Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Fintech: Nhận diện cơ hội và rủi ro
Khánh Phương (DNSG) - 21/05/2017 09:13
 
Làn sóng phát triển mạnh mẽ về công nghệ gần đây đã thúc đẩy các mô hình công nghệ tài chính (Fintech) ra đời hàng loạt tại Việt Nam. Fintech là gì và những rủi ro cũng như tiềm năng của mô hình này trong tương lai là như thế nào?

Về cơ bản Fintech không chỉ là các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền như phần đông mọi người vẫn nghĩ, mà mô hình này còn cung cấp các dịch vụ trải rộng hơn như gọi vốn cộng đồng (crowd-funding), cho vay ngang hàng (peer to peer lending), tư vấn tài chính cá nhân (Personal Finance), tiền tệ số (Crypto Blockchain), quản trị dữ liệu (Data Management).

Tiềm năng Fintech tại Việt Nam

Thời gian qua hàng loạt startup về công nghệ nói chung và công nghệ tài chính nói riêng đã ra đời và phát triển rầm rộ tại Việt Nam. Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm, dịch vụ mới về công nghệ, bởi dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh tăng trưởng nhanh.

Điều đáng lưu ý là các hoạt động trên điện thoại di động hiện nay chủ yếu là tương tác mạng xã hội, tìm kiếm, nghe nhạc, xem phim, trong khi sử dụng cho các dịch vụ tài chính còn rất thấp, chiếm chưa đến 5% thời gian trực tuyến của người dùng internet tại Việt Nam.

Do đó, các dịch vụ về thương mại điện tử và công nghệ tài chính còn rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là khi Việt Nam là một trong những quốc gia nhận lượng kiều hối chuyển về hằng năm rất lớn.

Tuy nhiên, các startup về Fintech tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu chỉ mới cung cấp các dịch vụ thanh toán qua di động (theo thống kê chiếm đến 52%), trong khi các dịch vụ khác còn rất thấp.

Điều này cũng tương đối dễ hiểu khi từ năm 2008, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải là ngân hàng cung ứng các dịch vụ thanh toán trong khi các quy định về việc cung cấp các dịch vụ còn lại gần như còn rất hạn chế. Theo NHNN, tính đến ngày 10/2/2017, có 20 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Trong khi đó, một thống kê của hãng kiểm toán KPMG cho biết lĩnh vực hoạt động chính của top 100 công ty Fintech trên thế giới thì thanh toán và giao dịch chiếm 25%, cho vay chiếm đến 22%, quản lý tài sản 14%, bảo hiểm 7% và các dịch vụ khác là 32%. Do đó, các dự án startup về Fintech cung cấp các dịch vụ còn lại có thể sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới theo xu hướng chung của thế giới, nhất là khi các dự án Fintech đang ngày càng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhiều hơn.

Thống kê của Topica Founder Institute cho biết trong số những thương vụ gọi vốn của startup công nghệ, nhóm Fintech là lĩnh vực đầu tư nhiều thứ 3, xếp sau thương mại điện tử và truyền thông. Riêng trong năm 2016, tổng giá trị các thương vụ liên quan tới startup Fintech tại Việt Nam là 129 triệu USD, chiếm 63% tổng giá trị các thương vụ startup.

Còn theo một báo cáo từ DealStreetAsia, hơn 7,8 tỷ USD sẽ được rót vào thị trường Fintech tới năm 2020.

Có rủi ro cho mô hình giao dịch truyền thống?

Một dự báo gần đây cho thấy nhân sự trong ngành ngân hàng sẽ đối mặt với nguy cơ mất việc rất lớn trong tương lai khi công nghệ ngày càng phát triển, các mô hình Fintech ngày càng được nâng cấp và cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích đến khách hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn.

Tuy nhiên tại Việt Nam, các mô hình giao dịch ngân hàng truyền thống trước mắt vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều, nhất là khi các mô hình Fintech hiện nay tại Việt Nam còn rất sơ khai và chỉ mới dừng lại ở việc cung cấp các dịch vụ thanh toán như đã nói.

Trong khi đó, các dịch vụ khác của mô hình Fintech như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng trước mắt vẫn khó phát triển do đặc thù người dân Việt Nam còn rất nghi ngại với các dịch vụ này qua môi trường mạng điện tử.

Nhiều người cho rằng giao dịch tại các kênh phân phối truyền thống của ngân hàng, có trụ sở địa chỉ rõ ràng mà đôi khi còn bị lừa hoặc mất tiền, thì việc gửi tiền hoặc đem tiền cho vay qua các dịch vụ, ứng dụng trên mạng thì càng không có gì là chắc chắn, thậm chí gặp rủi ro bị lừa đảo còn nhiều hơn, nhất là khi họ không hiểu các công ty công nghệ đóng vai trò và làm gì với tài khoản ngân hàng của mình.

Ngoài ra, việc quản lý cũng như cung cấp các thông tin đầu vào về công dân, hồ sơ cá nhân tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong khi đây lại là một trong những cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc phát triển các dịch vụ theo mô hình Fintech. Một vấn đề nữa là các quy định, luật lệ chưa minh bạch, hành lang pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của các công ty Fintech, nên rủi ro về pháp lý cho một số dịch vụ của mô hình Fintech là hiện hữu. Vì vậy ngân hàng với các kênh giao dịch truyền thống vẫn đang là lựa chọn được ưu tiên.

Thực tế cũng đã có một vài ngân hàng nghiên cứu và chủ động triển khai một số ứng dụng Fintech cung cấp cho khách hàng, nhưng hiệu quả của các dịch vụ mới này cũng như sự đón nhận của khách hàng đến đâu là chưa thể đánh giá trong thời điểm hiện nay.

Vốn ngoại chọn mặt gửi vàng vào fintech Việt
Các quỹ đầu tư lớn từ nước ngoài quay trở lại rót vốn vào start-up công nghệ tài chính (fintech) Việt, bất chấp hàng loạt khó khăn được ghi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư