Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
ECB điều chỉnh mục tiêu lạm phát lên mức 2% trong trung hạn
T.T - 09/07/2021 09:59
 
Ngày 8/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định về mục tiêu lạm phát mới, đồng thời nhất trí đưa nội dung chống biến đổi khí hậu vào chiến lược chính sách tiền tệ của mình.
ngân hàng Trung ương châu Âu. (Ảnh: Forbes)
Ngân hàng Trung ương châu Âu. (Ảnh: Forbes)

Đây là kết quả của đợt đánh giá chính sách kéo dài 18 tháng, đánh dấu lần điều chỉnh mục tiêu và công cụ lớn nhất từ trước đến nay của tổ chức tài chính quyền lực nhất châu Âu này. 

Trong tuyên bố của mình, ECB cho biết đã quyết định nâng mục tiêu lạm phát lên mức 2% trong trung hạn, thay vì mục tiêu trước đây là "thấp hơn hoặc gần 2%" - một mục tiêu đã được thống nhất vào năm 2003 khi giá cả tăng nhanh gây ra nhiều quan ngại.

Tuyên bố nêu rõ: "Hội đồng quản trị cho rằng sự ổn định giá cả được duy trì tốt nhất bằng cách hướng tới mục tiêu lạm phát 2% trong trung hạn" và có thể "có một giai đoạn chuyển tiếp trong đó lạm phát vượt mức mục tiêu không đáng kể". Việc theo đuổi mục tiêu lạm phát này cho phép lạm phát tăng trên 2% "trong một thời gian" trước khi ECB nâng lãi suất nhằm thúc đẩy thị trường lao động. Lạm phát tại EU nhiều năm qua luôn ở mức thấp, bất chấp khu vực triển khai các biện pháp kích thích kinh tế chưa từng có. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng nên suy nghĩ lại về mục tiêu lạm phát mới mà họ cho là khó đạt được này. 

Ngoài quyết định về mục tiêu lạm phát mới, ECB cũng cho biết trong tương lai, thể chế tài chính này sẽ xem xét đến yếu tố tuân thủ các quy định và nghĩa vụ về môi trường của các công ty khi xem xét liệu tài sản của công ty có đủ điều kiện để được thế chấp hay được ECB mua lại hay không. ECB cũng sẽ bắt đầu thực hiện "các bài kiểm tra về khí hậu" để đánh giá mức độ rủi ro của Eurosystem, cơ quan quản lý tiền tệ của khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trước tác động của biến đổi khí hậu.

Tuyên bố nhấn mạnh: "Hội đồng quản trị thừa nhận rằng biến đổi khí hậu có tác động sâu sắc đến sự ổn định giá cả và do đó, đã cam kết thực hiện một kế hoạch hành động đầy tham vọng liên quan đến khí hậu".

Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh: "Chiến lược mới là nền tảng vững chắc sẽ hướng dẫn chúng ta thực hiện chính sách tiền tệ trong những năm tới". Theo bà, Eurozone nên đặt ra một mục tiêu lạm phát "mà công chúng có thể dễ dàng hiểu được" và được tính toán dựa trên cuộc sống thực tế hàng ngày của người dân.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Capital Economics đánh giá việc điều chỉnh mục tiêu lạm phát là một "sự thay đổi lịch sử đối với ECB". 

Trước đó, ngày 7/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng mạnh dự báo tăng trưởng của Eurozone lên lần lượt 4,8% trong năm 2021 và 4,5% trong năm 2022, cao hơn so với mức 4,3% và 4,4% đưa ra hồi tháng 5. Bên cạnh đó, EC cũng nâng dự báo lạm phát của 19 nước trong Eurozone, song cho rằng giá tiêu dùng sẽ tăng chậm hơn. Cụ thể, lạm phát của Eurozone có thể lên mức 1,9% trong năm nay, tăng so với mức 1,7% đưa ra trong dự báo hồi tháng 5. Tuy nhiên, EC cũng cảnh báo lạm phát có thể cao hơn dự báo nếu tình trạng hạn chế nguồn cung kéo dài hơn và áp lực giá cả đẩy giá tiêu dùng tăng mạnh hơn.

Fed: Lạm phát Mỹ gia tăng là "tạm thời", vẫn sẽ giữ mốc 2% trong dài hạn
Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa nâng dự báo lạm phát trong năm 2021 và đưa ra khung thời điểm tiếp theo sẽ tăng lãi suất.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư