Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt: Con đường huyền thoại sẽ được khôi phục trong tương lai
Tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt khởi công xây dựng năm 1908, hoàn thành năm 1932, khai thác đến năm 1975 thì ngừng hoạt động. Việc khôi phục tuyến đường sắt có ý nghĩa quan trọng cho phát triển của Lâm Đồng và Ninh Thuận, góp phần tạo đột phá liên kết vùng.
Nhà ga Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất Đông Dương

Tuyến đường di sản

Đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được người Pháp xây dựng, phục vụ vận chuyển nông sản và du lịch. Trên toàn tuyến có 12 nhà ga, 5 hầm chui (tổng chiều dài 1.090 m). Từ năm 1975 đến nay không sử dụng. Hiện ngành đường sắt đã khôi phục gần 10 km, đoạn Đà Lạt - Trại Mát để phục vụ du lịch.

Tuyến đường dài 83,5 km, có điểm đầu tại ga Tháp Chàm thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, điểm cuối tại ga Đà Lạt, có khổ đường là 1 m.

Có thể gọi đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là con đường huyền thoại vì đây là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới: một của Thụy Sỹ và một của Việt Nam. Tuyến đường sắt của Việt Nam được đánh giá kỳ vĩ hơn, vì nó vừa dài lại có độ dốc lớn hơn con đường của Thụy Sỹ (tuyến đường của Việt Nam dài 84 km, trong đó có tới 43 km đường răng cưa qua đèo Sông Pha, trong khi đường sắt răng cưa ở Thụy Sỹ chỉ có gần 25 km ở đoạn vượt qua đèo Furka trên dãy núi Alpes).

Đây là tuyến đường sắt răng cưa dài và độc đáo, không chỉ của Việt Nam, mà của cả thế giới, là hành trình nối liền hai vùng sinh thái rừng và biển, đưa du khách đến với độ cao 1.600 m, nơi có nhiều sương mù nhất Đà Lạt, đi qua hàng chục km rừng nguyên sinh hoang sơ với khí trời se lạnh quanh năm. Ga cuối đến trung tâm Đà Lạt có độ cao 1.500 m ở cao nguyên Langbiang mang một nét rất riêng. Khu vực Nhà ga Đà Lạt được đánh giá là một trong những nhà ga có kiến trúc đẹp nhất tại Đông Dương. Công trình kiến trúc nhà ga được công nhận là Di tích kiến trúc Quốc gia năm 2001. Hiện nay, ga Đà Lạt là một trong những công trình kiến trúc mà du khách khi đến Đà Lạt luôn ghé đến tham quan.

Việc khôi phục đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 24/8/2015, điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mới đây nhất, tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021, phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một lần nữa nêu rõ: “Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ du lịch”.

Từ tháng 1/2019, ông Thân Hà Nhất Thống, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng (Công ty Bạch Đằng) đã cùng các chuyên gia Pháp làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Ninh Thuận về việc khôi phục tuyến đường sắt này. Trong thời gian qua, Công ty Bạch Đằng tiếp tục khảo sát thực tế và nghiên cứu đường sắt trên thế giới để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền.

Vào ngày 7/7/2022, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận giao Công ty Bạch Đằng chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Theo đó, Dự án có chiều dài tuyến khoảng 83,5 km, với tổng mức đầu tư dự kiến là 27.780 tỷ đồng, hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác thương mại năm 2030. Bộ GTVT cũng giao Cục Đường sắt hướng dẫn việc hoàn thiện các thủ tục lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, chủ trì tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án.

Trong tháng 7/2022, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với đồng chí Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận và đồng chí Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, về chủ trương đầu tư dự án khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt.  Thứ trưởng Đông cũng đề nghị Công ty Bạch Đằng hoàn chỉnh và nộp hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư trước ngày 31/12/2022.

Mới đây, ngày 4/11/2022, ông Thân Hà Nhất Thống và ông Stefan Rutishauser, Giám đốc Kinh doanh và Marketing thị trường mới, Công ty Stadler - đối tác của Công ty Bạch Đằng, cung cấp đầu máy và hệ thống công nghệ đường sắt răng cưa leo núi cho dự án này, đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Thân Hà Nhất Thống, nếu dự án tiếp cận công nghệ mới trực tiếp từ nhà sản xuất, vận hành quản trị hiện đại, chi phí giải phóng mặt bằng hợp lý, lãi suất vay thấp, giá vật tư thiết bị biến động theo xu hướng tốt thì tổng đầu tư sẽ giảm chỉ còn ở mức khoảng 23.000 tỷ đồng.

Dự báo phát triển đường sắt toàn cầu

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường đường sắt thế giới của Công ty tư vấn Roland Berger, thị trường đường sắt toàn cầu dự kiến tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm 3%, đến năm 2027 quy mô đạt 211 tỷ euro/năm.

Tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ngành dự kiến thuộc về các thị trường như châu Phi và Trung Đông (7,1%), Đông Âu (6,1%), các thị trường trưởng thành hơn, gồm châu Á - Thái Bình Dương, cũng tăng trưởng đáng kể và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong con số tăng trưởng tuyệt đối. Báo cáo chỉ ra rằng, nhiều tiến bộ đã đạt được trong nỗ lực phát triển hạ tầng đường sắt trên khắp thế giới. Kể từ năm 2020, tổng chiều dài đường sắt của thế giới đã tăng thêm khoảng 39.000 km, chủ yếu là các tuyến đường sắt chính và đường sắt cao tốc.

Hầu hết các tuyến đường sắt bổ sung nằm ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dẫn đầu là Trung Quốc khi nước này đẩy nhanh kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng. Tiếp đến là nỗ lực của Ấn Độ trong việc mở rộng các tuyến đường sắt chính và hành lang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, do đó việc đề xuất dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt có cơ sở thực tiễn.

Những vấn đề cần chú ý khi triển khai dự án 

Việc khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt có nhiều ý nghĩa quan trọng. Để dự án có tính khả thi cao, chúng tôi xin đề xuất một số nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nhà đầu tư phải dành hết năng lực tổng hợp, có tầm nhìn dài hạn trong lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tính toán, cập nhật đầy đủ các dữ liệu đầu vào, đồng thời cần có dự báo dài hạn các yếu tố tác động đa chiều. Trên cơ sở đó, xây dựng các phương án, sau đó chọn phương án tối ưu, có tính khả thi cao, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ hai, tính pháp lý là yêu cầu số một. Công ty Bạch Đằng có trách nhiệm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trình cơ quan thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo đúng quy định Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Luật Đường sắt và các quy định pháp luật khác có liên quan với các nội dung chặt chẽ, khoa học, có tầm nhìn dài hạn. Khắc phục bài học thực tế ở một số dự án hiện nay, sau khi có chủ trương xong, trong quá trình triển khai có nhiều nội dung bất cập, nhiều vướng mắc phát sinh, mất nhiều thời gian phải điều chỉnh, làm tăng nguồn vốn đầu tư.

Thứ ba, sự ủng hộ và quyết tâm cao của chính quyền và nhân dân hai địa phương Ninh Thuận và Lâm Đồng là cực kỳ quan trọng. Đây là dự án mang tính lịch sử và định hướng nhiều tiềm năng trong tương lai, do đó các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác khảo sát thực tế, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng trong quá trình khảo sát và triển khai dự án.

Thứ tư, nhà đầu tư cần chú trọng tuyệt đối về khoa học công nghệ, các giải pháp nhiên liệu, đặc biệt là nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường. Thiết kế đầu máy, toa tàu, đường ray theo trình độ khoa học công nghệ của thế giới. Muốn vậy, nhà đầu tư cần quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học giỏi, có kinh nghiệm, có tâm huyết trong và ngoài nước về đường sắt răng cưa, đặc biệt là các chuyên gia đến từ Thụy Sỹ.

Thứ năm, nhà đầu tư đề xuất dự án chịu mọi chi phí, rủi ro trong các trường hợp hồ sơ không được chấp thuận chủ trương, báo cáo nghiên cứu không được phê duyệt, dự án không lựa chọn được nhà đầu tư.

Nếu tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được khôi phục sẽ có nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, khoa học công nghệ, phát triển du lịch, có tác động kinh tế - xã hội trực tiếp 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Bên cạnh đó, sẽ tạo đột phá liên kết vùng không chỉ tỉnh Lâm Đồng, mà còn các tỉnh Tây Nguyên kết nối với các tỉnh Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ trong việc phát triển du lịch và vận chuyển nông sản.

Một số tuyến đường sắt răng cưa trên thế giới

Tuyến đường sắt du lịch Albula - Bernina (Thuỵ Sỹ)

Tuyến đường Albula/ Bernina, được UNESCO xếp hạng di sản thế giới, là một trong những tuyến kết nối quan trọng giữa Thụy Sỹ và Italia. Điểm độc đáo của tuyến đường này đối với du khách là hành trình xuyên lịch sử và chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của vùng Grisons.

Trên tuyến đường, đoạn từ Coire đến Saint- Moritz được mệnh danh là tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Sau khi vượt qua tuyến đèo đường sắt cao nhất châu Âu (Bernina) với độ cao 2.253 mét, du khách sẽ đến với di sản thế giới Albula/Bernina và chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp về văn hoá của những làng mạc và thiên nhiên hoang sơ, lãng mạn của vùng đồi núi dãy Alpes.

Khởi hành từ ga Chamonix Mont Blanc, chuyến du hành kéo dài 20 phút trên một trong những tuyến đường sắt bánh răng cưa nổi tiếng. Khi bước chân lên tàu, cảm giác thời gian như dừng hẳn, đưa du khách trở về quá khứ. Chuyến du hành sẽ xuyên qua những đoạn hầm được khoan xuyên núi đá, qua một số cầu cạn, tiến vào trung tâm của rừng nguyên sinh và dừng tại ga Montenvers tại độ cao 1.913 m.

Tuyến đường sắt La Rhune (Pháp)

Cách Saint Jean de Luz khoảng 10 km, tuyến đường sắt răng cưa này ra đời năm 1924 sẽ đưa du khách đến cao độ 905 mét, tiến đến đỉnh cao của xứ Basque (biên giới Pháp - Tây Ban Nha). Tại đây, du khách sẽ có được tầm nhìn vô tận vùng biên giới nước Pháp và Tây Ban Nha, cũng như dãy Pyrénées hùng vĩ.

Tuyến đường đi trong khoảng 35 phút leo núi với tốc độ 9 km/h sẽ đưa du khách đến trung tâm của thiên nhiên hoang dã, khám phá Pottok, một giống ngựa hoang dã vùng xứ Basque sống hoàn toàn tự do trong tự nhiên, cũng như du khách được khám phá loài dê và diều hâu hoang dã, hệ động thực vật bản địa của dãy Pyrénées.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư