Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Gần 4% mẫu dược liệu được kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng
D.Ngân - 28/03/2023 11:25
 
Trong năm 2022, tổng số mẫu dược liệu được lấy mẫu kiểm tra chất lượng là 2.224 mẫu, trong đó có 85 mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm tỉ lệ 3,82%.

Trong khi đó, tỷ lệ mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng là 11,08% năm 2017 và 5,70 % năm 2018.

Lãnh đạo Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế cho hay, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 38/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 quy định chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền. 

Trong năm 2022, tổng số mẫu dược liệu được lấy mẫu kiểm tra chất lượng là 2.224 mẫu, trong đó có 85 mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm tỉ lệ 3,82%. 

Trong đó quy định rất rõ các biện pháp quản lý chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền. Đối với dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền nhập khẩu là Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của từng lô dược liệu (Giấy C/O) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp và Phiếu kiểm nghiệm dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đối với dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền trong nước là Bản cam kết nuôi trồng thu hái trong nước hoặc Giấy chứng nhận đạt Thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu, khai thác dược liệu tự nhiên (GACP) và Phiếu kiểm nghiệm dược liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Ngày 22/8/2022, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã có Công văn số 23/YDCT-QLD yêu cầu hệ thống kiểm nghiệm tập trung lấy mẫu các dược liệu có nguy cơ giả mạo, kém chất lượng, bao gồm: Sinh địa, Ngưu tất, Tần giao, Hà thủ ô đỏ, Thiên ma, Đương quy, Mộc hương, Đại hoàng, Khương hoạt, Hoàng kỳ, Nhân sâm, Tam thất, Bạch truật, Hy thiêm, Diệp hạ châu.

Bộ Y tế cũng đặt ra mục tiêu sẽ tham gia thị trường thảo dược toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải đầu tư khoa học công nghệ, giống, vốn, phát triển vùng trồng dược liệu trên quy mô lớn.

Bên cạnh đó là tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu (phát triển các sản phẩm từ dược liệu có nguồn gốc hữu cơ (organic) gắn với truy xuất nguồn gốc xuất xứ của dược liệu, kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu); khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia phát triển dược liệu. 

Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học phát triển đa dạng hóa các sản phẩm từ dược liệu (thuốc, hóa mỹ phẩm, nước hoa, hương liệu, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng y học...).

Bộ Y tế đã tham mưu đề xuất thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp như xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chất lượng dược liệu.

Xây dựng vùng trồng dược liệu đạt Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái cây thuốc (GACP-WHO), dược liệu hữu cơ (organic), đảm bảo dược liệu đầuu ra đạt tiêu chuẩn chất lượng theo dược điển (giới hạn vi sinh vật, giới hạn thuốc bảo vệ thực vật...).

Từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung có quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc...

Việt Nam đã tham gia thị trường cung cấp dược liệu toàn cầu với các dược liệu có thế mạnh như Quế, Hồi, Thảo quả, Nghệ (Curcuminoid), Hòe, Kê huyết đằng...

Liên quan tới việc sử dụng thuốc nội, thời gian qua Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận như thuốc sản xuất trong nước chiếm khoảng 46,7% tổng giá trị tiền thuốc sử dụng, ngành dược trong nước đã sản xuất được nhiều thuốc chuyên khoa đặc trị như thuốc tim mạch, thuốc ung thư, thuốc điều trị gan... thuốc sản xuất trong nước phủ được 27 trên 27 nhóm tác dụng dược lý.

Việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược trong nước, trong đó hướng đến sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc chuyên khoa đặc trị, vắc-xin, sinh phẩm là một chiến lược quan trọng trong phát triển ngành dược Việt Nam trong thời gian tới. 

Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đưa ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể như sau:

Về mục tiêu, đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, Mục tiêu đến năm 2030: Thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. 

Chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vắc xin, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Về các giải pháp để tăng sử dụng thuốc nội, Bộ Y tế đặt mục tiêu ưu tiên phát triển công nghiệp dược, sản xuất nguyên liệu làm thuốc trong nước với các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ ở mức cao theo quy định của pháp luật. 

Chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong sản xuất thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc-xin, sinh phẩm tham chiếu, sinh phẩm tương tự.

Bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc mới, thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Tiếp tục thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc. Quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu...

Song song với các định hướng, chính sách ưu đãi trên, Bộ Y tế cũng đang rà soát, hoàn thiện và trình các cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản từ Luật Dược, Nghị định hướng dẫn đến các văn bản hướng dẫn để đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công khai, thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển nền công nghiệp dược Việt Nam trong thời gian tới.

Về chính sách phát triển ngành dược phẩm nói chung, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược, trong đó nêu rõ nhà nước ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia. 

Đồng thời đưa ra nhiều nhóm giải pháp đồng bộ về giải pháp về thể chế, pháp luật; giải pháp về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải pháp về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; giải pháp về kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; giải pháp về hợp tác và hội nhập quốc tế; giải pháp thông tin và truyền thông.

Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 ban hành Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền, trong đó tăng tỷ lệ khám bệnh, chữa bệnh y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại ở tất cả các tuyến.

Mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ sử dụng thuốc y học cổ truyền ở tuyến trung ương đạt 15%; tuyến tỉnh đạt 20%; tuyến huyện đạt 25% và tuyến xã đạt 30%; đến năm 2030: tuyến trung ương đạt 20%; tuyến tỉnh đạt 25%; tuyến huyện đạt 30% và tuyến xã đạt 40%;

Tăng tỷ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc: đến năm 2025 tối thiểu là 20% và đến năm 2030 là 30%.

Trong đó chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5% trong tổng số chi phí thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, mỗi năm phê duyệt và triển khai 5 đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về y dược cổ truyền.

Bộ Y tế và UBND các tỉnh thành phố tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I;

Từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó, tại tiểu dự án 2 với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp vốn ngân sách là 60 tỷ/điểm dự án và vốn vay ưu đãi 96 tỷ với lãi suất ưu đãi 3,96% thu hút được doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ Y tế đã tích cực triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, tiến hành trao giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt” và có nhiều chính sách đặc thù từ nuôi trồng, thu hái, sản xuất, sơ chế, chế biến, sản xuất, đấu thầu. 

Quảng Trị: Ký ghi nhớ hợp tác xuất khẩu dược liệu sang thị trường Hoa Kỳ
Huyện Cam Lộ và TP. Cal-Nev-Ari vừa ký ghi nhớ hợp tác xuất khẩu dược liệu và sản phẩm tiềm năng khác vào thị trường Hoa Kỳ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư