Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Gần 1.000 dự án đầu tư có vốn nhà nước xảy ra thất thoát, lãng phí
Anh Minh - 26/05/2015 16:38
 
Đây là thông tin được Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra trong báo cáo công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư cả nước năm 2014.
Vẫn còn nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước bị chậm tiến độ
Vẫn còn nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách Nhà nước bị chậm tiến độ

 

Theo công văn số 3114/BKHĐT – GSTĐĐT vừa được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh ký trình Thủ tướng Chính phủ, hiện cả nước có 39.173 dự án sử dụng vốn 30% vốn nhà nước trở lên đang thực hiện đầu tư, trong đó có 17.638 dự án khởi công mới, chiếm 45,03% - chủ yếu là các dự án nhóm C (16.750 dự án) và 14.419 dự án kết thúc đầu tư trong kỳ.

Số liệu được Bộ Kế hoạch và đầu tư tổng hợp từ 120/123 cơ quan có báo cáo cho thấy, trong năm 2014, giá trị thực hiện cả nước đạt khoảng 579.501 tỷ đồng, đạt 95,29% kế hoạch.

Trong năm 2014, cả nước có tới 2.869 dự án chậm tiến độ, chiếm 7,32% số dự án thực hiện trong kỳ với 3 nguyên nhân chính là: vướng GPMB; vốn bố trí không kịp thời; năng lực yếu kém của chủ đầu tư và nhà thầu. Mặc dầu vậy, tỷ lệ này đã giảm đáng kể so với năm 2013 (9,59%) và năm 2012 (11,7%).

Các địa phương, cơ quan có số dự án và tỷ lệ số dự án chậm tiến độ/số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ lớn là: Tp. Hải Phòng (215/404 dự án, chiếm 53,22%); Bình Định (59/146 dự án, chiếm 40,41%); Bạc Liêu (60/180 dự án, chiếm 33,33%)…

Điều đáng nói là mặc dầu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm kỷ luật đầu tư, nhưng cả nước vẫn còn tới 3.717 dự án thực hiện đầu tư trong kỳ phải điều chỉnh, chiếm 9,49% tổng số dự án, trong đó có 1.654 dự án điều chỉnh vốn; 1.256 dự án điều chỉnh tiến độ; 1.114 dự án điều chỉnh mục tiêu, quy mô đầu tư…

Cần phải nói thêm rằng, việc chậm tiến độ là một nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

“Trách nhiệm về tình trạng nêu trên trước hết thuộc về các chủ đầu tư và người có thẩm quyền quyết định đầu tư”, Bộ trưởng Vinh chỉ rõ.

Đáng lo ngại là trong năm 2014, cả nước đã phát hiện 115 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 10 dự án vi phạm về chất lượng; 923 dự án có thất thoát, lãng phí; 302 dự án phải ngừng thực hiện.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, các dự án có thất thoát lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh, quyết toán, kiểm toán; tuy nhiên các cơ quan chưa đi sâu phân tích cụ thể về các nội dung vi phạm, thất thoát lãng phí cũng như nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp cụ thể.

Liên quan tới tình hình nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản, số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết là đến 30/6/2014, tổng nợ đọng cả nước là 44.594 tỷ đồng, trong đó: nguồn ngân sách nhà nước là 40.590 tỷ đồng; trái phiếu Chính phủ là 4.004 tỷ đồng. So với cuối năm 2013, trong 6 tháng đầu năm 2014, tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản đã có những chuyển biến tích cực (giảm 13.383 tỷ đồng).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư