Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Dược Cửu Long thử lòng nhà đầu tư
Chí Tín - 17/09/2017 09:16
 
Công ty cổ phần Dược Cửu Long (mã DCL, sàn HOSE) đang nuôi dưỡng những chiến lược đầu tư nhiều tham vọng. Vì vậy, một số nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể sẽ phải trường kỳ chờ đợi cho mùa thu hoạch.
Dược Cửu Long chưa chủ trương chia cổ tức bằng tiền mặt do phải dồn mọi nguồn lực cho đầu tư.
Dược Cửu Long chưa chủ trương chia cổ tức bằng tiền mặt do phải dồn mọi nguồn lực cho đầu tư.

Không hoàn thành kế hoạch

Theo tiết lộ mới đây của đại diện Dược Cửu Long, với tình hình kinh doanh đến thời điểm này, Công ty có thể sẽ không hoàn thành được kế hoạch kinh doanh 2017, nhưng vẫn có thể tăng trưởng cao hơn kết quả thực hiện năm 2016.

Cụ thể, năm 2017, Dược Cửu Long đặt kế hoạch 914 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 96 tỷ đồng, tăng tương ứng 24% và 7% so với thực hiện năm 2016. Tuy nhiên, sau nửa đầu năm 2017, Công ty mới đạt doanh thu thuần 369 tỷ đồng, bằng 40% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế sau 6 tháng cũng mới đạt 41 tỷ đồng, bằng 42,7% kế hoạch cả năm.

Một trong những lý do khiến doanh thu của Công ty không đạt được như kỳ vọng là một số dòng thuốc bị hết hạn ngạch. Mới đây, doanh nghiệp đã có được giấy phép gia hạn và điều này có thể giúp Công ty đẩy mạnh hoạt động bán hàng trong những tháng còn lại của năm.

Ngoài ra, Dược Cửu Long vẫn đang căng sức để tái cơ cấu Nhà máy Dược phẩm Euvipharm sau khi hoàn tất thâu tóm nhà máy này hồi đầu năm. Tại thời điểm đó, Euvipharm đang bị dừng sản xuất do vi phạm, nhưng hiện đã được cấp phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Nhà máy phải thay đổi các dòng sản phẩm trọng yếu là thuốc tiêm do sản phẩm trước đó không đạt chất lượng. Euvipharm đã xin cấp phép lại 8/12 sản phẩm và có thể đóng góp doanh thu từ cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

“Thử lòng” cổ đông

Dù đang phải gánh Euvipharm, nhưng Dược Cửu Long vẫn tỏ ra khá tham vọng trong chiến lược tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh. Theo đó, công ty này tỏ ra chưa đặt trọng tâm nhiều vào lợi nhuận ngắn hạn và cũng chưa có ý định chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Điều này đương nhiên sẽ là một thử thách lớn đối với lòng kiên nhẫn của các cổ đông nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch HĐQT Dược Cửu Long cho biết, để phát triển mảng dược phẩm, trong 5 - 10 năm tới, Công ty có rất nhiều dự án cần nguồn vốn lớn. Do đó, mọi nguồn lực sẽ được dành cho đầu tư, nên Công ty chưa chủ trương chia cổ tức bằng tiền.

Để giải quyết cơn “khát” vốn hiện tại, ngoài việc tạm thời chưa chia cổ tức, Dược Cửu Long còn lên kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi và phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Theo đó, trái phiếu chuyển đổi dự kiến phát hành bằng USD với tổng mệnh giá chào bán dự kiến là 30 triệu USD. Ngày phát hành trái phiếu chuyển đổi dự kiến trong năm 2017 hoặc đầu năm 2018, sau khi Công ty được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi đó, theo kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tổng số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 25 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 250 tỷ đồng theo mệnh giá. Vốn điều lệ dự kiến sau phát hành là 813 tỷ đồng, chưa tính phần phát hành cổ phiếu thưởng ESOP và quyền chuyển đổi trái phiếu. Giá phát hành dự kiến sẽ do HĐQT quyết định tại thời điểm phát hành, nhưng không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.

Ông Sang cho biết, đối tượng dự kiến mua trái phiếu cũng đã được Công ty nhắm đến là một nhà đầu tư tài chính đến từ Hàn Quốc. Trong khi đó, về đối tượng mua cổ phiếu, đang có một số lựa chọn và dự kiến doanh nghiệp sẽ chỉ phát hành cho một cổ đông.

Dược Cửu Long gồng mình “hấp thụ” Euvipharm
Đầu năm 2017, Dược Cửu Long gây sốc giới y dược thông qua thương vụ thâu tóm Euvipharm, song việc “hấp thụ” Euvipharm sẽ là một thử thách...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư