Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
FECON sẽ sớm lấy lại phong độ
Kỳ Thành - 05/08/2022 08:55
 
Lợi nhuận của FECON suy giảm trong nửa đầu năm, nhưng sự cải thiện trong công tác thu hồi nợ và cơ cấu nguồn vốn cho thấy những dấu hiệu tích cực đối với sức khỏe của công ty này.

Giá vốn, lãi vay “bào mòn” lợi nhuận

Công ty cổ phần FECON vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt 1.541 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn tốc độ tăng của doanh thu thuần, khiến lãi gộp của Công ty trong nửa đầu năm chỉ đạt 194 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của FECON đạt 1,24 tỷ đồng, giảm 97% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 8 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả kinh doanh không đạt như kỳ vọng, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc FECON cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận của Công ty suy giảm là do chi phí đầu vào tăng đột biến.

“Cơn bão giá chi phí nguyên liệu (thép, xi măng, bê tông...), nhiên liệu (xăng, dầu), chi phí nhân công trực tiếp tăng (do ảnh hưởng gián tiếp từ tăng giá nhiên liệu), trong khi các dự án đã ký kết từ năm 2021 và đầu năm 2022 với đơn giá cố định, dẫn đến giá vốn bị tăng cao so với kế hoạch triển khai ban đầu. Do đó, tỷ suất lợi nhuận gộp đã bị suy giảm trầm trọng so với cùng kỳ”, ông Thanh lý giải.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính tăng mạnh, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng 56% so với cùng kỳ vì phát sinh tăng chi phí lãi vay của công ty con là Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng. Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2021, chi phí lãi vay được vốn hóa vào chi phí đầu tư dự án, nhưng 6 tháng đầu năm nay, khoản này được ghi nhận vào chi phí trong kỳ bởi Dự án đã đi vào vận hành thương mại từ cuối tháng 10/2021.

Năm 2022, FECON đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, tăng 296%.

Như vậy, kết quả kinh doanh sau nửa đầu năm của FECON vẫn còn cách đích rất xa.

Tuy nhiên, đặc thù của các nhà thầu xây dựng là ghi nhận doanh thu tăng dần vào các quý sau và ghi nhận doanh thu cao nhất trong quý IV.

Tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4/2022, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, với giá trị các hợp đồng backlog chưa ghi nhận doanh thu khoảng 2.500 tỷ đồng và mục tiêu ký được tổng cộng 7.500 tỷ đồng trong cả năm, đây là cơ sở để Công ty đề ra mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng cho cả năm.

Trong cơ cấu lợi nhuận của FECON năm 2022, dự kiến ghi nhận 109 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư. Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch FECON cho biết, phần lãi này liên quan đến việc FECON có ý định thoái vốn Dự án điện Vĩnh Hảo 6 hoặc Dự án Quốc Vinh Sóc Trăng.

Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản cũng dự kiến bắt đầu đem lại doanh thu, lợi nhuận cho FECON từ quý IV năm nay.

Sức khỏe tài chính đã được cải thiện

Điểm sáng trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2022 của FECON là vấn đề dòng tiền và bức tranh tài chính chung.

Theo đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ âm 153 tỷ đồng, giảm quá nửa so với cùng kỳ năm ngoái (âm 309 tỷ đồng). Nguyên nhân chủ yếu là do các khoản phải thu giảm mạnh, từ gần 593 tỷ đồng (6 tháng năm 2021) xuống còn 191 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá trị hàng tồn kho tại ngày 30/6/2022 là 1.688 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 745 tỷ đồng.

Đối với hoạt động đầu tư, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận âm 382 tỷ đồng, giảm 49% so với mức âm 754 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tại ngày 30/6/2022, tiền và tương đương tiền cuối kỳ của FECON là 303 tỷ đồng.

Tính chung, tổng tài sản của Công ty FECON tại thời điểm cuối quý II/2022 đạt 7.775 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.

Đáng chú ý là, các khoản phải thu ngắn hạn tiếp tục giảm, còn hơn 2.800 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,7% so với đầu năm, trong đó phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm từ 2.057 tỷ đồng (thời điểm ngày 1/1/2022) xuống còn 1.851 tỷ đồng vào cuối quý II/2022.

Cần nhắc lại, trong năm 2021, khoản phải thu ngắn hạn này của FECON đã giảm mạnh, từ 3.969 tỷ đồng hồi đầu năm, xuống còn 2.821 tỷ đồng vào cuối năm. Tại các kỳ đại hội trước, đây luôn là vấn đề được cổ đông chất vấn lãnh đạo FECON.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của FECON tại ngày 30/6/2022 đạt 3.413 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm, chủ yếu do ghi nhận tăng khoản lợi ích của cổ đông thiểu số. Trong khi đó, nợ phải trả của Công ty lại giảm nhẹ 4%, xuống còn 4.362 tỷ đồng, chủ yếu do khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm tới 28%, xuống còn 754 tỷ đồng. Tuy nhiên, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn tăng khoảng 6%. Giữa tháng 7 vừa qua, FECON công bố đã phát hành thành công 150.000 trái phiếu để thu về 150 tỷ đồng nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, đảm bảo nghĩa vụ phải thanh toán khi triển khai các hợp đồng thi công các dự án điện gió Trà Vinh, Hòa Đông, BT1...

Như vậy, mặc dù việc thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh năm 2022 còn đối mặt nhiều thách thức, nhưng sự cải thiện trong công tác thu hồi nợ và cơ cấu nguồn vốn - tài sản đã cho thấy những dấu hiệu tích cực đối với sức khỏe của FECON.

Trong quý II/2022, chi phí tài chính của FECON tăng tới 49%, lên hơn 100 tỷ đồng, làm cho lợi nhuận thuần của Công ty chỉ đạt 11 tỷ đồng, giảm 84%, dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đã được tiết giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
FECON trúng thêm nhiều gói thầu mới với tổng giá trị gần 500 tỷ đồng
Quý II/2022, Công ty cổ phần FECON (mã FCN - sàn HoSE) vừa thông báo ghi nhận thêm 4 gói thầu mới, với tổng giá trị đạt gần 500 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư