Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Giá bông "nhảy múa", chi nhập khẩu vọt lên mức 1,55 tỷ USD
Thế Hải - 30/07/2018 14:14
 
Giá bông nhập khẩu trong nửa đầu năm 2018 từ các thị trường cung cấp chính cho Việt Nam vào điệp khúc "nhảy múa" liên hồi, gây khó cho các doanh nghiệp sợi, đã đẩy mức chi nhập khẩu bông vọt lên 1,55 tỷ USD, tăng gần 26% (tương đương 315 triệu USD) so với cùng kỳ 2017.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phụ thuộc gần như 100% nguồn cung bông nguyên liệu từ nhập khẩu, bởi vậy, cùng với kim ngạch xuất khẩu dệt may gia tăng, cũng kéo theo mức chi ngoại tệ nhập bông tăng mạnh, ở mức 1,548 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm 2017, tương đương  với 315 triệu USD.

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), thị trường bông thế giới đầu năm 2018 đã chứng kiến sự biến động đáng kể của giá bông Trong 3 tháng đầu năm 2018, giá bông tăng cao nhất 85,41 cent/lb (vào 5/3) và thấp nhất 75,41cent/lb (vào 15/2).

Cho đến tháng 4, giá bông đột ngột giảm sâu ở mức 79,64 cent.lb và tăng dần đều qua các tháng, lập đỉnh ngày 12/6 ở mức 95,21 cent/lb. Nửa cuối tháng 6, giá bông lao dốc mạnh khi thông báo về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc lại phát ra. Giá bông kỳ hạn gần mất 12 cent/lb chỉ trong vòng 1 tuần.      

Tuy nhiên, sự lao dốc của giá bông được nhận định chỉ là tạm thời khi mà Cơ quan kinh tế hàng đầu Trung Quốc NDRC vừa ra thông báo về một hạn ngạch nhập khẩu bổ sung 800.000 tấn bông sẽ được ban hành theo hệ thống thuế “trượt thang”.

Động thái này cùng với nhu cầu bông tăng cao tại các nước khác như Bangladesh hay Việt Nam chắc chắn sẽ hỗ trợ cho giá bông trong mùa vụ tới.

Tại cuộc họp báo về tình hình sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 và kế hoạch 6 tháng cuối năm. Giám đốc Điều hành Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), ông Cao Hữu Hiếu cho biết, chưa bao giờ giá bông nhập khẩu lại rơi vào cảnh bấp bênh như nửa đầu năm 2018, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Giá bông lên chưa chắc sợi đã lên theo, trong khi thời gian nhập khẩu bông rất dài, thông thường 3-5 tháng mới về đến Việt Nam, mà giá sợi ta chốt từng tuần, nên chênh lệch giữa giá bông lên và giá sợi xuất khẩu, làm cho các doanh nghiệp sợi không khỏi bị ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận”, theo ông Hiếu.

Nhập khẩu bông nguyên liệu đã chứng kiến mức tăng mạnh chưa từng thấy, kể từ năm 2016 đến nay. Nếu như, nửa đầu năm 2016, chi nhập khẩu bông dừng ở 796,9 triệu USD thì đến nửa đầu năm 2017 đã là 1,233 tỷ USD và vọt lên 1,548 tỷ USD nửa đầu năm nay.

Theo VITAS, nhu cầu bông nhập khẩu vào Việt Nam dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh do nhiều yếu tố, đặc biệt do đơn hàng xuất khẩu sợi đã được nhiều doanh nghiệp ký kết cho cả năm 2018, các thị trường xuất khẩu lớn của ngành sợi là Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc... Ngoài ra, lĩnh vực dệt may của Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng nên xu hướng tăng nhập khẩu bông sẽ còn tiếp diễn trong ngắn và trung hạn.

Việt Nam thu 3,59 tỷ USD từ xuất khẩu sợi nhưng phải chi 2,36 tỷ USD để nhập khẩu bông
Chưa năm nào lượng ngoại tệ chi ra để nhập khẩu bông nguyên liệu về phục vụ nhu cầu kéo sợi của các doanh nghiệp trong nước tăng kỷ lục như...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư