Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 02 tháng 12 năm 2024,
EU thúc đẩy các khoản đầu tư xanh tại Việt Nam
Hoài Sương - 07/11/2024 21:36
 
Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong đẩy mạnh hợp tác thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ… từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và số.

Hướng vào lĩnh vực phát triển bền vững

Ngày 7/11 Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Hợp tác Việt Nam - EU “Nỗ lực thích ứng vì tương lai thịnh vượng bền vững” tại TP.HCM nhằm thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam – EU đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.

Số liệu của Tổng cục Hải quan, sau 4 năm thực thi Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU liên tục tăng từ 48,9 tỷ USD năm trước khi Hiệp định có hiệu lực lên 63,7 tỷ USD vào năm thứ 4 Hiệp định có hiệu lực, với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ tại diễn đàn.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, với ưu thế lớn từ Hiệp định EVFTA và tới đây là EVIPA, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi đẩy mạnh hợp tác thương mại, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, các dự án hỗ trợ từ phía các đối tác EU để đẩy mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng xanh và số. 

Trong đó có sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, chuyển đổi công nghệ cao trong sản xuất… giúp hàng hóa Việt Nam đáp ứng những tiêu chuẩn của EU, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi giá trị.

Với dân số trên 10 triệu dân, đóng góp 16% GDP và trên 26% thu ngân sách quốc gia, là địa phương thu hút FDI lớn nhất tại Việt Nam nhưng TP.HCM đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, phát thải cao đang thách thức mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm.

Do đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương đề xuất: “Với thời tiết nắng và gió, biển Cần Giờ được TP.HCM đánh giá là một trong những khu vực có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. Do đó, chúng tôi rất cần các nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu về đầu tư năng lượng sạch, công nghệ… đóng góp cho sự phát triển bền vững của TP.HCM.”

Có thể thấy, lĩnh vực thế mạnh và trọng tâm trong chính sách của EU đang rất phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, ông Julien Guerrier cho rằng, Việt Nam đã có chiến lược rất rõ ràng trong chuỗi giá trị toàn cầu với ngành bán dẫn, khai thác và tăng giá trị khoáng sản… EU cũng có rất nhiều mục tiêu tương thích như: Công nghiệp xanh, phát thải ròng bằng không… 

“Vì vậy, các doanh nghiệp EU rất quan tâm và tích cực đầu tư, mang đến kinh nghiệm, phát triển công nghệ cho đối tác tại Việt Nam. Đồng thời hỗ trợ Việt Nam thành cửa ngõ toàn cầu trong đối phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh…”, ông Julien Guerrier chia sẻ.

Doanh nghiệp EU tăng các khoản đầu tư xanh vào Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt còn gặp thách thức không nhỏ

Ông Trịnh Đức Cường, Giám đốc Trung Tâm kinh doanh Chuyển phát Viettel Post thông tin, trong những năm gần đây, giao thương giữa Việt Nam và EU đang ngày càng phát triển nhưng vẫn chưa đạt được kỳ vọng.  

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, thứ nhất EU là một thị trường khó tính với càng yêu cầu ngày càng cao với phát triển bền vững, phát triển xanh. Thứ hai, hầu hết doanh nghiệp Việt mất rất nhiều thời gian trong tìm kiếm nhà phân phối, xúc tiến thương mại, chi phí logistics trong xuất khẩu hiện vẫn rất cao…

“Để đáp ứng yêu cầu của EU về phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu, chúng tôi tập trung đầu tư công nghệ mới như: Sử dụng năng lượng tái tạo, robot, xe điện… Năm 2024, doanh nghiệp đang có dự án đầu tư 5.000 tủ smart locker và tiếp tục nhân lên con số 20.000 trên toàn quốc trong những năm tới nhằm góp phần đưa ngành logistics phát triển bền vững”, ông Cường cho hay.

Nhiều doanh nghiệp Việt đánh giá quá trình chuyển đổi xanh vẫn đang ở những bước đầu, do đó, các doanh nghiệp EU đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam khi đem đến các khoản đầu tư, chuyên môn và phát triển kỹ năng.

Đồng tình với ý kiến, ông Nguyễn Thanh Vĩnh Nhật, Giám đốc kế hoạch Công ty cổ phần Tôn Đông Á cho hay, trong thời gian gần đây, doanh nhiệp gặp nhiều thách thức khi tham gia thị trường quốc tế, từ biến động giá nguyên liệu đến yêu cầu cao về tiêu chuẩn chất lượng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là EU.

Để vượt qua các thách thức hiện hữu, Tôn Đông Á đang không ngừng đầu tư máy móc thiết bị đạt tiêu chuẩn EU, Nhật Bản. Đồng thời không ngừng thích ứng với các yêu cầu của CBAM, đảm bảo dữ liệu đạt chất lượng cho từng lô hàng xuất khẩu.

Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh: Lợi ích “kép” cho doanh nghiệp logistics
Việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp logistics tiết giảm chi phí, mà còn mở ra nhiều cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư