay thêm (tiền mới giải cứu tiền cũ)”, TS. Hiếu phân tích.

Dù đồng tình với giải pháp lấy ngân sách xử lý nợ, song chuyên gia này cho rằng, xử lý nợ xấu bằng ngân sách phải trên nguyên tắc công bằng, minh bạch thì mới được Quốc hội thông qua, dư luận đồng tình.Sự minh bạch trước hết là Chính phủ cần phải làm rõ nợ xấu hiện nay nằm chủ yếu ở đối tượng nào, lĩnh vực nào, nguyên nhân chủ yếu ra sao. Từ đó có kế hoạch chi số tiền cho từng nhóm đối tượng cụ thể, tùy theo lĩnh vực ưu tiên.

“Theo tôi, hiện nợ xấu lớn nhất nằm ở DNNN (có thể lên tới 60-70% tổng lượng nợ xấu), tiếp theo là nợ của khu vực lợi ích nhóm và của khối doanh nghiệp tư nhân.Trong nhóm này nên ưu tiên xử lý nợ cho các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và có khả năng phục hồi, dựa trên tiêu chí ro ràng. Ưu tiên thứ hai là giải cứu nhóm nợ xấu có tài sản đảm bảo và các DN tư nhân có khả năng phục hồi”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất. 

Riêng với nợ nhóm hai (những món nợ không còn khả năng phục hồi, chỉ có thể thu hồi qua việc thanh lý tài sản bảo đảm), chỉ có thể giải quyết qua thị trường mua bán nợ. Theo đó, Chính phủ cần ban hành các qui định luật pháp phù hợp cho thị trường mua bán nợ, cho việc chuyển nhượng và thanh lý tài sản bảo đảm, cho phép cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường mua bán nợ.

Tuy vậy, nhóm nợ này cũng vẫn cần đến ngân sách. Chính phủ thông qua các công ty mua bán nợ như VAMC, DATC, SCIC… và sử dụng ngân sách mua nợ xấu với điều kiện:   mua bằng  tiền mặt hoặc trái phiếu chính phủ có tính thanh khoản trên thị trường chứng khoán; mua với giá thị trường đã được thương lượng giữa NHTM bán nợ và cơ quan chức năng mua nợ; mua trên cơ sở mua đứt bán đoạn. Sau đó các cơ quan này có thể dùng mọi biện pháp khả dụng để thu hồi nợ kể cả việc thanh lý tài sản bảo đảm, hoặc khả quan hơn là có thể bán những món nợ này cho các nhà đầu tư với giá thị trường.

Ngân sách vẫn có thể thu hồi

Việc sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu không hẳn là mất sạch. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã dùng ngân sách để giải quyết bài toán nợ xấu trong đó có Hoa Kỳ đã bỏ ra hàng ngàn tỉ USD vào thời kỳ khủng hoảng 2008. Chính phủ Hoa Kỳ đã lấy lại được số tiền đã bỏ ra để giải quyết khủng hoảng vào những năm sau đó khi nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đã phục hồi sau cơn bão 2008.

Tất nhiên, khi sử dụng để xử lý nợ xấu, có khả năng ngân sách nhà nước chiu thiệt hại nếu số tiền thu hồi được từ thanh lý tài sản bảo đảm hay bán lại khoản nợ cho nhà đầu tư với giá thấp hơn giá mua nợ. Tuy nhiên, cũng có khả năng số tiền thu được cao hơn nếu thị trường bất động sản phục hồi mạnh hoặc các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao cho những món nợ xấu khi tài sản bảo đảm trở nên có giá trị hơn..

“Nói tóm lại nếu không muốn đống nợ xấu quốc gia hiện nay tiếp tục ứ đọng và không lối thoát, thì việc dùng ngân sách để giải quyết bài toàn nợ xấu là cách duy nhất. Hai điều cần nhắc lại ở đây là thứ nhất, dùng ngân sách quốc gia để mua nợ xấu của các đối tượng có khả năng phục hồi để giải cứu họ và giúp họ phục hồi để tiếp tục trả nợ và đóng góp cho nền kinh tế. Thứ hai, đối với các đối tượng không còn khả năng phục hồi thì dùng ngân sách quốc gia để mua những món nợ này sau đó sẽ thanh lý tài sản bảo đảm hay bán cho các nhà đầu tư để thu hồi nợ”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Liên quan đến khó khăn lớn nhất của giải pháp trên: “Tiền đâu ra”, TS. Hiếu cho rằng, nếu chọn giải pháp dùng ngân sách mua nợ xấu, Chính phủ phải lựa chọn giải pháp tổng hợp: vừa sử dụng ngân sách (có thể in thêm tiền để lấy nguồn), vừa vay nước ngoài và lấy nguồn đóng góp từ các ngân hàng thương mại.

Áp lực xử lý "bóng ma" nợ xấu
Sau khi đẩy mạnh bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới 3%, các ngân hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư