Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
EVN chuyển mình với số hoá
Hoàng Minh - 07/01/2019 18:40
 
Có tới 30 dự án liên quan đến ứng dụng công nghệ số đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên kế hoạch triển khai với mục tiêu trở nên thông minh hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng.

“Đại chuyển mình”

Theo ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN, Tập đoàn đã tiếp cận công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư rất sớm và tới nay đã hoàn thành Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

EVN đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh:  Trung tâm Điều độ hệ thống điện tại Tổng công ty Điện lực TP. HCM.
EVN đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Trung tâm Điều độ hệ thống điện tại Tổng công ty Điện lực TP. HCM.

Mục tiêu được EVN đặt ra trong cuộc cải cách này là trở thành Tập đoàn hàng đầu trong khu vực, phát triển bền vững, hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi hoạt động, từ sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh - dịch vụ khách hàng, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

“EVN đã báo cáo Đề án tới các cơ quan, bộ, ngành và nhận được sự đánh giá cao về nội dung và tinh thần sẵn sàng đón nhận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Tập đoàn”, ông Thành cho biết thêm.

Theo đó, sẽ có 30 mảng công việc cụ thể như thanh toán điện tử, dịch vụ điện cấp độ 4, sản xuất, truyền tải, phân phối… được ứng dụng mạnh mẽ số hóa, qua đó, hướng tới mục tiêu toàn bộ đơn vị của Tập đoàn ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý, vận hành hệ thống điện và nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng.

Theo báo cáo, năm 2018, ngành điện Việt Nam đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận với vị trí thứ 2 khu vực Đông Nam Á và thứ 23 trên thế giới về công suất phát điện. Chỉ số Tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia và nền kinh tế, tăng 37 bậc so với năm 2017.

Dịch vụ khách hàng online

Bên cạnh việc đảm bảo cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt, công tác dịch vụ khách hàng cũng được EVN rất chú trọng. Tính đến thời điểm hiện tại, EVN đang bán điện trực tiếp tới hơn 24,85 triệu khách hàng trên cả nước.

Với việc cung cấp các dịch vụ điện lực tương đương dịch vụ công cấp độ 4, các giao dịch của khách hàng với EVN, từ khâu yêu cầu dịch vụ đến ký hợp đồng và thanh toán, đều được thực hiện trực tuyến, thông qua nền tảng công nghệ.

Cụ thể, thông qua website của các trung tâm chăm sóc khách hàng, qua email, mạng xã hội (Zalo, Facebook), qua tổng đài điện thoại, người sử dụng điện đều có thể gửi yêu cầu và ngành điện sẽ chủ động đến với khách hàng để cung cấp dịch vụ, khách hàng không phải trực tiếp đến các điểm giao dịch.

Việc đa dạng hóa các kênh thanh toán tiền điện như qua ngân hàng, các tổ chức trung gian... đã được EVN triển khai từ năm 2015, trong đó có hình thức thanh toán tiền điện trực tuyến thông qua việc trích nợ tự động, Internet banking, mobile banking, ví điện tử…

Theo ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, nếu năm 2015, chỉ có 14,9% khách hàng thanh toán tiền điện trực tuyến, thì đến năm 2018, con số này đã đạt 60% và EVN trở thành đơn vị thanh toán hóa đơn điện tử lớn nhất ở Việt Nam hiện nay.

Với dịch vụ điện cấp độ 4, ngoài tiền điện, từ nay, người dân còn có thể thanh toán các dịch vụ điện lực có phát sinh chi phí theo hình thức trực tuyến.

Để đạt được thành quả này, EVN đã đầu tư hệ thống kỹ thuật, kết nối giữa Tập đoàn và các tổ chức trung gian thu hộ. Đồng thời, đầu tư hệ thống phần mềm quản lý khách hàng và xây dựng cổng thanh toán kết nối. Hiện nay, EVN duy trì 6 cổng thanh toán kết nối, trong đó có 1 cổng của Tập đoàn và 5 cổng của 5 tổng công ty điện lực. Đáng nói là, sau khi khách hàng thanh toán xong, nợ sẽ tự động khép lại và không thể thanh toán được tiếp.

Hiện nay, EVN đang đặt ra mục tiêu sẽ điện tử hóa toàn bộ quá trình giao dịch của ngành điện với khách hàng. Đây là mức cao hơn cấp độ 4.

“Năm 2019, EVN sẽ đi bước đầu tiên trong việc cung cấp hợp đồng điện tử. Với các dịch vụ điện lực, khách hàng sẽ không phải ký hợp đồng giấy, mà ký trên môi trường trực tuyến. Chỉ cần một click, khách hàng đã có được hợp đồng về dịch vụ với ngành điện có giá trị tương đương hợp đồng giấy”, ông Lâm cho biết.

Mức độ hài lòng của khách hàng với EVN tăng dần

Từ năm 2013, EVN đã thực hiện việc đánh giá chất lượng dịch vụ điện và sự hài lòng của khách hàng sử dụng điện thông qua tư vấn độc lập. Mức độ hài lòng của khách hàng đối với Tập đoàn đã tăng dần: năm 2013, điểm bình quân là 6,45/10 điểm; năm 2014 là 6,9/10 điểm; năm 2015 là 7,27/10 điểm; năm 2016 là 7,69/10 điểm, năm 2017 là 7,97/10 điểm và năm 2018 đạt 8,11/10 điểm.

Theo khảo sát đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ các doanh nghiệp hài lòng về chất lượng dịch vụ cung cấp điện năm 2018 là 74%, tăng 5% so năm 2017 và duy trì vị trí thứ 2 về chất lượng các dịch vụ tiện ích gia tăng trong Bộ Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

EVN: Khách hàng chạm tay, có ngay dịch vụ
Chỉ cần chạm tay trên các thiết bị điện thoại thông minh thông qua các ứng dụng như zalo, facebook, webchat đang rất phổ biến, khách hàng của Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư