Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
FDI vào BĐS: Thâm niên lấn tới, lính mới mon men
Ngọc Sơn - 10/03/2014 09:20
 
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bắt đầu trở lại nhòm ngó thị trường bất động sản, trong khi một số nhà đầu tư có thâm niên đã chớp cơ hội bành trướng. Bỏ giao dịch BĐS phải qua sàn: Chặn việc bóp chẹt, thổi giá! Ocean Villlas Đà Nẵng đạt chuẩn 5 sao  

Mon men tiến vào

Tập đoàn Rose Rock đang xúc tiến đầu tư Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng vịnh Vũng Rô tại Phú Yên với 760 phòng khách sạn, 4.300 căn hộ và 100 nhà phố. Dự án sẽ tạo bước đột phá trong lĩnh vực bất động sản, vì Rose Rock - được sáng lập bởi gia đình tỷ phú dầu mỏ Rockerfeller (Hoa Kỳ) - dự kiến sẽ rót tới 2,5 tỷ USD.

FDI vào bất động sản: Thâm niên lấn tới, lính mới mon men
Mulberry Lanes ở Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông, Hà Nội) là một trong những dự án nằm trong chiến lược mở rộng quy mô của CapitaLand tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Igal Ahouvi, một tỷ phú người Israel, vốn nổi danh với những thương vụ mua bán bất động sản có tổng trị giá lên đến 10 tỷ USD, cũng đã thâm nhập thị trường bất động sản Việt Nam bằng việc thâu tóm Khu du lịch Bãi Rồng tại Cam Ranh, Khánh Hoà.

Dự án sẽ phát triển dưới thương hiệu mới là Alma Resort, gồm 200 biệt thự và 400 căn hộ, với chi phí phát triển lên đến 300 triệu USD.

Cũng tại Cam Ranh, Công ty State Development - Moscow vừa động thổ xây dựng Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers Resort, với tổng vốn đầu tư 1.890 tỷ đồng, bao gồm 256 phòng khách sạn, 111 căn hộ và 56 biệt thự.

Những nhà đầu tư trên đều là những gương mặt mới ở Việt Nam. Trong vài năm qua, bất động sản không còn thu hút được nhiều những gương mặt mới như thời kỳ trước năm 2009. Dự án đáng kể nhất của một nhà đầu tư mới được cấp phép trong những năm gần đây là Khu đô thị vườn Tokyu Bình Dương của Tập đoàn Tokyu (Nhật Bản) liên doanh với Becamex, với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.

Năm ngoái, vốn ngoại vào bất động sản đạt khoảng 900 triệu USD, nhưng hầu như không có gương mặt mới nào đáng kể, ngoại trừ Dự án Xây dựng nhà xã hội ở Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD của Công ty Pruksa (Thái Lan).

Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản CBRE, kinh doanh khó khăn do thanh khoản thấp đã khiến các nhà đầu tư mới chùn bước. Một số nhà đầu tư ngoại có máu mặt ở Việt Nam như Vina Capital cũng phải cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Quỹ Vina Land do Vina Capital quản lý đang trong quá trình thu hồi tiền mặt bằng cách bán các dự án và không đầu tư thêm dự án mới. Vina Land đã thoái vốn khỏi một số dự án khách sạn như Legend, Sheraton Nha Trang, cũng như các khu đất tại TP.HCM như Signature One và Hào Khang...

Âm thầm bành trướng

Ở chiều ngược lại, vẫn có một số nhà đầu tư nước ngoài có thâm niêm tiếp tục lấn sân và mở rộng hoạt động. Indochina Land, công ty chuyên về đầu tư bất động sản của Indochina Capital đang quản lý 3 quỹ đầu tư bất động sản với số tiền lên đến 500 triệu USD, vừa đẩy mạnh hoàn thiện và kinh doanh các dự án đã đầu tư, như Khu căn hộ Indochina Plaza Hanoi và Khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Danang, vừa âm thầm tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Một trong những quyết định táo bạo của Indochina Land là thâu tóm Dự án biệt thự Goldora tại TP.HCM (đã đổi tên thành Eden Villas) của một công ty trong nước vào năm 2011. Indochina Land đã đầu tư thêm 2 triệu USD để thiết kế lại cảnh quan và định vị lại Dự án với chất lượng và đẳng cấp cao hơn theo tiêu chuẩn như biệt thự nghỉ dưỡng. Indochina Land đang chuẩn bị chào bán dự án này bởi nhận thấy thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục.

Theo ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Land, thị trường bất động sản khủng hoảng gây khó khăn cho tất cả các doanh nghiệp, nhưng Indochina Land nhận thấy, nhu cầu đối với các dự án chất lượng, tạo ra phong cách sống mới vẫn luôn hiện hữu. Bằng chứng là, bất chấp thị trường khó khăn, doanh thu từ bất động sản của Indochina Land vẫn đạt hơn 46 triệu USD vào năm ngoái. Vì thế, ông Michael Piro khẳng định, Indochina Land đủ tự tin để mua lại và chào bán Eden Villas trong thời gian tới.

Không chỉ Indochina Land mà những nhà đầu tư có thâm niên tại Việt Nam như Sembcorp, CapitaLand, và Keppel Land của Singapore vẫn âm thầm mở rộng đầu tư. Sau khi thành công với Khu công nghiệp VSIP ở Bình Dương, Sembcorp tiếp tục đầu tư các dự án mới ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Ngãi, với các tổ hợp khu công nghiệp kết hợp với khu đô thị.

Năm ngoái, Sembcorp nhận giấy phép đầu tư Khu đô thị VSIP Sembcorp Gateway tại Bình Dương, với tổng vốn 200 triệu USD, và đầu năm nay, lại nhận giấy phép tăng vốn thêm 120 triệu USD cho dự án tại Hải Phòng.

Trong khi đó, Keppel Land, một công ty đang có tới 10 dự án bất động sản đang triển khai tại Việt Nam với khoảng 22.200 căn nhà, cũng bành trướng ra Thủ đô, với Dự án Hanoi Westgate có tổng vốn đầu tư 140 triệu USD.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư