Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Giá thuốc sẽ được quản lý ra sao năm 2023?
D.Ngân - 28/02/2023 15:32
 
Theo Bộ trưởng Y tế, năm 2023 Bộ Y tế sẽ triển khai một số nội dung sau để quản lý giá thuốc trên cơ sở tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp.

Về giá thuốc theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thông qua đấu thầu, đấu thầu tập trung và đàm phán giá thuốc giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho quỹ bảo hiểm y tế (theo báo cáo của Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, thông qua đấu thầu tập trung cấp quốc gia năm 2022).

Ảnh minh họa.

Tổng giá trị thuốc trúng thầu giảm 17,98% (giảm 1.419 tỷ) so với giá kế hoạch), giúp cho giá thuốc tại các cơ sở y tế được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất tại từng địa phương, một số mặt hàng giá thuốc được thống nhất trên toàn quốc. 

Giá thuốc biệt dược gốc tại Việt Nam thuộc vào hàng thấp nhất ASEAN ở hầu hết các nhóm thuốc điều trị chính.

Cụ thể, nhóm thuốc tim mạch: thấp hơn Malaysia 12%; thấp hơn Thái Lan 146%; thấp hơn Indonesia 90%, thấp hơn Philippines 52%; Nhóm thuốc điều trị ung thư: bằng Malaysia; thấp hơn Thái Lan 76%; thấp hơn Indonesia 51%, thấp hơn Philippines 50%). 

Tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y  tế tại Việt Nam là 11%, thấp hơn Malaysia (36%), Thái Lan (21%), Philippines (21%).

Mặt khác, thông qua việc triển khai các quy định ưu đãi trong mua thuốc tại Luật Đấu thầu, Thông tư số 03/2019/TT-BYT ngày 28/3/2019 giúp cho tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước tại các cơ sở y tế đã tăng lên hơn theo từng năm và tỷ lệ này cao hơn tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Cụ thể, tỷ lệ (%) trị giá thuốc sản xuất trong nước/tổng trị giá thuốc trúng thầu năm 2019 là 26,29; năm 2020 là 27,16; năm 2021 là 31,97. 

Qua hoạt động rà soát sơ bộ giá thuốc kê khai trước khi công bố (thực hiện theo quy trình tiếp nhận, rà soát và công bố giá thuốc kê khai, kê khai lại trên Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, qua đó giá thuốc kê khai được kiểm soát, không có hiện tượng tăng giá đột biến).

Giá thuốc kê khai, giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở y tế được công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược giúp cho các đơn vị tham khảo trong quá trình xây dựng giá kế hoạch tại các kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Cụ thể, tổng số lượng mặt hàng thuốc có giá kê khai được công bố đến hết năm 2022 là: 65.452 thuốc (tăng 1.446 thuốc so với năm 2021, tăng 3.359 thuốc so với năm 2020 và tăng 5.980 thuốc so với năm 2019) và số lượng mặt hàng thuốc có giá trúng thầu được công bố qua các năm như sau: Năm 2020: 93.733; năm 2021: 85.486 và năm 2022:81.063.

Về các biện pháp quản lý giá thuốc, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, trên cơ sở tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo cơ chế thị trường, theo quy định của pháp luật và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước, Bộ Y tế sẽ triển khai một số nội dung sau để quản lý giá thuốc.

Cụ thể, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý giá thuốc để khắc phục khó khăn, bất cập và để phù hợp với tình hình thực tế. 

Đề xuất Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội sửa đổi quy định tại Luật Dược năm 2016 theo hướng tập trung quản lý giá thuốc (kê khai, kê khai lại giá) đối với các thuốc biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu, các nhóm thuốc, danh mục thuốc có ít cạnh tranh, có nguy cơ độc quyền hoặc có trị giá cao.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý giá thuốc quy định tại Luật Dược năm 2016 (Điều 107): Kê khai giá thuốc; đấu thầu thuốc; niêm yết, công bố công khai thông tin giá thuốc.

Về công tác y tế nói chung, Bộ trưởng Y tế nói rằng Việt Nam của chúng ta hiện nay đứng trước không ít khó khăn do tình hình dịch Covid-19 vẫn có những diễn biến phức tạp. 

Trên thế giới, các quốc gia đều nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn và vẫn có thể xuất hiện các chủng vi rút mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. 

Cùng với dịch Covid-19, sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân.

Hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ. Đặc biệt là mua sắm, đấu thầu chưa thể chế được hết các quan điểm, đường lối, chính sách tại Nghị quyết 20/NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế.

Dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường, khó dự đoán, một số bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng có số mắc tăng. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng, nhóm dân tộc còn chưa bảo đảm. 

Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. 

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn chưa bảo đảm yêu cầu, một số dự án kéo dài, chưa được giải quyết triệt để. Công nghiệp dược, trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế, còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế cục bộ tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc.

Việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chưa bảo đảm được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra, nhất là ứng dụng trong triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu.

Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, cũng như tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có kinh nghiệm, trình độ, tại các cơ sở y tế khu vực công lập do gia tăng áp lực công việc, mức độ nguy hiểm, rủi ro nghề nghiệp; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với thời gian đào tạo và đặc thù nghề nghiệp…

Thời gian tới theo người đứng đầu ngành Y tế, ngành sẽ tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh, không để dịch chồng dịch. 

Triển khai hiệu quả các hoạt động về an toàn sinh học và xét nghiệm, nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm bệnh truyền nhiễm. Tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, quản lý các bệnh không lây nhiễm; quản lý môi trường y tế, nâng cao sức khỏe người dân.

Cùng với đó, tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án xây dựng phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. 

Đẩy mạnh quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người lao động. Tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. 

Thực hiện có hiệu quả Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các quy định nhằm tạo môi trường pháp lý triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế theo hướng hội nhập quốc tế; Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ y tế, dược, y sinh học, ưu tiên các lĩnh vực có thế mạnh; Tiếp tục triển khai các chương trình tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tuyến y tế cơ sở.

Thúc đẩy triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số y tế trên phạm vi cả nước, kế hoạch dịch vụ công trực tuyến, kết nối chia sẻ với Cổng dịch vụ công quốc gia, hệ thống liên quan. 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin y tế theo hướng kết nối thông tin báo cáo từ trung ương đến địa phương trực tuyến để đáp ứng kịp thời các thông tin trong quản lý điều hành. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, truyền thông để toàn xã hội đồng thuận, tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trong năm 2023, ngành y tế cũng tập trung các giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. 

Tin mới về y tế ngày 28/2: Cảnh báo lô thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; Hà Nội triển khai kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS
Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế vừa có thông báo số 1729/QLD-CL gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc phát hiện một số...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư