Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Gelex vượt 61,5% kế hoạch lợi nhuận, nợ cao gấp rưỡi đầu năm
Thanh Thủy - 01/02/2021 17:36
 
Chưa hợp nhất Viglacera, lợi nhuận của Gelex vẫn vượt 61,5% kế hoạch đề ra. Với kết quả này, công ty đã lấy lại được đà tăng trưởng của lợi nhuận sau 2 năm tăng trưởng âm.
.
Gelex lấy lại tăng trưởng sau hai năm liên tiếp giảm lợi nhuận.

Tăng trưởng lợi nhuận dương nhờ nhu cầu điện tái tạo tăng cao

Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex, mã GEX) ghi nhận con số doanh thu cao kỷ lục trong quý IV/2020 với hơn 5.888 tỷ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết việc điều chỉnh trong chính sách bán hàng và nhu cầu tăng cao trong lĩnh vực điện tái tạo đã giúp mảng kinh doanh thiết bị điện “đắt khách” trong năm nay. Cùng đó, lợi nhuận của các công ty thành viên trong lĩnh vực hạ tầng như CTCP đầu tư nước sạch Sông Đà, CTCP Phú Thạnh Mỹ tăng so với cùng kỳ cũng đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận quý này. Lợi nhuận trước và sau thuế của Gelex đạt 395,2 tỷ đồng và 324,9 tỷ đồng, tăng lần lượt 30,6% và 99,5% so với cùng kỳ.

Cả năm 2020, Gelex thu về 17.949 tỷ đồng doanh thu thuần. Dù tỷ suất lợi nhuận giảm nhẹ từ 17,9% xuống 14,6%, lợi nhuận gộp hợp nhất vẫn tăng nhẹ. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 1.187 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế cả năm tăng trưởng 17,6%. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu xấp xỉ 1.659 đồng, tăng tăng 41,4% so với năm 2019.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2020, công ty từng đưa ra 2 kịch bản kế hoạch tùy vào việc hợp nhất kết quả kinh doanh Viglacera.

Tại kịch bản 1 với giả định Gelex đã sở hữu chi phối Viglacera  đầu quý IV/2020, Gelex dự kiến doanh thu thuần hợp nhất 19.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 975 tỷ đồng.

Với kịch bản 2 chưa hợp nhất, doanh thu thuần hợp nhất 17.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 735 tỷ đồng. Với kết quả trên, dù vẫn chưa đạt mục tiêu mua chi phối cổ phần tại Viglacera, Gelex vẫn cán đích mục tiêu doanh thu và thậm chí đã vượt gần 22% kế hoạch lợi nhuận trong trường hợp có thể hợp nhất.

Chưa nắm quyền chi phối Viglacera, Gelex vẫn còn loạt thương vụ M&A khác

Sau một năm miệt mài mở rộng quy mô, tài sản của Gelex đã chính thức vượt qua mốc 1 tỷ USD vào cuối năm 2020 với tổng giá trị đạt 27.131 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với đầu năm. Ngoài việc tăng đầu tư vào Viglacera, Gelex cũng bỏ khá nhiều vốn để đầu tư mua cổ phần nhiều doanh nghiệp trên sàn và đầu tư vào các dự án.

Riêng trong quý IV, Gelex đã rót thêm 633 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh, nâng giá trị danh mục lên 1.617 tỷ đồng. Trong đó, công ty đang nắm giữ 976 tỷ đồng trái phiếu và 641 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết. Gelex không nêu chi tiết các cổ phiếu niêm yế nhưng theo báo cáo giá trị hợp lý của số cổ phiếu trên tính tại thời điểm 31/12/2020 tăng hơn 11,2%.

Ngoài ra, Gelex đầu tư gần 216 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư KCN Dầu khí Long Sơn trong quý IV/2020, qua đó đang nắm trực tiếp 6,37% vốn và gián tiếp 19,1% vốn qua công ty con Hạ tầng Gelex. Sau đợt thoái vốn tại một loạt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, dù số lượng các công ty liên kết đã giảm còn 4 doanh nghiệp, giá trị đầu tư không giảm mà tăng lên 5.673 tỷ đồng.

Một thương vụ M&A khác cũng vừa được thực hiện vào ngày 31/12/2020, nhưng chưa được phản ánh trong báo cáo tài chính cuối năm 2020. Hạ tầng Gelex đã mua 16,23% vốn CTCP Thủy điện Nậm Mu (mã HJS). Nhiều khả năng, sang những ngày đầu tháng 1/2021, doanh nghiệp này mới chính thức trở thành công ty liên kết mới của doanh nghiệp này.

Dự kiến, trong năm 2021 này, Gelex vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng sở hữu tại Viglacera lên mức chi phối. Hơn 2.250 tỷ đồng đã được công ty chi ra để gom thêm cổ phiếu VGC trong năm 2020 nhưng tỷ lệ sở hữu hiện tại mới là 46,07%. Bên cạnh đầu tư cho các thương vụ M&A, Gelex cũng đã đầu tư gần 700 tỷ đồng vào hai dự án điện gió tại Quảng Trị.

Để tài trợ cho các khoản đầu tư trên, Gelex mạnh tay huy động các nguồn vốn vay trong năm 2020 vừa qua. Nợ phải trả đến cuối năm đã tăng gấp rưỡi lên 18.939 tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng nguồn vốn. Trong đó, riêng các khoản vay từ kênh trái phiếu đã tăng mạnh từ 2.832 tỷ đồng 5.904 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản vay nợ ngân hàng và trái phiếu đến ngày 31/12 xấp xỉ 12.100 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí lãi vay của Gelex năm 2020 tăng gần 21% lên 766 tỷ đồng.

Gelex chính thức nâng sở hữu lên 46,07% vốn tại Viglacera
Ngày 8/10, Gelex đã mua vào thành công hơn 94,6 triệu cổ phiếu Viglacera, nâng tỷ lệ sở hữu từ 24,96% lên thành 46,07% vốn điều lệ tại Viglacera.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư