Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Duy trì lòng tin, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam
Nguyên Đức - 30/12/2021 12:28
 
Duy trì lòng tin với kinh tế Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ 31,15 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2021.
Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD.

Đà phục hồi ấn tượng

Ngân hàng Thế giới (WB) đã đúng khi đưa ra nhận định rằng, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Biểu hiện rõ nét nhất là vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng.

Con số thống kê về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2021 càng cho thấy rõ điều này. Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2021, đã có 31,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 9,2% so với năm 2020.

Con số này, tất nhiên, chưa thể so với mức trên 38 tỷ USD mà Việt Nam đạt được trong năm 2019, song trong bối cảnh Covid-19, đây vẫn là một kết quả tích cực, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với điểm đến Việt Nam.

Bình luận về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2021, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cho biết, điểm nhấn chính là cả vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt, vốn điều chỉnh tăng tới 40,5%.

“Giá trị góp vốn, mua cổ phần tuy giảm mạnh ở những tháng đầu năm, song đã cải thiện dần trong các tháng cuối năm, nên cả năm 2021, giá trị đầu tư thông qua hình thức này chỉ giảm 7,7% so với năm 2020”, ông Hoàng cho biết.

Như vậy, rõ ràng, cùng với đà phục hồi của dòng vốn đầu tư toàn cầu, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã có bước phục hồi khá ấn tượng. Một ví dụ cụ thể, trong 11 tháng, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần chỉ đạt 4,4 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ, nhưng trong tháng cuối năm, con số đã tăng lên 6,9 tỷ USD, chỉ còn giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, nhờ vào một loạt dự án quy mô lớn, như Dự án Nhà máy Điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD…, vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.

Ngay cả vốn giải ngân, mặc dù cả năm chỉ đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% so với năm 2020, song xu hướng cũng đang khá tích cực. Vốn giải ngân của 12 tháng đã tăng 3 điểm phần trăm so với 11 tháng, do vậy, “chốt năm” ở mức giảm nhẹ 1,2%.

“Việc Chính phủ và các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc, ban hành nhiều giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như các quy định, hướng dẫn thích ứng với tình hình mới đã giúp tình hình giải ngân được cải thiện”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Kỳ vọng năm 2022

Dù đà phục hồi của thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng trở nên rõ nét hơn, song để đánh giá một cách công bằng, thì cũng phải thừa nhận rằng, tình hình đang còn rất khó khăn. Năm 2021, vốn đầu tư tuy tăng khá, nhưng phần nhiều là nhờ một số dự án quy mô lớn (3 dự án tỷ USD đã có vốn đăng ký và tăng thêm lên tới 6,56 tỷ USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021 - PV). Nếu tính về số dự án, thì đà sụt giảm khá mạnh. Năm 2021, chỉ có 1.738 dự án đăng ký mới, giảm 31,1% và có 985 lượt điều chỉnh vốn, giảm 13,6%. Ngay cả số lượt góp vốn, mua cổ phần cũng chỉ đạt 3.797 lượt, giảm 38,2%.

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, bởi Việt Nam là địa bàn quan trọng để thực hiện các hoạt động chế biến, chế tạo cung cấp cho thị trường ASEAN.

- Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam

Dù Cục Đầu tư nước ngoài trong suốt cả năm 2021 đều lý giải rằng, sự sụt giảm này chủ yếu nằm ở nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD và dưới 1 triệu USD) và đó cũng là cơ hội để sàng lọc các dự án có quy mô nhỏ, song không thể phủ nhận rằng, tác động của Covid-19 tới dòng đầu tư nước ngoài là quá lớn.

Hiện tại, mọi kỳ vọng đang được đặt vào năm 2022. Theo Hội nghị Liên hợp quốc tế về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dù dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu đang phục hồi tốt hơn dự kiến, song niềm tin của nhà đầu tư vào ngành và chuỗi giá trị toàn cầu vẫn còn lung lay.

Một bằng chứng được UNCTAD viện dẫn là số lượng dự án mới trong các ngành thâm dụng vào chuỗi giá trị toàn cầu, như điện tử, ô tô và hóa chất đều giảm. Hơn thế, sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, trong khi hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) toàn cầu cũng đang giảm sút. Đây là những yếu tố được cho là sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2022.

Tuy vậy, nhìn chung, các đánh giá là khá khả quan cho năm 2022. “Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự báo sẽ bứt phá trong năm 2022, khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới”, ông Đỗ Nhất Hoàng nhận định.

Trong khi đó, một báo cáo vừa được HSBC Global Research công bố hồi trung tuần tháng 12 tiếp tục đưa ra nhận định rằng, vốn đầu tư nước ngoài là một trụ cột vững chắc của kinh tế Việt Nam. Theo đó, dù có băn khoăn liên quan đến những gián đoạn về chuỗi cung ứng, sự thiếu hụt lao động do Covid-19, song vẫn có nhiều “lý do để lạc quan” về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam vẫn có những lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công, hạ tầng và đặc biệt là hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết.

Và đúng là, dù có những khó khăn nhất định, song hoàn toàn có thể lạc quan về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022, khi rất nhiều cam kết đầu tư các dự án quy mô lớn đã được các nhà đầu tư nước ngoài đưa ra. Điển hình trong số đó là dự án 1 tỷ USD của Lego.

FDI có xu hướng dịch chuyển vào ngành hàng giá trị cao
Các dự án điện, điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tiếp tục được các nhà đầu tư nước ngoài triển khai tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư