Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
GELEX muốn đổi tên công ty, tiếp tục đẩy mạnh M&A
Thị Hồng - 28/05/2021 12:39
 
Việc đổi tên công ty được cho là nhu cầu tất yếu để phản ánh hợp lý về quy mô, tính chất và định hướng tái cấu trúc của Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam.

Theo đó, HĐQT Tổng Công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX, mã: GEX) vừa trình kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến vào ngày 18/6 tới.

Trong tài liệu gửi Đại hội có tờ trình về việc đổi tên công ty.

Lý do, sau chặng đường 5 năm tái cấu trúc (M&A các doanh nghiệp mới, thoái vốn tại các mảng kinh doanh không cốt lõi, sắp xếp loại vốn tại các đơn vị thành viên,…), GELEX hiện trở thành một tập đoàn tư nhân đa ngành. 

Doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình holdings, theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững với các lĩnh vực kinh doanh chính gồm thiết bị điện, bất động sản, vật liệu xây dựng, năng lượng, nước.

Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, để phản ánh hợp lý về quy mô, tính chất và định hướng tái cấu trúc của GELEX, việc đổi tên công ty là nhu cầu tất yếu. 

Từ đó, làm cơ sở để tăng cường định vị GELEX là một tập đoàn tư nhân đầu tư và quản lý vốn tại doanh nghiệp/dự án gắn liền với các thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực cụ thể nêu trên. 

Tên doanh nghiệp sau khi thay đổi là Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX, viết tắt là Tập đoàn GELEX. 

.
Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của GELEX.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc cho biết, trong năm nay Tổng công ty tiếp tục hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh trên hai trụ cột gồm sản xuất công nghiệp (cụ thể là sản xuất thiết bị điện và vật liệu xây dựng) và hạ tầng (gồm sản xuất điện, nước, khu công nghiệp và hệ sinh thái quanh khu công nghiệp).

Thêm vào đó, trong năm nay các thương vụ đầu tư, M&A sẽ tiếp tục được thực hiện. 

Cụ thể, tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Tổng công ty Viglacera. Tính đến đầu quý II/2021, mục tiêu này đã hoàn thành khi GELEX và công ty thành viên đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Viglacera lên 50,21%.

Thêm vào đó, GELEX sẽ tăng tỷ lệ sở hữu lên mức chi phối tại Công ty cổ phần Đầu tư khu công nghiệp dầu khí Long Sơn bên cạnh nỗ lực tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư tiềm năng, bổ sung vào hệ sinh thái.

GELEX dự tính chưa cổ tức năm 2020 là 9% bằng cổ phiếu sau khi tăng vốn.

Ban lãnh đạo công ty cũng trình cổ đông phương án phát hành tối đa 70.3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Sau khi Tổng công ty hoàn tất đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (dự kiến trong nữa cuối năm 2021) sẽ thực hiện đợt phát hành này.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Chủ tịch HĐQT GELEX cho biết 2021 sẽ là một năm với nhiều thành tựu khi Tổng Công ty với nhiều dự án đã và đang phát triển được đi vào hoạt động.

Với mảng hạ tầng, GELEX đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành cụm dự án điện gió Hướng Phùng 2,3 và GELEX 1,2,3 trước thời hạn 31/10/2021 để được hưởng giá FIT ưu đãi của Chính phủ.

Tổng Công ty này cũng đã và đang triển khai xây dựng dự án Tổ hợp khách sạn và văn phòng dịch vụ ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng triển khai phương án phát hành tăng vốn từ cổ đông hiện hữu trong năm 2021 với quy mô huy động lên tới 3.500 tỷ nhằm bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu cho các hoạt động đầu tư điện gió và khách sạn, đồng thời cải thiện cân đối nguồn vốn và an toàn tài chính của Tổng Công ty.

Gelex dự định mua chi phối Viglacera
Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex, mã GEX) dự kiến sẽ mua thêm cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Vigalacera (mã VCG).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư