Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 10 tháng 09 năm 2024,
Giá cả hàng hoá trên toàn cầu "tăng phi mã" do đại dịch Covid-19
T.T - 14/02/2022 20:39
 
Các chỉ số lạm phát tăng cao ở nhiều nước, trong đó có cả những nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu, khiến các nhà lãnh đạo đau đầu với sự phục hồi không đều của nền kinh tế.
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Mississauga, Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Mississauga, Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Tại các nước châu Âu, giá cả tăng nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi đồng tiền chung euro được đưa vào sử dụng vào đầu năm 1999. Tỷ lệ lạm phát năm 2021 ở Vương quốc Anh đã lên tới 5,4% trong tháng 12, con số cao nhất trong gần 30 năm qua trong khi giá tiêu dùng của Canada đang tăng nhanh gấp đôi so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.

Ngay ở Nhật Bản, nơi giá cả đã giảm gần như liên tục kể từ khi bong bóng bất động sản sụp đổ vào cuối những năm 1980, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đánh giá đợt lạm phát năm 2021 vẫn là đợt  tăng mạnh nhất. Trong số các nền kinh tế lớn hiện nay, chỉ có Trung Quốc ghi nhận tỉ lệ lạm phát thấp hơn so với đầu năm 2020.

Riêng tại Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc biện pháp giải quyết tỉ lệ lạm phát 7% - mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới. Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận hoạch định chính sách của Fed, dự kiến sẽ tăng lãi suất bắt đầu vào tháng 3 tới. Lạm phát đang xóa sổ việc tăng lương đối với hầu hết người Mỹ.

Một số nhà kinh tế Mỹ cho rằng người dân nước này đang chứng kiến lạm phát tăng nhanh hơn những nơi khác do cấu trúc của nền kinh tế và bản chất của cuộc giải cứu tài chính được Chính phủ Mỹ triển khai để chống lại đại dịch Covid-19. Vào tháng 3/2020, khi Mỹ áp đặt lệnh phong tỏa đầu tiên đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào tình trạng đình trệ, Quốc hội nước này đã phê duyệt tổng cộng gần 6.000 tỷ USD để giữ cho người Mỹ có thể đảm bảo chi tiêu tài chính.  

Trong thời kỳ làm việc tại nhà, hàng triệu người Mỹ đã chuyển chi tiêu của họ từ nhà hàng và rạp chiếu phim sang mua hàng hóa. Việc mua tất cả quần áo, máy tính xách tay và đồ nội thất và ô tô đã làm tăng giá hàng hóa một cách bền vững, trong khi các nhà cung cấp phải vật lộn để theo kịp nhu cầu. Trong năm 2021, giá hàng hóa tại Mỹ đã tăng 16,8%, gấp hơn 4 lần mức tăng của các dịch vụ, chẳng hạn như ăn uống tại nhà hàng, cắt tóc hoặc chăm sóc y tế.

Trong khi đó, tình trạng lạm phát ở một số nước khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi lại khác so với Mỹ. Tại khu vực này, chi phí nhiên liệu tăng đồng nghĩa với việc phân bón đắt hơn, dẫn đến giá lương thực cao hơn trong năm 2021. Thực phẩm chiếm 40% chi cho tiêu dùng trong khi tỉ lệ lạm phát đã tăng vọt từ 6% lên 9%.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu rối ren, các cảng ở Rotterdam và Thượng Hải cũng như ở Los Angeles đang bị ngưng trệ và làm tăng chi phí các loại hàng hóa bao gồm cả lương thực và năng lượng, giá dầu trên thế giới trong năm 2021 đã tăng hơn 55%;  Niken - được sử dụng trong các nhà máy ô tô và hàng không, tăng 27% trong khi giá cà phê đã tăng gần như gấp đôi.  

Trong tình cảnh trên, một số ngân hàng trung ương, bao gồm cả các ngân hàng ở Mexico và Hungary, đã liên tục  tăng lãi suất trong 2 năm dịch Covid-19 hoành hành. Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt lần thứ 7 trong năm 2021. Tại Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, ngân hàng trung ương đã cắt giảm lãi suất cho vay.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, những vấn đề quốc tế ảnh hưởng đến lạm phát chỉ là tạm thời, sự gián đoạn chuỗi cung ứng cuối cùng sẽ được giải quyết và bệnh Covid-19 được cho là sẽ trở thành căn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, sau tất cả những khủng hoảng về kinh tế do tác động từ đại dịch Covid- 19,  sẽ không có bất kỳ sự đảm bảo nào là chắc chắn.

Người Mỹ nặng nỗi lo lạm phát
Giá cả tiếp tục tăng và người Mỹ ngày càng lo các chính sách kinh tế của Washington sẽ không phát huy nhiều tác dụng đối với họ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư