Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gần 95% tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn do Covid-19
Mạnh Bôn - 26/05/2020 07:03
 
Hơn 91% số doanh nghiệp vừa và 89,7% số doanh nghiệp nhỏ; hơn 92% doanh nghiệp siêu nhỏ bị SARS-CoV-2 “tấn công”. Với các tập đoàn, tổng công ty, con số này là 95%.
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê
Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê

Tổng cục Thống kê vừa công bố Cuộc khảo sát 126.565 doanh nghiệp (trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn) về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 85,7% số doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19

“Dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực nhiều mặt đến hoạt động của hầu hết khu vực doanh nghiệp. Theo quy mô, doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng bị tác động từ dịch Covid-19. Điều này có thể lý giải, doanh nghiệp có quy mô lớn thường hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ nên chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu”, ông Phạm Đức Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp, Tổng cục Thống kê cho biết.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện doanh nghiệp lớn chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp, và có tới 92,8% số doanh nghiệp lớn chịu tác động bởi dịch Covid-19. Đặc biệt là có tới 94,6% số tập đoàn, tổng công ty chịu tác động tiêu cực bởi dịch bệnh toàn cầu trong khi chỉ có hơn 91% số doanh nghiệp vừa và 89,7% số doanh nghiệp nhỏ; hơn 92% doanh nghiệp siêu nhỏ bị SARS-CoV-2 “tấn công”.

Trong khi 88,7% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19 thì tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 87,3% và 85,5%.

“Đáng lưu ý là một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 rất cao như hàng không 100%. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú hơn; dịch vụ ăn uống; hoạt động của các đại lý du lịch; giáo dục và đào tạo gần; dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da; sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô bị Covid-19 “tấn công” từ trên 90% đến 97%”, ông Thúy cho biết.

Còn phân theo vùng kinh tế thì Đồng bằng sông Hồng, Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Khánh Hòa… có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất từ dịch Covid-19 do có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng.  

 Áp dụng cả biện pháp tiêu cực để đối phó

Thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, theo ông Thúy đang là vấn đề quan tâm hàng đầu của đại bộ phận doanh nghiệp hiện nay. Trong giai đoạn hiện nay, thị trường tiêu thụ trong nước và thị trường xuất khẩu đều gặp khó khăn. Đây là hệ quả tất yếu khi đại dịch bùng phát, người dân Việt Nam và các nước thuộc thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta (Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật...) phải thực hiện giãn cách xã hội, lao động mất việc làm, thu nhập giảm sút nên nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Đáng lưu ý là doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Những doanh nghiệp này không chỉ chịu ảnh hưởng nhiều bởi thị trường tiêu thụ trong nước bị thu hẹp mà còn do hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

“Một số ngành công nghiệp trọng điểm đang phải đối mặt với những khó khăn khi hầu hết các doanh nghiệp quy mô lớn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu. Cụ thể, đối với doanh nghiệp xuất khẩu ngành may mặc và da giày, tỷ lệ doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa lần lượt là 64,5% và 65%; ngành sản xuất các sản phẩm điện tử và sản xuất ô tô cũng gặp khó khăn khi doanh nghiệp không xuất khẩu được hàng hóa chiếm tỷ lệ khá cao, trên 45%”, ông Thúy cho biết.

Thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào bị thiếu hụt; thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; những gánh nặng của doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19 như chi lương cho người lao động, chi trả lãi vay ngân hàng và chi thuê mặt bằng, chi cho hoạt động thường xuyên khác được doanh nghiệp phản ánh đang là những khó khăn doanh nghiệp buộc phải vượt qua nếu không sẽ đóng cửa, giải thể.

Để đối phó với khó khăn, kết quả Cuộc khảo sát cho thấy doanh nghiệp đã sử dụng hàng loạt giải pháp tích cực như cắt giảm chi phí hoạt động, thay đổi phương thức cũng như chiến lược sản xuất, đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống... bên cạnh đó, cũng có một bộ phận doanh nghiệp tận dụng thời điểm này để tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động.

Ngược lại số lượng doanh nghiệp thực hiện giải pháp tiêu cực để ứng phó với dịch bệnh rất lớn. Giải pháp tiêu cực được tuyệt đại đa số doanh nghiệp thực hiện là cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô hoạt động hoặc tạm ngừng hoạt động.

“Đáng nói là để đối phó với khó khăn có tới 66,8% số doanh nghiệp áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động (giải pháp tiêu cực), trong đó có trên 71% doanh nghiệp nhà nước thực hiện giải pháp tiêu cực và dễ thực hiện nhất này để đối phó với dịch bệnh”, ông Thúy cho biết.

Đánh giá cao giải pháp không tăng giá đầu vào

Mặc dù doanh nghiệp đã áp dụng cả giải pháp tích cực lẫn tiêu cực để ứng phó với đại dịch Covid-19, nhưng đã có khoảng 20% số doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động.

Trong nỗ lực cải thiện tình thế khó khăn của doanh nghiệp trước mắt, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt những giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Chỉ thị 11/CT-TTg (được ban hành ngày 04/3/2020).

Theo ông Thúy, hầu hết các nhóm giải pháp trong Chỉ thị số 11/CT-TTg đều được doanh nghiệp đánh giá tương đối phù hợp, trong đó, giải pháp không điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước kiểm soát giá và giải pháp miễn, giãn, giảm lãi suất vay, phí ngân hàng được nhiều doanh nghiệp ủng hộ nhất sau đó là đến giải pháp gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và các khoản nợ.

“Miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu và tìm thị trường mới; giảm thủ tục hành chính và chi phí logistics cũng là những giải pháp được cộng đồng đánh giá rất cao trong việc hỗ trợ để vượt qua khó khăn do dịch Covid-19”, ông Thúy cho biết thêm.

Lo nhiều doanh nghiệp không còn sức đợi hỗ trợ
Tình hình dịch bệnh phức tạp hơn đang khiến nhiều khuyến nghị, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cần được triển khai nhanh và ít tốn kém....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư