Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Dứt khoát phải thẩm định dự án PPP
Mạnh Bôn - 01/09/2019 08:48
 
Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trình Quốc hội tại kỳ họp tới, nhiều ý kiến băn khoăn về quy định thẩm định dự án PPP vì dự án có sự tham gia của khu vực tư nhân. “PPP là dự án phục vụ xã hội, sử dụng tài sản công, nên dứt khoát phải thẩm định”, ông Cao Văn Bản, nguyên Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) bày tỏ quan điểm.
Nghe bài viết này tại đây :
.
Ông Cao Văn Bản, nguyên Vụ trưởng Vụ Giám sát và Thẩm định đầu tư (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

PPP là phương thức đầu tư có sự tham gia của khu vực tư nhân, thậm chí tư nhân bỏ 100% vốn để thực hiện dự án, nên có ý kiến cho rằng, Nhà nước thẩm định dự án PPP là không hợp lý, ông có nghĩ như vậy không?

Tư nhân tự bỏ vốn ra thực hiện một hoặc tất cả hoạt động xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công; vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.

Như vậy, mặc dù tư nhân có thể bỏ tiền ra thực hiện toàn bộ khâu xây dựng, vận hành, lẫn kinh doanh công trình thì vẫn nhằm phục vụ công cộng, công trình vẫn thuộc tài sản nhà nước, nên bắt buộc phải thẩm định trước khi ra chủ trương, quyết định đầu tư. Ngoài ra, công trình có sự tham gia của Nhà nước, thậm chí sự tham gia của Nhà nước rất lớn, đó là giá trị quyền sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản - là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân đã được hiến định, nên bắt buộc phải thẩm định dự án.

Tổ chức thẩm định nhằm sàng lọc để lựa chọn dự án bảo đảm tính khả thi trên mọi khía cạnh, loại bỏ dự án mà hiệu quả đem lại không bằng cái giá phải trả. Thẩm định dự án còn để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất, hình thức đầu tư hiệu quả nhất.

Cụ thể, sẽ thẩm định những khâu nào của dự án đầu tư PPP, thưa ông?

Thẩm định ngay từ khâu báo cáo nghiên cứu tiền khả thi xem dự án có cần thiết hay không, có phù hợp với lĩnh vực đầu tư không, thẩm định hiệu quả đầu tư và khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư cùng các nội dung cần thiết khác.

Sau khi thẩm định báo cáo tiền khả thi, nếu thấy cần thiết phải đầu tư, các bên liên quan sẽ tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình báo cáo khả thi để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định các căn cứ pháp lý của dự án; sự phù hợp của các yêu cầu về phương án kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng của công trình, hệ thống hạ tầng hoặc sản phẩm, dịch vụ công; hiệu quả kinh tế - xã hội; tính khả thi về tài chính; phương án tổ chức quản lý, kinh doanh hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công…

Sau khi dự án được quyết định đầu tư, doanh nghiệp trúng thầu phải lập thiết kế xây dựng gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thẩm định trước khi phê duyệt theo pháp luật về xây dựng; lập các thiết kế khác gửi cơ quan có thẩm quyền để thẩm định trước khi phê duyệt theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Khoảng 56% dự án PPP được đầu tư dưới hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Thưa ông, với hình thức này, Nhà nước không tham gia bất cứ hoạt động nào trong quá trình đầu tư, dự án cũng không cung cấp sản phẩm công, dịch vụ công thì cần gì phải thẩm định?

BT là dự án do tư nhân đầu tư, sau khi hoàn thành thì bàn giao công trình cho Nhà nước và được thanh toán bằng tài sản công, chủ yếu là đất đai để thu hồi vốn. Nhưng công trình này có thực sự phải đầu tư không, có nhất thiết đầu tư bằng hình thức BT hay hình thức khác, công năng của dự án thế nào, phục vụ đối tượng nào, giá trị dự án bao nhiêu…, thì phải thẩm định trước mới quyết định đầu tư được.

Cũng như tất cả các dự án đầu tư theo hình thức PPP khác, dự án BT có giá trị rất lớn (tối thiểu 200 tỷ đồng trở lên theo Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP), khai thác, sử dụng nhiều chục năm và đặc biệt là khu vực xây dựng dự án chịu ảnh hưởng, tác động rất lớn, nên bắt buộc phải thẩm định xem dự án tác động tới tình hình trật tự xã hội thế nào, tác động môi trường sống ra sao, mức độ ô nhiễm đến đâu… Thậm chí, còn phải thẩm định mức độ tác động của dự án đến an ninh, quốc phòng, văn hóa truyền thống nơi xây dựng dự án.

Như vậy, vai trò của hội đồng thẩm định rất quan trọng. Theo ông, nên giao trách nhiệm thành lập hội đồng cho ai để “sàng lọc” được dự án PPP tốt nhất?

Hiện tại, chúng ta có rất nhiều hội đồng đứng ra thẩm định rất nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng nhiều hội đồng có 9 thành viên thì có đến 5 - 7 người là đại diện của các ban, ngành chỉ “xếp ghế cho đủ chỗ”, vì họ không có chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm trong việc thẩm định.

Đối với dự án của tư nhân, mục tiêu chính là hiệu quả kinh tế, là lợi nhuận, thời gian thu hồi vốn, nên việc thẩm định dự án không quá phức tạp. Dự án đầu tư công là đầu tư vào dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cũng phức tạp, nhưng không phức tạp bằng đầu tư theo hình thức PPP. Vì dự án PPP không chỉ bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, của nhà đầu tư, mà còn phải bảo đảm lợi ích của người dân - đối tượng phải trả tiền (phí) khi sử dụng dự án BOT, BTO, BOO, O&M và dự án phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội như đầu tư công, nên khâu thẩm định vô cùng quan trọng.

Do vậy, theo quan điểm của tôi, trừ Hội đồng Thẩm định nhà nước và Hội đồng Thẩm định liên ngành (thẩm định dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư), còn các hội đồng khác thì trao thẩm quyền thành lập cho người ra quyết định chủ trương đầu tư. Thành viên của hội đồng thẩm định ngoài một số đại diện cơ quan nhà nước, phải có sự tham gia của những người có chuyên môn, kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên ngành. Trong trường hợp cần thiết, hội đồng thẩm định có thể thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm hỗ trợ khi thực hiện thẩm định dự án, công trình.

Sẽ áp hạn mức tối thiếu đối với dự án PPP
Theo Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (Luật PPP), các dự án PPP phải có quy mô vốn tối thiểu 200 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư