Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Gay cấn cuộc đua thứ hạng lợi nhuận ngân hàng
Hà Tâm - 07/04/2021 09:33
 
Năm 2021, khả năng sẽ có nhiều ngân hàng chạm mốc lợi nhuận trên dưới 20.000 tỷ đồng. Nhiều nhân tố, yếu tố bất ngờ khiến cuộc đua thứ hạng lợi nhuận ngân hàng tốp đầu trở nên hấp dẫn.
VietinBank giữ vị trí quán quân về lợi nhuận trong quý I/2021. Ảnh: Đ.T

Lợi nhuận tỷ USD: Vietcombank không còn là duy nhất

Kết quả kinh doanh quý I/2021 bắt đầu hé lộ phần nào thứ hạng lợi nhuận của các nhà băng năm nay.

Vị trí quán quân về lợi nhuận quý I/2021 tạm thuộc về VietinBank. Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho hay, lợi nhuận của ngân hàng này trong quý I/2021 đạt 7.000 - 8.000 tỷ đồng, cao gấp đôi so với cùng kỳ 2 năm gần nhất. Lợi nhuận này chưa bao gồm khoản phí trả trước của hợp đồng bán bảo hiểm nhân thọ với Manulife (khoảng 1.600 tỷ đồng năm 2021).

Dù đạt quán quân lợi nhuận trong quý I/2021, có thể cán đích lợi nhuận 1 tỷ USD năm nay, song nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, lợi nhuận quý I/2021 của VietinBank cao là nhờ ghi nhận các khoản thu bất thường từ năm 2020. Những quý còn lại của năm 2021, lợi nhuận của ngân hàng này sẽ thấp hơn.

Xét về triển vọng lợi nhuận cả năm 2021, Vietcombank vẫn chưa có đối thủ. Vietcombank đã cán mốc lợi nhuận xấp xỉ 1 tỷ USD từ năm 2019. Năm 2020, Vietcombank không tăng trưởng lợi nhuận để tập trung hỗ trợ nền kinh tế. Năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 12%, tương đương 25.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay quý I/2021, lợi nhuận của ngân hàng này đã đạt 7.000 tỷ đồng, cao hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 28% kế hoạch cả năm.

Mặc dù VietinBank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận giai đoạn 2021-2023 chỉ 10- 2%/năm, song theo dự đoán của Công ty Chứng khoán BVSC, năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietinBank sẽ đạt hơn 24.000 tỷ đồng, tăng 43,5%, gần bằng mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 (tăng 45%).

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, với kết quả này, mục tiêu lợi nhuận 25.200 tỷ đồng của Vietcombank là trong tầm tay.

Thực tế, năm 2021, Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng tới 10,5%, cao nhất trong số ngân hàng có vốn nhà nước (chỉ 6-7,5%). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này lại lên tới 380%, có nghĩa chi phí trích lập dự phòng rủi ro năm 2021 sẽ rất thấp. Chính vì vậy, giới phân tích cho rằng, lợi nhuận năm 2021 của Vietcombank sẽ vượt xa con số 25.200 tỷ đồng.

So với các ngân hàng khác, Vietcombank còn có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ vốn rẻ dồi dào, lãi suất cho vay cạnh tranh, nợ xấu thấp và bao phủ nợ xấu cao kỷ lục, lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ đều tăng trưởng rất tốt. Chưa kể, Vietcombank đang nắm giữ một tỷ lệ cổ phần tại MB và Eximbank, nếu thoái vốn tại hai nhà băng này, lợi nhuận của Vietcombank sẽ ghi nhận thêm hàng ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, khoản phí thu về từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với FWD cũng mang lại cho Vietcombank khoản lợi nhuận không nhỏ hàng năm.

Cuộc đua thứ hạng sẽ có nhiều xáo trộn

Giữ vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng lợi nhuận là Techcombank. Năm 2021, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận gần 20.000 tỷ đồng, tăng 25,3% so với năm 2020, bám đuổi sát nút VietinBank.

Động lực tăng trưởng của Techcombank vẫn đến từ nguồn vốn rẻ (CASA liên tục cải thiện), cho vay bất động sản, dịch vụ cho khách hàng thu nhập cao (trái phiếu, quỹ, bảo hiểm…) và mảng ngân hàng số.

Ngân hàng đứng thứ tư trong bảng xếp hạng lợi nhuận là VPBank. Hiện ngân hàng này chưa công bố mục tiêu lợi nhuận năm 2021, song với nền tảng tài chính vững chắc, chi phí vốn liên tục cải thiện, VPBank cũng được kỳ vọng tăng trưởng tốt lợi nhuận trong năm 2021. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, tín dụng của VPBank tăng 3,9% trong quý I/2021. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, hạn mức room tín dụng năm 2021 của VPBank được cấp khoảng 10,5%. Như vậy, nhiều khả năng trong năm nay, VPBank sẽ là ngân hàng đứng thứ tư về lợi nhuận toàn hệ thống.

Trong bảng tổng sắp lợi nhuận nhà băng năm 2021, vị trí thứ năm, thứ sáu được dự kiến lần lượt là Agribank và BIDV. Sau một thời gian tái cơ cấu, hai ông lớn quốc doanh này đang dần trở lại đường đua lợi nhuận và cũng là hai ngân hàng chứa đựng nhiều ẩn số bất ngờ.

Năm nay, Agribank được cấp room tín dụng khá thấp (6,5%) do hệ số an toàn vốn (CAR) khá hạn chế, quy trình tăng vốn chậm, quá trình cổ phần hóa kéo dài. Theo mục tiêu đề ra, năm 2021, Agribank tăng trưởng lợi nhuận 10%, tức trên 14.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Trong khi đó, sau một thời gian đi xuống, BIDV đang dần trở lại đường đua lợi nhuận. Năm 2021, ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tới 40% (đạt 13.000 tỷ đồng). Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV khẳng định, bắt đầu từ năm 2021, trích lập dự phòng rủi ro của BIDV sẽ giảm dần, nên lợi nhuận sẽ tăng dần. Việc giảm trích lập dự phòng rủi ro sẽ rất rõ ràng trong 5 năm tới và lợi nhuận dự kiến tăng 24-38%/năm.

Với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như trên, việc BIDV quay trở lại top 4, top 5 về lợi nhuận chỉ còn là vấn đề thời gian, nhất là khi dư địa bán thêm vốn của BIDV vẫn còn, cộng thêm một hợp đồng bảo hiểm độc quyền có thể sẽ được ký kết trong tương lai, tương tự bước đi của Vietcombank và VietinBank.

Agribank là ẩn số khó dự báo nhất. Với tình hình hiện nay, Agribank khó tăng tốc mạnh, song một khi được cổ phần hóa, giải tỏa được bài toán tăng vốn, với nhiều lợi thế về mảng cho vay tam nông…, lợi nhuận của Agribank chắc chắn sẽ có nhiều bất ngờ.

Hai ứng viên tiềm năng tiếp theo trong câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng là MB và ACB. Năm 2021, lợi nhuận của MB có khả năng đạt trên 12.000 tỷ đồng, tiếp theo là ACB với trên 10.600 tỷ đồng.

Đương nhiên, thứ hạng lợi nhuận của các ngân hàng không đại diện cho sự hấp dẫn của cổ phiếu. Trong quý I/2021, hầu hết cổ phiếu các ngân hàng trong nhóm dẫn đầu về lợi nhuận đều không tăng trưởng mạnh bằng nhóm ngân hàng nhỏ.

Cụ thể, trong quý, thị giá cổ phiếu VCB, BIDV lần lượt giảm 2% và 10%. Cổ phiếu TCB tăng 28,3%, VPB tăng 37,4%, CTG tăng 16,2%, MBB tăng 22,4%. Trong khi đó, giá nhiều cổ phiếu khác như NVB, SSB, SHB tăng 50-60%.

Dù vậy, chuyên gia phân tích các công ty chứng khoán đều cho rằng, năm 2021, lợi nhuận của các ngân hàng rất khả quan và cổ phiếu vua vẫn sẽ là một trong những dòng cổ phiếu tiềm năng nhất thị trường trong năm nay.

Áp lực dự phòng rủi ro lên lợi nhuận ngân hàng
Kết quả kinh doanh quý 3/2020 của nhiều nhà băng giảm so với cùng kỳ năm trước, do phải tăng trích dự phòng. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư