Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
FPT Retail tăng tốc mở rộng chuỗi
Lâm Vũ - 24/04/2022 16:10
 
Đẩy mạnh mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu và FPT Shop là hướng đi quan trọng giúp FPT Retail thực hiện các mục tiêu kinh doanh năm 2022.

Kế hoạch tăng tốc

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức cuối tuần qua, Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) đã thông qua các chỉ tiêu kinh doanh cho năm 2022 như doanh thu đạt 27.000 tỷ đồng (tăng 20% so với năm 2021), lợi nhuận trước thuế đạt 720 tỷ đồng (tăng 30%) và thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2021 với cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 50% và cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5% mệnh giá.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, Ban Lãnh đạo Công ty định hướng tiếp tục mở rộng chuỗi FPT Shop và nhà thuốc Long Châu. Cụ thể, trong năm nay, sẽ mở thêm ít nhất 70 cửa hàng FPT Shop để đạt khoảng 717 cửa hàng và mở thêm 300 cửa hàng Long Châu để đạt 700 cửa hàng.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu được kỳ vọng sẽ giúp mảng dược phẩm đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành kế hoạch doanh thu tăng trưởng của FPT Retail trong năm 2022.

Nếu như kế hoạch doanh thu của FPT Retail được đánh giá là khả thi nhờ mở rộng chuỗi cửa hàng, thì mục tiêu lợi nhuận lại được nhiều nhà đầu tư cho là khá thách thức.

Nếu như kế hoạch doanh thu của FPT Retail được đánh giá là khả thi nhờ mở rộng chuỗi cửa hàng, thì mục tiêu lợi nhuận lại được nhiều nhà đầu tư cho là khá thách thức. Lý do là, trong bối cảnh mở cửa và “chung sống” với dịch bệnh, nhu cầu về điện thoại di động, máy tính xách tay sẽ không còn duy trì được đà tăng cao như năm 2020 - 2021; mảng dược phẩm cũng chịu ảnh hưởng khi người tiêu dùng giảm tâm lý tích trữ thuốc, thực phẩm chức năng. Việc đẩy nhanh tốc độ mở rộng cũng sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí hoạt động, còn các nhà thuốc mới cần thời gian để vượt qua điểm hòa vốn.

Tuy nhiên, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Hoàng Trung Kiên, Tổng giám đốc FPT Retail nhận định, xét về trung và dài hạn, nhu cầu máy tính vẫn cao. Đối với mảng dược phẩm, bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch HĐQT FPT Retail kỳ vọng, chuỗi Long Châu sẽ đóng góp 50 - 100 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay, tùy vào tốc độ mở cửa hàng mới.

Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư cho các mảng kinh doanh hiện hữu, Ban Lãnh đạo FPT Retail cũng chia sẻ định hướng tiếp tục tìm kiếm những mảng có tiềm năng và cơ hội mở ra ngành hàng mới. Ví dụ, trong mảng dược, bên cạnh thuốc, Công ty sẽ mở rộng sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe (healthcare).

Trước đó, Ban Lãnh đạo cũng có tờ trình bổ sung ngành nghề kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng hóa; sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính. Năm 2021, FPT Retail còn mua lại Công ty cổ phần Hữu Nghị Việt Hàn để đầu tư cho hệ thống logistics của chuỗi Long Châu.

Nhận diện thách thức

Sau FPT Shop, mảng dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu đang là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT Retail, nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều doanh nghiệp khác cũng có kế hoạch đẩy mạnh lĩnh vực này.

Chẳng hạn, Thế giới Di động đang định hướng đầu tư cả về nguồn lực tài chính và đội ngũ lãnh đạo chuyên trách để phát triển mạnh mẽ cho chuỗi An Khang. Chuỗi

Pharmacity sau khi chạm mốc 1.000 cửa hàng cũng đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư mở rộng để đạt 5.000 nhà thuốc đến cuối năm 2025.

Việc đẩy mạnh đầu tư vào thị trường bán lẻ dược phẩm của các “ông lớn” giàu tiềm lực tài chính, kinh nghiệm dồi dào, năng lực quản trị quy mô lớn có thể tạo ra một cuộc cạnh tranh giành thị phần gay gắt hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, nhiều ý kiến e ngại rằng, các cửa hàng được mở mới tại các thành phố cấp 2, 3, vùng ven không dễ đạt được hiệu quả như những cửa hàng ban đầu có lợi thế vị trí thuận lợi.

Đối với mảng thiết bị di động, tốc độ tiêu thụ sản phẩm chậm so với năm 2021, chuỗi cung ứng toàn cầu đang gặp khó khăn, bao gồm cả tình trạng thiếu chip dự báo kéo dài... là những thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng của FPT Retail.

Việc quản trị nguồn vốn đáp ứng nhu cầu mở rộng đầu tư cũng là vấn đề đáng lưu ý với công ty này. Tính đến cuối năm 2021, dư nợ vay ngắn hạn của FPT Retail là 6.047,4 tỷ đồng, tăng 2,43 lần so với đầu năm; tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 3,6 lần; nợ vay ngắn hạn tăng nhanh chủ yếu để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động gia tăng theo tốc độ mở rộng chuỗi; hàng tồn kho là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản với 4.930,4 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần đầu năm, chiếm 45,7% tổng tài sản.

FPT Retail trước thách thức mục tiêu lợi nhuận tăng 30%
Năm 2022, FPT Retail được dự báo dư địa tăng trưởng vẫn khả quan, nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Tuy nhiên, với kế hoạch lợi nhuận đề ra tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư