Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 15 tháng 10 năm 2024,
Giá phân bón tăng cao, Đạm Cà Mau lãi 411 tỷ đồng trong nửa đầu năm
Thu Phương - 13/07/2021 16:28
 
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, ghi nhận lãi trước thuế đạt 411 tỷ đồng, vượt 95% chỉ tiêu của cả năm.
.
Tính đến quý II/2021, Đạm Cà Mau đã thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu năm và vượt 95% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Nhu cầu tiêu thụ cùng giá bán phân bón liên tục tăng tốt đưa bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp trở nên sáng hơn. Theo đó, 6 tháng đầu năm DCM ước doanh thu 4.339 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 411 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, Đạm Cà Mau đã thực hiện được 55% kế hoạch doanh thu năm và vượt 95% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Trong nửa đầu năm, tổng lượng sản xuất của Đạm Cà Mau đạt 456.000 tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ đạt 421.000 tấn, lần lượt bằng 53% và 37% chỉ tiêu sản lượng năm.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư trực tuyến mới đây, Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh đánh giá, 6 tháng đầu năm 2021 được xem là giai đoạn “chưa từng có tiền lệ” trong vòng 10 năm qua khi giá các sản phẩm phân bón nói chung và ure nói riêng có sự tăng đột biến, khó kiểm soát. 

Lý giải về hiện tượng giá phân bón trong nước tăng cao, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tại buổi họp báo thường kỳ tháng 6 khẳng định giá phân bón trong nước có sự liên thông với thế giới. Khi giá nguyên nhiêu liệu sản xuất thế giới tăng, thậm chí có mặt hàng tăng bằng lần như axit sunphuaric - nguyên liệu chính sản xuất DAP và các loại phân bón có chứa lưu huỳnh, đạm, thì giá phân bón trong nước cũng tăng theo. 

Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục Trưởng Cục Hóa chất cũng cho biết, thời điểm hiện nay, Trung Quốc cũng đang dự kiến đánh thuế xuất khẩu phân bón khá cao ở mức 30% từ ngày 1/7 nhằm siết chặt hơn việc xuất khẩu ra nước ngoài vào thời điểm nhu cầu trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, nguồn cung ure từ Đông Nam Á có sản lượng rất thấp do đang trong thời kỳ bảo trì, bảo dưỡng máy móc đã đẩy giá ure trên thị trường thế giới lên mức rất cao. Điều này cũng tạo áp lực nên giá phân ure trong nước.

Do đó, nửa đầu năm qua, việc vận hành nhà máy của DCM có bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi nguồn cấp khí nguyên liệu. Tuy nhiên, Công ty đã sớm khắc phục và đảm bảo sản lượng sản xuất theo kế hoạch. Công suất vận hành nhà máy trong quý 2 đạt trên 110% đủ để bù đắp sản lượng hụt trong quý 1 và đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong nước.  

Trong thời gian tới, Ban lãnh đạo lên kế hoạch thay đổi mô hình kinh doanh để mở rộng thị trường. Cụ thể sẽ chuyển động theo xu hướng sử dụng NPK chất lượng cao kết hợp phân hữu cơ vi sinh song song cung ứng giải pháp nông nghiệp công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2025, mức độ nhận biết thương hiệu Đạm Cà Mau của khách hàng tại Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Campuchia đạt ít nhất 65%.

DCM cũng sẽ đa dạng hóa các nhóm sản phẩm phân urê, NPK, phân vi sinh, hữu cơ, kinh doanh phân bón khác, thực hiện các dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ bảo trì, vận hành. Cùng với đó, Công ty đặt kế hoạch tiếp cận nhanh với xu hướng công nghệ, từng bước giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu khí đầu vào cho sản xuất...

Đến năm 2025, tổng doanh thu dự kiến đạt 15.000 tỷ đồng, sản lượng urê đơn vị đạt 115% so với sản lượng thiết kế cũng như tìm kiếm được nguyên liệu đầu vào thay thế thay thế các nguồn khí hiện có. Ngoài ra, DCM đã có lộ trình giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Tập đoàn Dầu khí (PVN) từ 75,56% xuống 51% vốn.

Đạm Cà Mau chốt ngày chia cổ tức, PVN nhận về 240 tỷ đồng tiền mặt
Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Càu Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM, sàn HoSE) dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền trong tháng 11 tới.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư