Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Fed vẫn có khả năng cắt giảm lãi suất bắt đầu vào cuối năm nay
Thùy Vinh - 24/07/2024 18:17
 
Thị trường việc làm dịu lại gần đây và lạm phát đang giảm dần có thể sẽ mang lại cho Fed đủ tự tin để bắt đầu cắt giảm lãi suất dần dần vào cuối năm và đến năm 2025

Lạm phát dai dẳng vẫn là mối lo ngại không chỉ ở Mỹ 

Đó là nhận định được đưa ra từ ông Heng Koon How, Trưởng bộ phận Chiến lược Thị trường, Khối Nghiên cứu Thị trường và Kinh tế Toàn cầu, UOB. 

Theo ông How, nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể dẫn đến sự bất ổn chính sách gia tăng, trong bối cảnh lạm phát dai dẳng trên toàn cầu và sự phục hồi kinh tế không đồng đều của Trung Quốc vẫn là những rủi ro chính. Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2024 đang là tâm điểm chú ý sau những diễn biến chính trị gần đây ở Hoa Kỳ.

Số phiếu thăm dò ý kiến dành cho cựu Tổng thống Donald Trump rất cao sau Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa gần đây diễn ra vài ngày sau khi ông sống sót sau một vụ ám sát. Và đảng Dân chủ cần nhanh chóng thống nhất một ứng cử viên mới sau khi Tổng thống Joe Biden ngừng nỗ lực tái tranh cử và tán thành Phó Tổng thống Kamala Harris.

Fed vẫn có khả năng cắt giảm lãi suất bắt đầu vào cuối năm nay.

Các chuyên gia phân tích của UOB cho rằng, có nguy cơ bất ổn chính sách gia tăng nếu ông Trump giành chiến thắng ở nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ hai. Viễn cảnh chiến thắng của Trump - và tác động của nó đối với nền kinh tế Mỹ - là rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt trong thời gian còn lại của năm và sang năm 2025.

Hai rủi ro chính còn lại - lạm phát dai dẳng và sự phục hồi kinh tế không đồng đều của Trung Quốc - có mối liên hệ chặt chẽ với tình hình ở Mỹ. Những rủi ro này sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu thế giới chứng kiến nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của Trump.

Lạm phát dai dẳng vẫn là mối lo ngại không chỉ ở Mỹ mà còn ở các quốc gia khác. Giá dầu thô đã tăng trở lại trên 85 USD/thùng khi rủi ro địa chính trị ở Trung Đông tiếp tục diễn ra, trong khi giá vận chuyển lại tăng do các tuyến đường vận chuyển qua Kênh đào Suez vẫn bị gián đoạn.

Giá đồng và các kim loại công nghiệp khác đã tăng trở lại lên mức cao nhất của năm 2021. Giá hàng hóa tiếp tục tăng có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát toàn cầu đang diễn ra. Ở Mỹ và Úc, chi phí thuê nhà và nhà ở cao hơn cũng góp phần gây ra lạm phát dai dẳng.

Nhìn gần hơn về khu vực, ở các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, các ngân hàng trung ương ở những quốc gia này dự kiến sẽ chờ đợi thêm các động thái mới và sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Mối lo ngại là tình trạng lạm phát dai dẳng này có thể kéo dài nguy cơ lãi suất duy trì “cao hơn trong thời gian dài hơn” và làm trì hoãn thêm việc cắt giảm lãi suất dự kiến từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed). 

Fed vẫn có khả năng cắt giảm lãi suất bắt đầu vào cuối năm nay

Bất chấp những rủi ro tiềm ẩn, vẫn có những tia hy vọng phía trước, các chuyên gia phân tích của UOB vẫn tin rằng, các biện pháp kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc cuối cùng sẽ ổn định nền kinh tế và giúp nước này đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay.

Đối với Mỹ, thị trường việc làm dịu lại gần đây và lạm phát đang giảm dần có thể sẽ mang lại cho Fed đủ tự tin để bắt đầu cắt giảm lãi suất dần dần vào cuối năm và đến năm 2025, hỗ trợ đà tăng trưởng của đất nước. Tại thời điểm này, chúng tôi duy trì dự báo về việc bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 năm 2024.

Chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại toàn cầu đã chứng tỏ khả năng phục hồi bất chấp các biện pháp thuế quan từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trong khi nền kinh tế toàn cầu đã điều chỉnh tốt trước sự gia tăng mạnh mẽ của lãi suất trong ba năm qua.

Những điều này đã giúp Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tự tin dự đoán quỹ đạo tăng trưởng “gần như không thay đổi” cho nền kinh tế toàn cầu và giữ nguyên dự báo cơ bản về tăng trưởng kinh tế thế giới là 3,2% trong năm nay và 3,3% cho năm sau.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần nhận thức được những rủi ro chính sách tiềm ẩn trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, tình trạng lạm phát toàn cầu tiếp tục gia tăng và sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế Trung Quốc.

Vàng sẽ là nơi trú ẩn an toàn trong thời điểm rủi ro địa chính trị và sự bất ổn chính sách gia tăng. Điều quan trọng hơn bao giờ hết là duy trì kỷ luật mạnh mẽ trong quản lý rủi ro, sự thận trọng trong các quyết định đầu tư và đa dạng hóa danh mục rủi ro một cách phù hợp.

Mới đây, một quan chức Fed cho biết Fed có thể sẽ có đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 12/2024 khi các dữ liệu về lạm phát tốt hơn. Nếu điều này xảy ra, có nghĩa là những tác động của thị trường lãi suất Mỹ tới nền kinh tế Việt Nam sẽ diễn ra muộn hơn so với dự tính.

Thị trường khá thất vọng khi Fed đưa ra tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất tại cuộc họp báo ngày 12/6 khi lạm phát chưa hướng về mức kỳ vọng. Tuy vậy, thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ có một đợt giảm lãi suất trong nửa cuối năm và nhiều dự báo cho thấy có thể diễn ra vào tháng 12/2024, thay vì những tháng trước bầu cử Mỹ như trước đó…

Với tỷ giá USD/VND trên thị trường hiện nay liên tục áp sát với tỷ giá trần trong vòng ba tháng gần đây. Vào năm tới, khi nhìn lại, chúng ta sẽ nhận ra đây là thời điểm mà rủi ro tỷ giá và lãi suất ảnh hưởng lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, giới phân tích tài chính không nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam suy yếu vì những yếu tố này. Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi nhờ mở rộng xuất nhập khẩu, công nghệ thông tin cũng như các ngành công nghiệp truyền thống và du lịch.

"Nếu Chính phủ và các khu vực tư nhân có thể vượt qua được thời điểm khó khăn này và đưa ra được những đường hướng giải quyết, nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc khi nhu cầu toàn cầu gia tăng", một chuyên gia tài chính đưa ra nhận định.

Fed phát tín hiệu giảm lãi suất, đồng đô-la Mỹ rớt giá thấp nhất 5 tuần
Đồng đô-la Mỹ hôm 16/7 dao động quanh mức thấp nhất trong 5 tuần qua khi các bình luận từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell ủng hộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư