Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Fimex táo bạo đầu tư tự chủ nguồn tôm
Thanh Thủy - 18/01/2023 08:12
 
Việc mở rộng mạnh vùng tôm riêng khi bổ sung 203 ha ao nuôi mới trong năm 2023 được đánh giá là quyết định táo bạo của Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Fimex) là bước chuẩn bị cần thiết để tăng tốc khi thời cơ đến.
Trong những ngày đầu năm 2023, Fimex vẫn có đơn hàng để chế biến hàng ngày. 

Bối cảnh chung nhiều thách thức

Với con số xuất khẩu kỷ lục 11 tỷ USD trong năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đã có một năm phục hồi và tăng trưởng vượt bậc. Đến tháng 11/2022, xuất khẩu tôm và cá tra lần lượt đạt 4 tỷ USD (tăng 14% so với cùng kỳ) và 2,3 tỷ USD (tăng 64% so với cùng kỳ).

Tuy vậy, giá trị xuất khẩu thủy sản đã “đi lùi” trong tháng cuối năm và được dự báo sẽ giảm sâu trong quý I/2023. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), lạm phát ảnh hưởng đến các thị trường nhập khẩu khiến nhu cầu mua hàng, đặc biệt là các sản phẩm giá trị cao gần như đình trệ.

Bối cảnh khó khăn chung của thị trường đã tác động đến kết quả kinh doanh quý IV/2022 của Fimex. Lợi nhuận quý này của Công ty ước giảm 14,3% so cùng kỳ. Tuy nhiên, đà phục hồi giai đoạn đầu năm đã giúp lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm vẫn tăng 18% so với năm trước, dự kiến đạt 340 tỷ đồng. Con số này vượt 6% kế hoạch đề ra và là mức lợi nhuận cao nhất trong 26 năm hoạt động của doanh nghiệp tôm này.

Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex, hai nguyên nhân tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý IV/2022 của Công ty là thị trường tiêu thụ trầm lắng và vụ nuôi tôm mùa nghịch bị dịch bệnh tấn công, nên sản lượng tôm thương phẩm sụt giảm đáng kể. Trong những ngày đầu năm 2023, Công ty vẫn có đơn hàng để chế biến hàng ngày, tuy không nhiều nhưng là điểm sáng so với bối cảnh chung.

Đánh giá về triển vọng năm 2023, chuyên gia phân tích từ Bộ phận Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, lạm phát tiếp tục là một thách thức trong năm 2023 khi hàng tồn kho luân chuyển chậm. Các sự kiện lớn mang tính mùa vụ như Super Bowl và Lễ Phục sinh ở Hoa Kỳ đang đến, nhưng sẽ không làm giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao. Dự kiến phải tới quý III/2023, tồn kho mới có thể được xử lý hoàn toàn.

Cũng theo SSI Research, với lượng đơn đặt hàng tăng chậm, nguồn cung tôm và cá nguyên liệu sẽ không thiếu hụt, qua đó giá nguyên liệu được dự báo giảm nhẹ do nhu cầu yếu cho đến hết nửa đầu năm 2023. Với xu hướng giảm của giá bán và giá đầu vào, tỷ suất lợi nhuận gộp được dự báo sẽ giảm vào năm 2023.

Chuẩn bị để tăng tốc khi thời cơ đến

Trong bối cảnh chung tác động xấu tới doanh số và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thủy sản, Fimex vẫn kiên định với kế hoạch mở rộng vùng nuôi. Doanh nghiệp này đã sớm lên kế hoạch đưa khu mới 203 ha vào nuôi ngay trong năm 2023, thay vì phải kéo dài 2 năm theo kế hoạch ban đầu.

Đây là lần mở rộng “thần tốc”, bởi các năm trước, Fimex cũng chỉ tăng tối đa 90 ha. Diện tích mở rộng theo kế hoạch cũng gần bằng diện tích vùng nuôi tôm riêng của Fimex hồi cuối năm 2021 (250 ha).

Thực tế, đây là một phần trong chiến lược hoạt động 2021-2025 của Fimex, với việc xác định nuôi tôm là mảng kinh doanh chính và đặt mục tiêu mở rộng vùng nuôi lên ít nhất 500 ha. Theo ông Hồ Quốc Lực, để triển khai chủ trương này, Fimex chú trọng lo nguồn vốn đầu tư, cụ thể là tăng vốn điều lệ và mời gọi cổ đông chiến lược Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Việc mở rộng vùng nuôi được thực hiện song song.

“Công ty đã tìm hiểu, khảo sát nhiều trang trại và mua lại cổ phần trang trại nuôi tôm 203 ha, hoàn tất năm nay. Đây là vùng nuôi lý tưởng nhất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, sát đê biển, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng ra vào và có hai cống nước thông ra biển giúp chủ động nước nuôi”, ông Lực cho biết.

Quyết tâm có thêm ao nuôi tôm trong bối cảnh nhiều thách thức, lãnh đạo Fimex cho biết, thời tiết năm 2023 thuận cho nuôi tôm và Công ty tự tin về quy trình nuôi. Công ty cũng kỳ vọng về cơ hội giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh với tôm các nước đối thủ khi tăng sản lượng tôm nuôi. Từ tháng 10/2022, Fimex đã thi công khu nuôi mới và dự kiến thả nuôi vụ đầu tiên vào cuối quý II/2023. Sau khi mở rộng vùng nuôi, Fimex sẽ tự chủ ít nhất 30% nguyên liệu.

“Giao thương tôm toàn cầu mỗi năm trên 5 triệu tấn và tăng trung bình 5% năm. Nhu cầu của riêng Fimex khoảng 40.000 tấn mỗi năm. Với số lượng cung ứng dự kiến khoảng 8.000 tấn tôm, lượng tôm từ trại nuôi chỉ là con số nhỏ”, ông Lực chia sẻ và cho rằng, với khó khăn chồng chất, khả năng người nuôi tôm giảm thả nuôi trong năm nay vì ngại rủi ro.

Cùng với việc có thêm ao nuôi tôm để chủ động nguyên liệu, nhà máy mới của Fimex cũng khởi động từ đầu năm với các hoạt động tập dượt đội ngũ, sắp xếp các kho hàng để giảm thiểu tối đa chi phí. Sẵn sàng phương án tăng tốc khi thời cơ đến là chiến lược được lãnh đạo Công ty chỉ ra cho năm 2023.

Nói về vùng nuôi mới, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Fimex cho biết, đất vùng này có lợi thế khi không pha cát, không nhiễm phèn, xa khu dân cư và không có các trại nuôi lân cận, nhờ đó hạn chế nhiễm chéo. Cùng với đó, trang trại này vốn đã hoạt động khá bài bản trong nhiều năm, nên có sẵn lực lượng nhân sự nòng cốt, Fimexchỉ cần thu hút thêm lao động phổ thông là đã đủ để tổ chức sản xuất mới.
Doanh nhân Hồ Quốc Lực, CEO Thực phẩm Sao Ta: Thành công chỉ dành cho người nỗ lực siêng học, siêng làm
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta đạt doanh số kỷ lục trong 24 năm hoạt động, với hơn 4.400 tỷ đồng. Ông Hồ Quốc Lực nói rằng, đó là kết quả của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư