Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Geleximco tham vọng biến Việt Nam thành “thủ phủ” sản xuất ô tô năng lượng mới
Hồng Hạnh - 04/04/2024 15:35
 
Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Bình, trị giá hơn 800 triệu USD, công suất 200.000 xe mỗi năm, liên doanh Geleximco và Omoda&Jaecoo tham vọng biến Việt Nam trở thành “Thủ phủ” sản xuất ô tô của khu vực.

Đó là chia sẻ của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco tại Lễ ký kết Hợp đồng liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe năng lượng mới thời thượng quốc tế Omoda&Jaecoo (thuộc Tập đoàn Chery, Trung Quốc), sáng 4/4, tại Hà Nội. 

Sáng 4/4, Tập đoàn Geleximco và Omoda&Jaecoo (Trung Quốc) đã ký kết Hợp đồng Hợp tác liên doanh. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Biến Việt Nam trở thành “Thủ phủ” sản xuất ô tô của khu vực

Tại Lễ ký kết, doanh nhân Vũ Văn Tiền cho biết, liên doanh Geleximco và Omoda&Jaecoo sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Khu kinh tế Thái Bình, Việt Nam với công suất 200.000 xe/năm, để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda&Jaecoo.  

“Sản xuất và lắp ráp các loại xe ô tô chạy bằng động cơ điện cũng như sử dụng đốt kèm đang là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có Việt Nam, để đạt được mục tiêu trung hoà các-bon vào năm 2030. Sau Hội nghị COP 26, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng hàng loạt các đề án, kế hoạch và chính sách nhằm khuyến khích phát triển các loại xe chạy động cơ điện và đốt kèm nhiên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Trong đó có cơ chế khuyến khích những dòng xe như liên doanh Geleximco và Omoda&Jaecoo phát triển. Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô chạy bằng điện và động cơ đốt kèm năng lượng sạch tại Việt Nam, liên doanh ko chỉ khai thác thị trường 100 triệu dân trong nước, mà còn có cơ hội khai thác thị trường 5 tỷ người tiêu dùng thuộc các quốc gia trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên”.
- Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương

Việc xây dựng nhà máy sẽ được thực hiện theo ba giai đoạn, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 800 triệu USD. Cụ thể, giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành vào quý I/2026 có vốn đầu tư dự kiến 220 triệu USD, sản xuất 50 nghìn ô-tô/năm; giai đoạn 2 vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, sản xuất 100 nghìn ô-tô/năm và giai đoạn 3 vốn đầu tư ước khoảng 380 triệu USD.

Trong những năm gần đây, công nghệ về xe năng lượng mới của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao trên toàn cầu, thương hiệu Omoda&Jaecoo cũng đã có những bước đột phá trong lĩnh vực xe năng lượng mới của thế giới, không ngừng ra mắt các sản phẩm và công nghệ mới. Tính đến năm 2024, khối lượng bán hàng tích lũy toàn cầu của thương hiệu Omoda&Jaecoo đã vượt quá 160.000 chiếc, thu hút sự đón nhận và ưa chuộng của giới trẻ ở gần 20 quốc gia và khu vực. Xe năng lượng mới của mẫu xe thuần điện đầu tiên mang tên Omoda E5, đã được lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha công nhận, trở thành "thế lực mới" trên thị trường ô tô toàn cầu. 

Không phải ngẫu nhiên Tập đoàn Chery lựa chọn hợp tác với Geleximco. Bởi Geleximco không phải “tân binh” mà là “anh cả” trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco khẳng định, trước Tập đoàn Chery, Tập đoàn Geleximco đã hợp tác thành công với nhiều tập đoàn của Trung Quốc, như đầu tư xây dựng nhà máy giấy An Hòa lớn nhất Việt Nam tại Tuyên Quang, hay nhà máy điện Thăng Long tại Quảng Ninh công suất 620 MW, đã có gần 10 năm hoạt động rất hiệu quả. 

Chưa hết, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, từ năm 1996, Geleximco đã hợp tác, liên doanh với các đối tác Nhật Bản, Thái Lan thành lập Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam (VAP), tại Hưng Yên với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp.

“Trong khi dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt, lãnh đạo hai tập đoàn vẫn tìm mọi con đường để gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn và xây dựng định hướng cho liên doanh. Sau hơn 2 năm đàm phán, hôm nay, hai Tập đoàn chính thức ký kết Hợp đồng Hợp tác liên doanh, đồng nghĩa chúng tôi đã “kết hôn” với nhau thành một nhà. Hai bên sẽ cố gắng hợp tác hiệu quả và tạo dựng một gia đình hạnh phúc. Liên doanh mong muốn biến Việt Nam trở thành “Thủ phủ” sản xuất ô tô của khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á nói chung”, doanh nhân Vũ Văn Tiền bộc bạch.

Doanh nhân Vũ Văn Tiền chia sẻ về hai mẫu xe đầu tiên được ra mắt tại Việt Nam là xe ô tô thuần điện thông minh crossover Suv Omoda E5 và xe việt dã công nghệ Jaecoo 7 Phev. (Ảnh: Hồng Hạnh)

Đứng trên vai “người khổng lồ” để thay đổi một vùng quê

“Sự kiện Lễ ký kết Hợp đồng liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và Omoda&Jaecoo sẽ là cơ hội tốt để tạo ra con đường thịnh vượng và tiến bộ cho ngành công nghiệp ô tô hai nước. Đồng thời, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị Trung – Việt lên một tầm cao mới”.
- Ông Ô Quốc Quyền, Tham tán Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam

Dự án đầu tiên liên doanh giữa hai Tập đoàn Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất ô tô của liên doanh Geleximco và Omoda&Jaecoo không chỉ là hợp tác đơn thuần mà còn thể hiện sự tin tưởng, tôn trọng giữa hai tập đoàn. Và cũng là minh chứng cho sự hợp tác ngày càng bền chặt và hiệu quả giữa doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco tin tưởng, dự án nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Bình sẽ giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ của ngành công nghiệp ô tô, một ngành công nghiệp thay đổi không ngừng và nhanhchóng. Từ đó, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển chất lượng cao của ngành sản xuất ô tô trong nước, giúp ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đạt được những bước nhảy vọt.

“Liên doanh quyết sản xuất các sản phẩm ô tô chất lượng cao với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất không chỉ phục vụ người Việt Nam mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Điều này được minh chứng bằng thực tế Tập đoàn Chery đã sản xuất và xuất khẩu thành công hàng triệu chiếc ô tô ra thế giới”, doanh nhân Vũ Văn Tiền nói. 

Với việc sản xuất, lắp ráp hai mẫu xe gồm: ô tô thuần điện thông minh crossover Suv Omoda E5 và ô tô việt dã công nghệ Jaecoo 7 Phev, doanh nhân Vũ Văn Tiền khẳng định: “Làm thế nào để không làm ảnh hưởng đến môi trường, nhất là vùng trồng lúa, vùng nuôi trồng thuỷ hải sản là vấn đề chúng tôi đặt lên hàng đầu”. 

Việc đưa hai mẫu xe Suv Omoda E5 và Jaecoo 7 Phev đến người tiêu dùng Việt Nam thời điểm này cũng được đánh giá là phù hợp, bởi sử dụng cả năng lượng điện và xăng. “Hạ tầng của Việt Nam đang phát triển, chưa đáp ứng được việc dùng xe thuần điện nên chúng tôi phát triển ô tô sử dụng cả xăng và điện. Nếu sử dụng ở Hà Nội hay TP. HCM, người dùng sạc một đêm có thể đi 2 - 3 ngày. Nếu có nhu cầu đi đường dài thì có thể chuyển sang chế độ dùng xăng. Vài năm nữa, khi hệ thống hạ tầng công nghệ, trạm sạc phát triển tốt, chúng tôi sẽ sản xuất xe thuần điện”, doanh nhân Vũ Văn Tiền cho hay.

“Việc liên doanh đầu tư xây dựng Dự án nhà máy sản xuất ô tô sẽ là “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, thu hút nhân lực trình độ cao đến làm việc tại Khu kinh tế Thái Bình. Đồng thời, góp phần mang lại hiệu quả phát triển kinh tế cho tỉnh Thái Bình nói riêng và Việt Nam nói chung”
- Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình

Một trong những điều khiến doanh nhân Vũ Văn Tiền đặt nhiều tâm huyết vào dự án nhà máy sản xuất ô tô tại quê hương Thái Bình của ông là bởi, dự án sẽ tạo ra hơn 10.000 việc làm, không chỉ lao động giản đơn mà cả lao động có trình độ cao sử dụng được công nghệ hiện đại. 

Như ông chia sẻ: “Tôi mong muốn thay đổi một vùng quê, thay đổi một hệ tư tưởng, thay đổi cách suy nghĩ của con người Thái Bình nói riêng và người Việt Nam nói chung khi sử dụng công nghệ ô tô. Hơn thế, khi đứng trên vai “người khổng lồ”- Tập đoàn Cherry với trung tâm nghiên cứu có hàng chục ngàn nhân sự trẻ, trung bình 28 tuổi có trình độ cao, liên doanh sẽ góp phần đào tạo, thu hút nhân tài vào lĩnh vực công nghệ ô tô để cống hiến, phục vụ, để sáng tạo và đổi mới”.

Về tương lai hợp tác của liên doanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco cho hay, dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại tỉnh Thái Bình dự kiến có tổng vốn đầu tư là hơn 800 triệu USD (tương đương khoảng 19.000 tỷ đồng), nhưng nếu hoạt động hiệu quả và nghiên cứu ra nhiều mẫu xe ô tô khác phù hợp nhu cầu thì tổng mức đầu tư sẽ không dừng lại ở con số này. 

Tập đoàn Geleximco được thành lập vào năm 1993, là một trong 10 tập đoàn tư nhân hàng đầu, có uy tín tại Việt Nam, tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2023 là 3,6 tỷ USD, lĩnh vực hoạt động tập trung vào các ngành trọng điểm bao gồm: Sản xuất công nghiệp; Hạ tầng - Bất động sản; tài chính - Ngân hàng; Thương mại - Dịch vụ.
Tập đoàn Geleximco tích cực nắm bắt xu hướng Công nghiệp 4.0, tập trung phát triển sản xuất công nghiệp công nghệ cao, đầu tư hạ tầng giao thông, đường cao tốc, cảng biển, logistics, xuất nhập khẩu. Điều này cũng thể hiện sự đồng thuận cao của hai bên về chiến lược phát triển bền vững.
Sau 31 năm không ngừng phát triển, Geleximco đã trở thành tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh bậc nhất Việt Nam, một “sếu đầu đàn” trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu hàng năm trên 20.000 tỷ đồng; tổng tài sản 80.000 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động.
Tập đoàn Geleximco ký kết hợp đồng nguyên tắc đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô
Ngày 2/11 tại Thái Bình, Tập đoàn Geleximco và Công ty TNHH Ô tô Omoda & Jaecoo đã chính thức ký kết hợp đồng nguyên tắc để hợp tác xây dựng nhà máy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư