Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Evergrande - sự kiện "Lehman Brothers của Trung Quốc", liệu có ảnh hưởng tới Việt Nam?
Liệu Evergrande có là một sự kiện Lehman Brothers của Trung Quốc và có thể tạo ra một sự lây lan rộng rãi sang các nền kinh tế khác, nhất là thị trường bất động sản?
Một trong những vấn đề đã được chỉ ra từ lâu là cách kinh doanh dựa trên vay nợ quá lớn của Evergrande

Evergrande: Không có gì là vĩ đại mãi mãi

Tên của Công ty Evergrande (Hằng Đại) hàm ý là vĩ đại mãi mãi. Song cách kinh doanh của họ từ lâu đã được chỉ ra là không bền vững. Đây là một trong 3 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc sở hữu quỹ đất hơn 200 triệu m2 (lớn gấp 4 lần TP. Manhattan, Mỹ), quản lý khối bất động sản hơn 400 triệu m2 và có hơn 1.300 dự án bất động sản ở 280 thành phố của Trung Quốc.

Đây cũng là công ty bất động sản có quy mô vay nợ lớn nhất thế giới với khoản nợ 300 tỷ USD. Tuần lễ bắt đầu từ ngày 20/9 là then chốt để nhà đầu tư đánh giá Evergrande có thể vỡ nợ trái phiếu quốc tế hay không. Công ty cần phải trả khoản lãi 83 triệu USD cho trái phiếu định giá bằng USD, kỳ hạn 5 năm, đáo hạn tháng 3/2022 trong tuần lễ này. Trong tuần lễ sau, Công ty sẽ phải trả thêm một khoản lãi vay khác cho trái phiếu kỳ hạn 7 năm.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đánh giá, Evergrande có khả năng vỡ nợ. Trong khi đó, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cho rằng, công ty này “đã hết tiền, cũng hết thời gian”.

Trước đó, hôm 9/9, Evergrande ngừng trả nợ cho một số nhà đầu tư nội địa đã mua các sản phẩm đầu tư “hứa hẹn trả lãi cao” của họ. Trong kế hoạch trả nợ mới của Evergrande, có lựa chọn cho phép nhà đầu tư mua các căn hộ dân cư, cửa hàng và bãi đậu xe của Công ty với giá chiếu khấu. Những người không đồng ý nhận căn hộ có thể chờ để Evergrande “trả lại tiền sau”.

Du Liang, lãnh đạo bộ phận quản lý tài sản của Evergrande cho biết, Công ty khó có thể trả được 40 tỷ nhân dân tệ (6,2 tỷ USD) đã đầu tư vào các sản phẩm hứa hẹn lãi cao này ngay lập tức. Nhà đầu tư có thể chờ nhận được tiền sau khi Công ty bán được các dự án bất động sản, hoặc lấy các bất động sản thay thế. Hàng trăm nhà đầu phẫn nộ đã tập trung phản đối trước trụ sở Công ty ở Thâm Quyến và có xung đột với cảnh sát ở đây.

Theo Mark Williams, Kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics, nếu Evergrande đổ vỡ, đây sẽ là “thử thách lớn nhất” (biggest test) mà thị trường tài chính Trung Quốc phải đối mặt trong nhiều năm trở lại đây.

Một trong những vấn đề đã được chỉ ra từ lâu là cách kinh doanh dựa trên vay nợ quá lớn của Evergrande. Trong năm 2018, giới đầu tư trái phiếu quốc tế đã một phen sửng sốt khi công ty này phát hành trái phiếu quốc tế với lãi suất lên đến 13,75%, cao hơn gần gấp đôi so với mặt bằng lãi suất Trung Quốc khi đó và vượt xa lãi suất 8,75% trái phiếu mà họ phát hành chỉ một năm trước đó. Ở thời điểm đó, Financial Times ước tính khoản nợ của Evergrande chỉ là 100 tỷ USD.

Một dấu hiệu cảnh báo khác là Evergrande cho ra đời những sản phẩm đầu tư bất động sản hứa hẹn lãi suất cao để thu hút nhà đầu tư, thứ mà họ vừa tuyên bố không thể trả nổi nghĩa vụ nợ trong 2 tuần qua và phải “gán nhà” thay vì trả tiền.

Giá các trái phiếu của Evergrande đang trượt dốc không phanh, dẫn đến lợi suất các trái phiếu này tăng mạnh. Lợi suất một loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm, trả lãi 8,25%/năm, đáo hạn tháng 3/2022, đã tăng lên mức 560%/năm, trong khi một năm trước chỉ là 10%.

Vay nợ lãi cao đương nhiên là rủi ro cao, nhưng Evergrande đặt cược vào sự thịnh vượng của thị trường bất động sản Trung Quốc, điều mà họ đã sai. Tháng 8/2020, trong nỗ lực “hạ nhiệt” thị trường nhà đất đang quá nóng và việc các công ty bất động sản đẩy mức vay nợ lên quá cao, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra chính sách ba lằn ranh đỏ. Các tiêu chí này bao gồm: tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản (không bao gồm các khoản trả trước) dưới 70%; tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100%; tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn lớn hơn 1.

Cuối năm tài khóa 2020, Evergrande vượt cả ba lằn ranh này. Trong đó, đáng lo nhất là tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn chỉ 0,4, thấp xa mức 1 và rõ ràng là Công ty không có đủ tiền mặt để trả các nghĩa vụ nợ ngắn hạn.

Ngoài ra, Trung Quốc còn tung ra hàng loạt biện pháp để “hạ nhiệt” thị trường bất động sản (gồm siết chặt điều kiện hộ khẩu ở thành phố lớn, không đảm bảo trường học, siết lại lỗ hổng quy định mua nhà lần đầu). Theo South China Morning Post, có khoảng 300 biện pháp như vậy được đưa ra và hiệu quả là tức thì. Giá nhà ở Thâm Quyến, được xem là thị trường nhà ở đắt đỏ nhất Trung Quốc, đã giảm 15%.

Ván cược của Evergrande đã sai và họ đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Liệu Trung Quốc có giải cứu Evergrande?

Bất chấp cảnh báo rủi ro vỡ nợ của Evergrande, một bộ phận giới đầu tư quốc tế đã “bắt đáy” các trái phiếu của Evergrande khi nó bắt đầu giảm từ năm ngoái. Họ kỳ vọng Chính phủ Trung Quốc phải giải cứu Evergrande. Thế nhưng, kết quả là họ đi từ thất vọng này tới thất vọng khác.

Vì quyết tâm chính trị khác nhau, rủi ro với Việt Nam cũng giới hạn hơn. Tuy nhiên, bài học của Evergrande cũng đặt ra áp lực cần phải sớm đưa ra các quy định đảm bảo công ty bất động sản không vay nợ quá mức và đảm bảo an toàn tài chính hơn nữa, tránh các giải pháp lách khe hở của quy định để tiếp tục vay nợ dưới nhiều hình thức khác nhau.

Ngày 16/9, trả lời CNBC, đại diện nhiều tổ chức quốc tế, gồm cả những tổ chức ở Trung Quốc, vẫn tin rằng, sẽ có những biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc vì Evergrande là một định chế “có thể gây ảnh hưởng cả hệ thống”. Tuy nhiên, thời gian dần hết và không thấy có động thái nào hỗ trợ đáng kể nào của Chính phủ Trung Quốc. Nhà đầu tư bắt đầu hoảng loạn.

Sau Evergrande, có lẽ nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng sai trước quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạ nhiệt thị trường bất động sản. Những hành động chấn chỉnh các đại công ty công nghệ và các công ty cung cấp dịch vụ giáo dục gần đây, cùng với chủ trương “chia sẻ thịnh vượng với cộng đồng” hay “cùng nhau giàu lên” (common prosperity) càng làm họ hoảng loạn.

Tờ Global Times, một tờ báo Trung Quốc có lập trường ủng hộ Chính phủ và chống phương Tây, ngày 14/9, đã tung một bài phản biện, trích ý kiến một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, lo ngại sự sụp đổ của Evergrande sẽ tạo ra rủi ro hệ thống của Trung Quốc là sai lầm. Tờ này trích số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, doanh thu các hoạt động mua bán bất động sản thương mại đến tháng 7 năm nay chỉ giảm 7,1% so với năm ngoái, chưa có dấu hiệu gì là khủng hoảng để lo sợ.

Tờ Global Times bác bỏ luận điểm của tỷ phú George Soros rằng, Evergrande sụp đổ sẽ gây ra đổ vỡ ở kinh tế Trung Quốc và trích dẫn quan điểm của Cao Heping, Giáo sư kinh tế của Đại học Bắc Kinh cho rằng, “trò lừa của truyền thông và nhà đầu tư phương Tây đã định sẵn sẽ thất bại”.

Trong bài viết của mình, Global Times cực lực phản đối quan điểm phương Tây và dẫn “ý kiến nhiều chuyên gia” để cho rằng, Evergrande là một sự kiện của một công ty đơn lẻ và không có tính hệ thống, do đó không cần phải thay đổi chính sách với thị trường bất động sản hiện nay của Trung Quốc.

Sự im lặng của Chính phủ Trung Quốc đến đầu tuần lễ 20/9 càng làm cho nhà đầu tư quốc tế sốt ruột. Một số phân tích từ các tổ chức tài chính nội địa Trung Quốc cho thấy, nếu có can thiệp, Chính phủ Trung Quốc sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư đã nộp tiền cho Evergrande mà không được nhận nhà, tháo gỡ khó khăn cho các thầu phụ, không để tạo ra khủng hoảng ngân hàng (người cho cả Evergrande, người mua nhà và thầu phụ vay). Các trái chủ nhiều khả năng vẫn sẽ chịu thua lỗ.

Vì lý lẽ này, kết hợp với mức định giá cao trên thị trường Mỹ và mức tăng giá cổ phiếu ở nhiều thị trường khác từ đầu năm, một đợt bán tháo cổ phiếu đã diễn ra. Đây là một điều chỉnh bình thường và nếu không có sự kiện Evergrande, thì cũng được giới phân tích cổ phiếu chờ đợi từ lâu, vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát ra tín hiệu sẽ phải bắt đầu siết lại dần van bơm tiền (tapering) trong năm nay. Trong khi đó, phía Anh và châu Âu đều đứng trước sức ép phải giảm bơm tiền, thậm chí phải tăng lãi suất, để không tạo ra bong bóng giá tài sản, cũng như không để kỳ vọng lạm phát quá cao.

Song mức độ bán tháo khiến một số nhà đầu tư ở Việt Nam lo ngại sẽ có một đợt lây lan khủng hoảng sang Việt Nam.

Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Cho đến lúc này, vẫn còn quá sớm để nhận định, nếu Evergrande sụp đổ, thì sẽ tạo ra ảnh hưởng lây lan tầm quốc tế. Nếu nhận định của George Soros là đúng, thì đợt sụp đổ này tệ nhất sẽ tạo ra suy giảm tăng trưởng toàn cầu và nhiều nhất là ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, khu vực tài chính các nước này đã vững mạnh hơn hẳn từ sau khủng hoảng 2007-2009 với sự kiểm soát chặt hơn các chỉ số an toàn vốn và những nước này đã có kinh nghiệm xử lý nợ xấu.

Một số nước châu Á cũng có thể bị ảnh hưởng do diễn biến của thị trường bất động sản Trung Quốc, nhưng chưa chắc đã hoàn toàn là xấu. Có người còn cho rằng, thị trường Trung Quốc suy giảm, thì người ta có thể chạy sang thị trường khác mua nhà, như Singapore. Thị trường nhà của nhiều thành phố ở Australia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng 10-20% trong 6 tháng đầu năm nay. Điều này cho thấy tính lây lan của sự suy giảm thị trường bất động sản của Trung Quốc là chưa có. Còn về sụt giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, có thể làm chặn đà tăng giá của chứng khoán, bất động sản, chứ không tạo ra đổ vỡ kinh tế, trừ khi nền kinh tế đó đang vay nợ quá lớn.

Trong điều kiện Việt Nam, do tình hình chống dịch Covid-19, việc tái cơ cấu nợ của ngân hàng đã diễn ra từ năm ngoái, nên những vấn đề về nợ xấu đã được nằm trong các nhóm giải pháp của Chính phủ. Tuy có một số bất định về con số nợ thật của bất động sản, về các trái phiếu bất động sản, nhưng Chính phủ vẫn còn nhiều công cụ để khoanh nợ và tái cơ cấu nợ, cũng như hỗ trợ không để vỡ nợ diện rộng diễn ra. Nói cách khác, Chính phủ còn dư địa chính sách để can thiệp nhiều hơn, so với Trung Quốc đang bị tự trói tay mình vì phải quyết tâm thực hiện chính sách “cùng nhau giàu lên”.

Vì quyết tâm chính trị khác nhau, rủi ro với Việt Nam cũng giới hạn hơn. Tuy nhiên, bài học của Evergrande cũng đặt ra áp lực cần phải sớm đưa ra các quy định đảm bảo công ty bất động sản không vay nợ quá mức và đảm bảo an toàn tài chính hơn nữa, tránh các giải pháp lách khe hở của quy định để tiếp tục vay nợ dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, việc các ông chủ bất động sản tham gia sở hữu và gia nhập hội đồng quản trị của ngân hàng hoặc “cài cắm” người của mình ở ngân hàng cũng là việc cần phải giám sát chặt.

Chúng ta cần học bài học đắt giá của người khác để tránh sau này bị như họ.

Evergrande có thể gây "hiệu ứng domino" sụp đổ trong ngành bất động sản Trung Quốc
Nhiều công ty bất động sản Trung Quốc đứng trước nguy cơ sụp đổ khi "cánh chim đầu đàn" một thời Evergrande bên bờ phá sản, theo chuyên gia từ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư