Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
FPT Retail trước thách thức mục tiêu lợi nhuận tăng 30%
Khắc Lâm - 22/03/2022 08:15
 
Năm 2022, FPT Retail được dự báo dư địa tăng trưởng vẫn khả quan, nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Tuy nhiên, với kế hoạch lợi nhuận đề ra tăng 30% so với năm 2021 là thách thức không nhỏ.
Ảnh minh họa
Chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ tiếp tục gia tăng doanh thu cho mảng kinh doanh dược phẩm của FPT Retail.

Hưởng lợi trong thời kỳ dịch bệnh

Năm 2021 có thể xem là năm thắng lớn của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail), khi doanh thu thuần hợp nhất đạt tới 22.494,9 tỷ đồng, tăng 53,4% so với năm 2020; lợi nhuận trước thuế đạt 554,1 tỷ đồng, tăng 18,5 lần so với năm 2020, vượt xa kế hoạch doanh thu 16.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng mà Công ty đã đề ra.

Tăng trưởng lợi nhuận cao của FPT Retail có nguyên nhân quan trọng đến từ mức nền tảng thấp của năm 2020, trong bối cảnh năm đầu tiên dịch bệnh Covid-19 bùng phát, doanh thu thuần giảm 11,7% so với năm 2019, đánh dấu năm sụt giảm đầu tiên của doanh nghiệp này. Cùng với mảng dược phẩm lỗ hơn 113 tỷ đồng do đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, khiến Công ty thu về vỏn vẹn 10,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2020.

Trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thậm chí giai đoạn giãn cách xã hội trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư vào quý III/2021 có mức độ lớn hơn nhiều so với các đợt giãn cách trong năm 2020, tuy vậy, điều này lại đem lại thuận lợi cho kết quả kinh doanh của Công ty.

Chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 của FPT Retail là 720 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021, được đánh giá là thách thức trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa, chung sống với dịch bệnh và khả năng cao sẽ không có đợt giãn cách xã hội nào xảy ra, khiến nhu cầu máy tính, điện thoại để học và làm việc online không cao, cũng như nhu cầu tích trữ thuốc men không lớn.

Theo đó, trong bối cảnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhu cầu sử dụng các thiết bị di động (điện thoại thông minh, laptop) đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc online tăng cao. Ước tính trong cả năm 2021, doanh thu của chuỗi FPT Shop đã tăng 37,7% so với năm 2020 và đóng góp 82% tổng doanh thu. Riêng doanh thu ngành hàng laptop đã tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020.

Bên cạnh nhu cầu tiêu thụ tăng cao, việc gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng thiếu chip cũng góp phần đẩy giá bán tăng cao. Thêm vào đó, nhóm sản phẩm hàng Apple cũng ghi nhận  doanh thu tăng gấp 1,6 lần so với năm 2020 nhờ iPhone 13 series và Macbook Pro 2021 được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Đối với mảng dược phẩm phân phối qua chuỗi nhà thuốc Long Châu. Trong năm qua, FPT Retail đã mở mới 200 nhà thuốc, nâng tổng số nhà thuốc đến cuối năm lên con số 400, vượt mục tiêu mở mới 150 cửa hàng đặt ra. Trong quý IV/2021, gần 100 cửa hàng Long Châu được mở mới. Cùng với việc mở rộng chuỗi, các đợt bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến người tiêu dùng có tâm lý tích trữ thuốc và thực phẩm chức năng, qua đó giúp doanh thu mỗi cửa hàng tăng mạnh.

Trong giai đoạn thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội, người tiêu dùng không thể mua tại các nhà thuốc nhỏ lẻ do thiếu bên thứ ba giao hàng và không thể mua online, thì các chuỗi nhà thuốc hiện đại trong đó có Long Châu hưởng lợi. Theo Ban lãnh đạo FPT Retail, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 3.977 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 3,3 lần so với năm 2020. Đáng chú ý, bất chấp việc mở rộng nhanh chóng làm gia tăng chi phí, chuỗi nhà thuốc này đã chính thức có lãi nhẹ.

Dư địa trong năm 2022

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 dự kiến tổ chức vào giữa tháng 4 tới, HĐQT FPT Retail đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu thuần ở mức 27.000 tỷ đồng, tăng 20% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế 720 tỷ đồng, tăng 30%.

Nếu như về doanh thu, kế hoạch này được đánh giá là khả thi với FPT Retail, khi sự mở rộng mạnh mẽ của chuỗi Long Châu sẽ tiếp tục gia tăng doanh thu cho mảng kinh doanh này, nhất là với con số gần 100 cửa hàng mở trong quý IV/2021 sẽ đóng góp nhiều hơn vào năm 2022. Nhưng đối với chỉ tiêu lợi nhuận, đây được đánh giá là kế hoạch khá thách thức trong bối cảnh sự thay đổi trong chính sách y tế công ở Việt Nam đã trở nên rõ ràng hơn, khi hướng tới việc mở cửa, chung sống với dịch bệnh và khả năng cao sẽ không có đợt giãn cách xã hội nào xảy ra. Theo đó, nhu cầu về điện thoại di động và máy tính xách tay năm 2022 dự báo tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên tốc độ sẽ chậm hơn so với năm 2021.

Đối với mảng dược phẩm, với giả định không có đợt giãn cách lớn trong 2022 cũng sẽ làm giảm tâm lý tích trữ thuốc và thực phẩm chức năng của người tiêu dùng. Việc đẩy nhanh tốc độ mở rộng với kế hoạch mở thêm 200-300 cửa hàng mới trong năm 2022 cũng sẽ làm các chi phí hoạt động gia tăng đáng kể, khi nhiều nhà thuốc cần thời gian để vượt qua điểm hòa vốn.

Ở chiều ngược lại, vẫn có những yếu tố làm dư địa tăng trưởng cho kết quả kinh doanh của Công ty. Cụ thể, tình trạng thiếu chip được dự báo sẽ kéo dài đến đầu năm 2023, các thương hiệu điện thoại di động cao cấp mà FPT Retail phân phối có thể ít gặp khó khăn hơn, vì những công ty lớn có khả năng đàm phán tốt hơn để đảm bảo đủ chip trong sản xuất, đồng thời áp lực chỉ tiêu từ các nhà sản xuất với các hãng phân phối cũng nhẹ hơn, giúp duy trì biên lợi nhuận ở mức cao.

Đối với mảng phân phối dược phẩm, vào chiều ngày 17/2/2022, chỉ ít giờ sau khi Bộ Y tế cấp phép 3 loại thuốc chứa hợp chất molnupiravir, FPT Long Châu đã thông báo ký hợp đồng phân phối loại thuốc điều trị Covid-19. Chưa rõ mức biên lợi nhuận từ sản phẩm này, nhưng với nhu cầu lớn từ người tiêu dùng, đây sẽ là yếu tố có khả năng tạo đột biến doanh thu của chuỗi nhà thuốc trong năm nay. Việc thu hút thêm lưu lượng người tiêu dùng đến chuỗi cửa hàng cũng sẽ giúp quảng bá thương hiệu và hỗ trợ tiêu thụ nhiều dòng sản phẩm khác.

Chủ tịch FPT Retail: Mọi khác biệt sẽ được san bằng
Theo Chủ tịch FPT Retail, nếu một người lãnh đạo nhanh chóng thích ứng và quản lý tốt quỹ thời gian của mình thì mọi vấn đề đều được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư