Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Giá tốt chưa đủ phủ sóng cho ô tô điện
Thanh Hương - 14/09/2021 09:58
 
Mong muốn phát triển nhanh ô tô điện tại Việt Nam để đi cùng xu hướng phải đối mặt với những trở ngại trong việc thiếu vắng các quy định pháp lý, hạ tầng phục vụ lẫn nguồn cung điện.
Mong muốn phát triển nhanh ô tô điện tại Việt Nam để đi cùng xu hướng của thế giới đang phải đối mặt với những trở ngại trong việc thiếu vắng các quy định pháp lý, hạ tầng phục vụ lẫn nguồn cung điện.
Việc phát triển ô tô điện gặp khó khăn cả về cơ chế chính sách lẫn hạ tầng. Trong ảnh: Xe ô tô điện VF e34  của VinFast

Giảm thuế để giá xe hấp dẫn

Cấp cho người chuyển từ xe xăng sang xe điện một khoản 30 triệu đồng, đưa ra chính sách cho thuê pin và trả dần… là những chính sách đang được Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast đưa ra để thu hút người tiêu dùng mua ô tô điện của mình.

VinFast đã đưa ra chính sách thuê pin nhằm giúp khách hàng có lợi hơn nữa nếu lựa chọn thương hiệu này. Theo đó, ô tô điện VinFast VF e34 có mức giá 690 triệu đồng không kèm pin, thậm chí mức giá sẽ chỉ còn 590 triệu đồng cho khách hàng đặt mua sớm trước ngày 30/6/2021, kèm theo mức ưu đãi 1 năm miễn phí thuê pin.

Nếu tính theo mức giá đi kèm cả bộ pin thì chi phí cho một chiếc ô tô điện sẽ rơi vào khoảng 900 triệu đồng. Trong khi đó, với chính sách thuê pin của VinFast, khách hàng chỉ cần trả 1.450.000 đồng/tháng để sử dụng pin kèm xe - một con số cực kỳ tiết kiệm.

Với khoản chi phí mua xe ban đầu được tối ưu đáng kể, VinFast đang kỳ vọng tạo ra cơ hội cho những người mong muốn sở hữu một chiếc ô tô với nhiều tính năng thông minh, vượt trội.

Theo bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast, chính sách cho khách hàng thuê pin sẽ được trả dần, đồng nghĩa với việc VinFast đang nhận rủi ro về phía mình. Song điều này làm cho giá xe điện thấp hơn.

Bà Dương cũng cho rằng, càng nhiều chính sách miễn giảm thì càng tạo thêm động lực cho người tiêu dùng ra quyết định sử dụng xe khi mà giá xe điện hiện còn khá cao.

“Điều đầu tiên cần phải làm ngay là các chính sách giảm thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế trước bạ… Tại nhiều nước trên thế giới, Chính phủ còn cho tiền để người dân tự lắp đặt trạm sạc tại nhà. Người dân còn được cho tiền để chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện”, bà Dương nói.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho xe ô tô điện với mục tiêu khuyến khích phát triển các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương cho hay, việc xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để khuyến khích sản xuất và kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện, góp phần bảo vệ môi trường là cần thiết và phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

“Việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ áp dụng trong thời gian 5 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là có thể xem xét”, ông Đỗ Thắng Hải nêu quan điểm.

Hạ tầng chưa đồng bộ

Để phục vụ cho các dòng xe điện VF e34, e35 và e36 ra mắt trong thời gian tới, VinFast đang nỗ lực phát triển hệ thống trạm sạc, xưởng dịch vụ.

Theo kế hoạch, trong năm 2021, VinFast quy hoạch 2.121 vị trí trạm sạc trên 63 tỉnh, thành phố với trên 2.000 trạm sạc và đi kèm theo là gần 40.000 cổng sạc. Các trạm sạc VinFast sẽ có mặt ở các chung cư, cây xăng, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, trường học… cho khách hàng yên tâm di chuyển trên các cung đường.

Theo bà Dương, thiết bị sạc VinFast đặt tại các vị trí đỗ xe công cộng có thể đỗ hoặc gửi xe trong thời gian dài, công suất 11 kWh (sạc thường AC 11 kW, sạc nhanh DC 30 kW và sạc nhanh DC 60 kW). Đặc biệt VinFast cũng xây dựng các trạm sạc siêu nhanh, công suất sạc lên tới 250 kW. Các trạm sạc này cho phép đi được 180 km sau 15 phút sạc, rất thuận tiện.

Đến tháng 6/2021, VinFast đã có gần 700 đối tác trên 60/63 tỉnh, thành phố. Đã lắp đặt được 455 trạm với gần 11.000 cổng sạc. Ngoài các trạm sạc công cộng, VinFast sẽ cung cấp bộ thiết bị chuyển đổi điện để phục vụ sạc tại nhà.

Chia sẻ về cung cấp năng lượng đầu vào cho trạm sạc, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay,  theo phương án của VinFast đưa ra, trong giai đoạn đầu có khoảng 40.000 đầu sạc, công suất mỗi trạm đầu sạc tùy theo quy mô và khả năng sẽ vào khoảng 11 kW đến 250 kW một đầu sạc. Như vậy, với 40.000 đầu sạc, ngay lập tức phải có nguồn điện đáp ứng tại chỗ 440 MW. Nếu đầu sạc lớn hơn, thì sẽ cần khoảng 1.000 MW.

“440 MW thì tương đương với 2 tổ máy của Thủy điện Hòa Bình. Nếu 1.000 MW thì tương đương Nhà máy Thủy điện Lai Châu. Để có lượng công suất này sẽ cần cỡ 5 năm triển khai xây dựng nhà máy điện”, ông Lâm cho biết.

Theo phân tích của các chuyên gia, nếu cứ đơn giản cho rằng, Việt Nam nhiều tiềm năng về gió và mặt trời để sản xuất ra điện sạch thì ắt gặp khó khăn bởi các nguồn điện tái tạo này không phải thời gian nào cũng sẵn có để cắm điện, chưa kể những nơi nhiều điện gió và mặt trời lại là những vùng dân cư hẻo lánh, cần phải đầu tư đường truyền tải mới dẫn được điện về thành phố, là nơi có điều kiện sống cao hơn để có khả năng mua được xe ô tô điện.

VinFast tham vọng phổ cập ô tô điện tại Việt Nam
Ngay từ khi cho ra mắt mẫu ô tô điện đầu tiên mang tên VF e34, VinFast đã cho thấy nỗ lực muốn đưa dòng xe xanh tới gần tầm tay của người tiêu dùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư