Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Dương Chí Dũng lộ mâu thuẫn với tổng giám đốc
Hữu Tuấn - 12/12/2013 17:34
 
Diễn biến phiên xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines.
TIN LIÊN QUAN

Dương Chí Dũng xuất hiện tại phiên tòa với vẻ bình tĩnh trong bộ trang phục quần xanh sẫm, áo khoác nhẹ màu xanh, trong khi các đồng phạm khác mặc quần áo xanh sậm.

Tuy nhiên, so với hồi còn đương chức thì vóc dáng của Dương Chí Dũng đã sa sút. Tóc bạc nhiều hơn và thêm nhiều nếp nhăn. Trong phần xét hỏi sáng nay, Dương Chí Dũng bình tĩnh trả lời từng câu hỏi Hội đồng Xét xử.

Dương Chí Dũng được dẫn giải vào phòng xử án
Dương Chí Dũng được dẫn giải vào phòng xử án (ảnh TTXVN)

Đối với nội dung Dương Chí Dũng tự ý đứng ra ký quyết định phê duyệt xây dựng nhà máy với tổng mức đầu tư là 3.854 tỷ đồng, Dũng cho rằng, việc làm văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị Bộ chủ quản báo cáo Thủ tướng về dự án. Dương Chí Dũng cho rằng, khi có văn bản đồng ý bổ sung dự án vào quy hoạch ngành hàng hải từ Chính phủ, bị cáo hiểu đã được chấp nhận về chủ trương nên giao Ban GĐ lập dự án ngay.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra sau khi bị khởi tố, truy nã, bắt giam mới hiểu là phải chờ dự án được Bộ GTVT cập nhật trong quy hoạch ngành mới có giá trị.

Dự án đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, Dự án khi đó Dũng ký trình HĐQT xem xét, xuất phát từ nhận định thực tế là nhu cầu sửa chữa tàu biển rất lớn. Đề án sẽ được nhất trí phê duyệt sau đó.

Khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, Dương Chí Dũng cho rằng, dự án đầu tư nhà máy sửa chữa tàu biển vẫn tiếp tục nhưng bị cáo chỉ triển khai thực hiện dự án theo Nghị quyết đã được tập thể HĐQT thông qua trên cơ sở đệ trình của người kế nhiệm là ông Mai Văn Phúc, Tổng Giám đốc.

Vốn đầu tư dự án được Vinalines xác định vay ngân hàng. Bị truy về việc xác định nguồn trả nợ, Dương Chí Dũng cho biết, Tổng Cty dự kiến phát hành cổ phần để huy động với 80% giá trị đầu tư, 20% còn lại các đối tác khác góp vốn.

Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: "Như vậy là chưa xác định nguồn trả nợ, có phải khoản này sẽ trình nhà nước quyết toán, nhà nước phải chịu lãi toàn bộ cho khoản vay đề đầu tư dự án này của Vinalines?" Câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa không có câu trả lời.

Việc mua ụ nổi 83M, Dương Chí Dũng một mực khẳng định không chỉ đạo, cũng không định hướng việc mua ụ nổi là mua mới hay nhập tàu cũ, vì công việc cụ thể này HĐQT đã giao Tổng GĐ Mai Văn Phúc thực hiện. Bị cáo biết thông tin nhà máy Nakhodka của Nga có rao bán 2 ụ nổi cũng là do Tổng GĐ trình trước HĐQT.

Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm tại tòa.
Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm tại tòa. Ảnh: TTXVN

Dương Chí Dũng cho rằng, mình không chỉ đạo bất cứ ai, kể cả Tổng GĐ về việc này, vì đây là phần việc thuộc thẩm quyền của Ban giám đốc.

Về đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga, Dương Chí Dũng cũng phân trần không giới thiệu, tiến cử ai tham gia đoàn, chỉ biết thành phần có Phó Tổng GĐ Trần Hữu Chiều, Phó Trưởng Ban đóng mới tàu biển Mai Văn Khang, Phó Trưởng BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam Trần Hải Sơn. Trước khi sang Nga, Triều có đến chào, Dũng chỉ tiếp nước, và chúc anh em đi an toàn, thuận lợi.

Bị cáo nhắc lại, bản thân không nhận được bất cứ báo cáo nào riêng bằng văn bản hay bằng lời về việc mua ụ nổi, chỉ khi Mai Văn Phúc trình ra HĐQT mới cùng nghe và biết thông tin mua ụ qua công ty AP của Singapore với giá 9 triệu USD.

Biết ụ nổi 83M thuộc dòng “cao niên”, sản xuất từ năm 1965, bị cáo có hỏi sao không mua trực tiếp của Nga thì được báo cáo là không mua được vì vướng thủ tục xuất nhập khẩu, bắt buộc phải mua qua công ty của Singapore.

Việc thay đổi phương thức vận chuyển ụ nổi về Việt Nam (chuyển từ phương án lai dắt bằng cách chở trên tàu nâng trọng tải lớn) làm tăng chi phí đầu tư nhưng cũng phải chấp nhận, theo lý giải của Dương Chí Dũng, là vì trước đó, Vinashin cũng từng mua 2 chiếc tương tự nhưng quá trình kéo về Việt Nam đều bị đắm, chìm cả 2.

Dương Chí Dũng khẳng định: "Sau khi mua ụ, bị cáo cũng không chỉ đạo gì cụ thể vì tất cả việc đó là của ban GĐ. Không bao giờ can thiệp bất cứ điều gì với việc làm của Tổng GĐ vì "quan hệ cá nhân giữa tôi và anh Phúc không tốt. Tôi không bao giờ chỉ đạo công việc của anh em là vì thế”.

Trong phiên xử chiều, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn bị cáo Dương Chí Dũng, bị cáo Mai Văn Phúc, bị cáo Trần Hữu Chiều, bị cáo Mai Văn Khang.

Khi Hội đồng xét xử thẩm vấn, bị cáo Mai Văn Phúc đã khai là có mâu thuẫn trong nội bộ Vinalines giữa hai lãnh đạo cao cấp nhất là Chủ tịch HĐQT Dương Chí Dũng và Tổng giám đốc Mai Văn Phúc khi còn tại nhiệm.

Thậm chí, bị cáo Mai Văn Phúc còn định giải quyết luôn mâu thuẫn nội bộ tại phiên xử khi quay sang bị cáo Dũng đang ngồi cạnh: “Trước giờ tôi không nói nhưng giờ tôi nói thật là tôi nghe thấy anh em kể khi bầu bán cho tôi vào chức Tổng giám đốc, anh Dũng đã vận động anh em không bỏ phiếu cho tôi. Tôi nghĩ tôi và anh Dũng trước nay vẫn là anh em, quan hệ cũng tốt thế mà anh ý lại làm như vậy…”

Hội đồng xét xử đã phải nhắc nhở bị cáo Mai Văn Phúc là trình bày với Hội đồng xét xử và quay lên Hội đồng xét xử chứ không phải quay sang bị cáo Dũng để nói.

Sở dĩ bị cáo Phúc nói lộ ra chuyện mâu thuẫn nội bộ là để giải thích cho lời khai tại phiên tòa rằng Phúc và Dũng không bao giờ trao đổi cá nhân riêng tư với nhau thế nên không có chuyện trao đổi về việc nhập ụ nổi 83.

Khi Hội đồng xét xử đặt câu hỏi: “Thế khi có việc phải xin ý kiến cả hai thì sao?”

“Mọi việc đều được đặt lên mặt bàn cuộc họp và thống nhất ở trong cuộc họp. Chúng tôi không trao đổi riêng”, bị cáo Phúc trả lời.

Trong phần thẩm vấn đầu buổi chiều, bị cáo Dũng đã khai về quá trình chạy trốn. Chiều tối ngày 17/5, bị cáo biết tin bị bắt nên bối rối, hoảng sợ, không suy nghĩ được gì, chỉ nghĩ là tránh đi một thời gian. Khi bỏ trốn bị cáo không liên lạc tiếp xúc với người thân trong gia đình hay bạn bè người quen. Vì bị cáo có visa vào Mỹ nên định bỏ trốn sang Mỹ, trước hết là sang Campuchia, sau đó qua Singapore và đi Mỹ nhưng khi nhập cảnh vào NewYork thì bị từ chối. Lý do là Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông báo về Mỹ là phía Việt Nam thông báo ông Dũng có sai phạm, không cho nhập cảnh vào Mỹ. Ông Dũng đã bị hàng không trả về Campuchia, xuất phát từ đâu trả về lại đó.

“Lúc đó có nghĩ đến về Việt Nam không?”

“Tôi không nghĩ được gì, lúc đó tâm trạng rất khó nói, tôi bối rối, tôi cũng không biết là có nghĩ đến về Việt Nam nữa không. Sau đó thì tôi bị bắt giữ ở Campuchia”, bị cáo Dũng nói.

Còn bị cáo Mai Văn Phúc khai với HĐXX việc lập tờ trình, ký kết các văn bản, hợp đồng, thanh toán… đều xuất phát từ tham mưu của cấp dưới. Cấp dưới trình nên bị cáo ký duyệt.

Bị cáo Phúc khai nhận chức Tổng giám đốc Vinalines từ 14/4/2007 nhưng dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển miền Nam thì được phê duyệt từ 24/2/2006. Khi lên làm Tổng giám đốc, bị cáo Phúc tiếp nhận báo cáo và tờ trình của Trần Hữu Chiều về dự án trong đó có mua ụ nổi. Do khi đó mới nhận chức nên còn bề bộn công việc, “mọi việc bị cáo đều dựa vào các phòng ban tham mưu như Ban quản lý dự án, Ban Kinh tế đối ngoại, Ban Pháp chế, Ban Tài chính kế toán…”; “các quyết định của bị cáo dựa trên cơ sở tham mưu và tờ trình từ bên dưới, có chữ ký của các bộ phận chức năng”.

Từ việc lập báo cáo đầu tư, lập dự án, thực hiện thủ tục, phê duyệt… đều xuất phát từ các cơ quan tham mưu ký, trình. Chẳng hạn như việc mua ụ nổi không đúng với quy định của Luật đấu thầu, Phúc giải thích, theo phân cấp công việc trong Vinalines thì “dự án này là do anh Chiều phụ trách, anh Chiều lập báo cáo và căn cứ vào báo cáo đó tôi giao Ban Pháp chế thẩm định, Ban Pháp chế báo cáo là đúng quy định pháp luật thì căn cứ vào đó tôi mới ký, trước đó có hơn 10 chữ ký các bộ phận rồi”.

Bị cáo Trần Hữu Chiều dù thừa nhận là không oan, nhưng có một số điểm chưa rõ. Bị cáo Chiều khai mình chỉ ký nháy mà không phải chữ ký chính thức. Về việc đi khảo sát tại Nga, bị cáo Chiều khai có kiểm tra tại ụ 3 ngày, có nhìn thấy bơm nước vào ụ để hạ thủy một cano. Lời khai này của bị cáo mâu thuẫn với lời khai tại cơ quan điều tra (thừa nhận biết là ụ nổi không hoạt động được) nhưng bị cáo Chiều không giải thích được vì sao.

Bị cáo Mai Văn Khang khai việc ký nháy vào nội dung báo cáo của đoàn khảo sát là ký xác nhận phiên dịch chứ không phải xác nhận nội dung báo cáo. Theo lời khai, bị cáo Khang là phiên dịch tiếng Anh của đoàn và có dịch một số hồ sơ, khi lập báo cáo thì bị cáo Khang ký nháy xác nhận là nội dung tài liệu dịch khợp với báo cáo.

Về việc lời khai mâu thuẫn, bị cáo Khang giải thích là do giai đoạn đầu chưa khởi tố, bị cáo không nhớ rõ khi bị khởi tố rồi tiếp cận hồ sơ mới nhớ lại nên lời khai thay đổi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư