Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Giá dầu xuống mức thấp nhất 3 tháng qua
Đông Phong - 08/11/2023 16:23
 
Thị trường dầu mỏ gặp khó khăn trong ngày giao dịch 8/11 sau khi giá dầu giảm xuống mức thấp nhất hơn ba tháng tại phiên trước đó, do lo ngại nhu cầu suy giảm ở Mỹ và Trung Quốc.
Các bồn chứa tại nhà máy lọc dầu Los Angeles của tập đoàn Marathon Petroleum, bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters
Các bồn chứa tại nhà máy lọc dầu Los Angeles của tập đoàn Marathon Petroleum, bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn hôm nay đã tăng 15 cent lên 81,76 USD/thùng vào lúc 06:36 (giờ GMT), trong khi giá dầu WTI Mỹ giao kỳ hạn giảm 2 cent xuống 77,35 USD/thùng. Cả dầu Brent và WTI Mỹ đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/7 trong ngày giao dịch 7/11.

Đánh giá về nguồn cung dầu mỏ, ông Warren Patterson và bà Ewa Manthey, hai nhà phân tích từ ngân hàng Hà Lan ING, cho rằng: "Thị trường dầu mỏ rõ ràng ít lo ngại hơn về khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông và thay vào đó tập trung vào việc nới lỏng cán cân".

Tuần trước, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng gần 12 triệu thùng, theo các số liệu của Viện Dầu khí Mỹ.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ hoãn việc công bố dữ liệu tồn kho hàng tuần cho đến tuần tới. Cơ quan này hôm 7/11 cho biết rằng sản lượng dầu thô của Mỹ trong năm nay sẽ tăng ít hơn một chút so với dự kiến, trong khi nhu cầu sẽ giảm.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ hiện dự đoán tổng mức tiêu thụ xăng dầu trong nước sẽ giảm 300.000 thùng/ngày trong năm nay, ngược chiều với dự báo trước đó về mức tăng 100.000 thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Venezuela được ước tính sẽ tăng chưa đầy 200.000 thùng/ngày lên mức trung bình 900.000 thùng/ngày vào cuối năm 2024 nhờ sự nới lỏng trừng phạt của Mỹ.

Làm dịu thêm những lo ngại về nguồn cung thắt chặt, các nhà phân tích từ Goldman Sachs ước tính xuất khẩu ròng dầu bằng đường biển của sáu thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), vốn đã công bố cắt giảm sản lượng tích lũy 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4/2023, vẫn chỉ ở mức 0,6 triệu thùng/ngày dưới mức tháng 4.

Dữ liệu tại Trung Quốc đã làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng nhu cầu dầu mỏ. Đơn cử, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này lại giảm nhanh hơn dự kiến. Điều này làm gia tăng lo ngại về nhu cầu dầu mỏ toàn cầu suy yếu.

Giá dầu thế giới hứng chịu thêm áp lực do sự phục hồi khiêm tốn gần đây của đồng đô la Mỹ khiến dầu thô trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Về mặt tích cực, nhóm các nước thành viên OPEC kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng và thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu, bất chấp những thách thức kinh tế, bao gồm lạm phát và lãi suất cao.

Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu nhiều dầu thô nhất thế giới - sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm trong năm 2023, theo nhận định của Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2023.

Trong một bài phát biểu đăng trên website của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Thống đốc Pan Gongsheng cho rằng đà tăng trưởng gần đây đã được cải thiện với sản xuất và tiêu dùng phục hồi ổn định, việc làm và giá tiêu dùng nhìn chung vẫn ổn định.

"Nền kinh tế cần tốc độ tăng trưởng hợp lý, nhưng quan trọng hơn là chúng ta cần đạt được sự phát triển bền vững và chất lượng cao", Thống đốc Pan Gongsheng cho biết.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ duy trì tăng trưởng tín dụng hợp lý, duy trì thanh khoản dồi dào hợp lý và "kích hoạt các nguồn tài chính chưa được sử dụng hiệu quả và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn", ông Pan Gongsheng cho biết.

Dầu thô nhích giá sau khi Saudi Arabia và Nga tiếp tục giảm sản lượng
Dầu thô tăng giá trong ngày giao dịch 6/11 sau khi hai cường quốc dầu mỏ Saudi Arabia và Nga tuyên bố tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư