Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đường kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng có thể xong trước năm 2027
Khánh Linh - 24/05/2023 16:35
 
Trong phiên làm việc chiều 24/5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Đây là tên mới của Dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay - Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Bình, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư sơ bộ của Dự án là 1.929,882 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương giai đoạn 202 1- 2025 là 1.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2030 là 930 tỷ đồng. 

Hướng tuyến của Dự án: Từ điểm đầu dự án tuyến đi về phía Nam Quốc lộ 27C, khi cắt qua sông Cầu tuyến đi về phía Tây - Tây Nam vào khu vực thác Yang Bay, sau đó tuyến đi chủ yếu theo hướng Nam vượt núi Hòn Bà (đi vào Phân khu phục hồi sinh thái, tránh Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà) đến đường tỉnh ĐT.656, từ đó tuyến bám theo ĐT.656 đi theo hướng Tây và kết thúc tại ranh giới với tỉnh Ninh Thuận.

Thời gian thực hiện Dự án theo đề xuất của Chính phủ là từ năm 2022 đến năm 2027. 

Trong Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội, mục tiêu Dự án là hình thành tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Khánh Hòa, phá vỡ thế độc đạo về giao thông đường bộ giữa huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, tạo điều kiện và khả năng kết nối liên vùng giữa tỉnh Khánh Hòa với hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Dự án này cũng sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng, thúc đẩy giao thương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của 2 huyện miền núi, trong số 74 huyện nghèo thuộc 26 tỉnh trên cả nước, với hơn 70% dân số là người dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo trên 45%.

Ngoài ra, Dự án cũng góp phần tạo điều kiện chủ động về cứu hộ cứu nạn tăng cường an ninh, quốc phòng, hình thành thế trận phòng thủ vững chắc cho khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.

Tuy nhiên, Dự án có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng 59,95 ha rừng, bao gồm 32,88 ha rừng đặc dụng và 27,07 ha rừng phòng hộ đầu nguồn.

Theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Lâm nghiệp, Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Nếu có cơ chế đặc thù, Dự án có thể làm nhanh hơn

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, theo trình bày của Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy tại phiên làm việc chiều 24/5, Ủy ban đồng thuận với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Về việc chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án, Ủy ban nhận định, việc chuyển diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ đầu nguồn của Dự án không ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái rừng, môi trường tự nhiên, môi trường sống của các loài động, thực vật và chức năng phòng hộ đầu nguồn của rừng.

Theo hồ sơ Dự án, tổng diện tích đất có rừng tự nhiên khoảng 75,58 ha chiếm 58,6% tổng diện tích chiếm đất của Dự án; chỉ chiếm 0,027% diện tích rừng hiện có của tỉnh Khánh Hòa (275.911 ha) và diện tích rừng đặc dụng cần chuyển mục đích sử dụng chỉ chiếm 0,193% diện tích rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Theo báo cáo kết quả điều tra rừng: trong 32,88 ha diện tích rừng đặc dụng cần chuyển mục đích sử dụng đa số là rừng nghèo kiệt và rừng phục hồi; trong 27,07 ha rừng phòng hộ đầu nguồn cần chuyển mục đích sử dụng không có rừng giàu, chỉ có rừng nghèo, rừng phục hồi và rừng hỗn giao”, Chủ nhiệm Lê Quang Huy trình bày.

Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, tỉnh có thể trồng rừng thay thế cả ở khu vực được quy hoạch cho rừng sản xuất nên đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cập nhật các quy định mới của pháp luật và cân nhắc các phương án trồng rừng tối ưu để tránh phát sinh chi phí trồng rừng, dẫn đến tổng chi phí Dự án tăng, kéo dài thời gian triển khai Dự án.

Đặc biệt, với thời gian thực hiện Dự án từ năm 2022 đến năm 2027 theo kiến nghị của Chính phủ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng có thể rút ngắn thời gian xây dựng.

“Với quy mô, tính chất, mặt bằng thi công, hướng tuyến và khối lượng đền bù hỗ trợ, tái định cư của Dự án, nếu được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vào Kỳ họp thứ 5 và cho phép áp dụng cơ chế đặc thù thì tiến độ thực hiện Dự án theo Tờ trình của Chính phủ là chưa phù hợp”, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban đề nghị Quốc hội Quyết định chủ trương đầu tư Dự án theo đề nghị của Chính phủ. Bố trí vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách Trung ương 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai Dự án.

Đặc biệt, Ủy ban cũng đề xuất cho phép Dự án được thực hiện theo các cơ chế đặc thù. Cụ thể, giao UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thực hiện dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý theo pháp luật về đầu tư công.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề phát sinh liên quan đến Dự án.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư