Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 07 tháng 08 năm 2024,
Giá vàng có tiếp tục lập kỷ lục mới?
Đông Phong - 07/08/2024 09:11
 
Nếu căng thẳng địa chính trị, kỳ vọng cắt giảm lãi suất, lực mua vào của các ngân hàng trung ương vẫn tiếp diễn, giá vàng được dự báo tiếp tục leo lên mốc mới trong năm nay.
Theo xu hướng tăng chung của thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng sốc trong nửa đầu năm nay	Ảnh: Đ.T
Theo xu hướng tăng chung của thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước tăng sốc trong nửa đầu năm nay Ảnh: Đ.T

Lập kỷ lục mới trên nền động lực cũ

Giá vàng tiếp tục đạt mức cao mới trong tháng 7/2024 do nhiều yếu tố khác nhau, từ rủi ro địa chính trị leo thang và triển vọng lãi suất giảm, đến mối lo ngại về thâm hụt ngân sách của Mỹ và hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương.

Đợt tăng giá vàng vừa qua một phần do thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất tới 3 lần trong năm nay, khi lạm phát dai dẳng bắt đầu “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, các dự báo mới nhất lại chỉ kỳ vọng một đợt cắt giảm lãi suất của Fed trong 4 tháng còn lại của năm nay.

Thông thường, USD yếu hơn và lãi suất của Mỹ thấp hơn sẽ làm tăng sức hấp dẫn của vàng thỏi. Nhưng mối quan hệ này đã tách biệt đáng kể vào đầu năm 2022, nhất là khi mối quan hệ giữa vàng và lợi suất trái phiếu thực của Mỹ đã bị phá vỡ hơn nữa trong năm nay.

Ông Gregory Shearer, Trưởng bộ phận chiến lược kim loại cơ bản và kim loại quý Tập đoàn tài chính JP Morgan (Mỹ) cho biết: “Đã có xu hướng tăng giá vàng về mặt cấu trúc kể từ quý IV/2022 và với giá vàng tăng vọt qua mức 2.400 USD/ounce vào tháng 4/2024, đợt tăng giá diễn ra sớm hơn và mạnh hơn nhiều so với dự kiến. Điều này đặc biệt đáng ngạc nhiên vì nó trùng với việc Fed cắt giảm lãi suất và lợi suất thực của Mỹ tăng cao hơn do dữ liệu về lao động và lạm phát mạnh hơn ở Mỹ”.

Vàng thế giới giao dịch trên sàn Comex cán mốc 2.490 USD/ounce vào tuần trước. Sở dĩ giá vàng tăng thêm vì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm sau khi Fed tuyên bố giữ nguyên lãi suất cơ bản sau cuộc họp chính sách cuối tháng 7/2024, nhưng ám chỉ sẽ hạ lãi suất vào tháng 9.

Bất ổn kinh tế và địa chính trị có xu hướng là động lực tích cực cho thị trường vàng do nhà đầu tư có tâm lý tìm đến tài sản trú ẩn an toàn và lưu trữ giá trị đáng tin cậy. Vàng có mối tương quan thấp với các loại tài sản khác, do đó có thể đóng vai trò như bảo hiểm trong thời kỳ thị trường đi xuống và căng thẳng địa chính trị.

Ngoài các động lực về lãi suất và mối quan ngại về địa chính trị, dữ liệu cho thấy, những người nắm giữ vàng vật chất cũng miễn cưỡng bán ra. “Trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng, lệnh trừng phạt gia tăng và phi đô-la hóa, chúng tôi nhận thấy, nhu cầu mua tài sản thực bao gồm vàng ngày càng tăng”, ông Shearer

cho biết.

Trên thực tế, mối lo ngại về thâm hụt tài chính của Mỹ, sự đa dạng hóa dự trữ của các ngân hàng trung ương bằng vàng, phòng ngừa lạm phát và bối cảnh địa chính trị căng thẳng, đã đưa giá vàng lập kỷ lục mới trong năm nay, bất chấp USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu Mỹ cao hơn.

Theo bà Natasha Kaneva, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa toàn cầu tại JP Morgan, những động lực trên có khả năng sẽ vẫn giữ nguyên, bất kể kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới ra sao. “Tuy nhiên, thị trường vàng sẽ tập trung vào bất kỳ thay đổi chính sách tiềm năng nào có thể làm nổi bật hoặc thay đổi một hoặc nhiều vấn đề đó”, bà Kaneva nói thêm.

Khó quay đầu nếu Fed hạ lãi suất

Trong tất cả các kim loại quý, các nhà phân tích của JP Morgan đặt niềm tin cao nhất vào khả năng tăng giá đối với vàng và bạc trong suốt năm 2024 và kéo dài đến nửa đầu năm 2025. Bất kỳ bước lùi nào của giá vàng trong những tháng tới đều có thể mang đến cho các nhà đầu tư cơ hội đón bắt mức giá cao mới, trước khi Fed bắt đầu thực hiện

chu kỳ cắt giảm lãi suất theo kế hoạch.

Sau cuộc họp chính sách diễn ra trong 2 ngày cuối cùng của tháng 7/2024, Fed đã quyết định giữ lãi suất cơ bản ở mức 5,25 - 5,50% vốn dĩ đã “bất động” suốt một năm qua. Thế nhưng, người đứng đầu cơ quan tiền tệ Mỹ đã “bật đèn xanh” cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay.

“Nếu chúng tôi thấy lạm phát giảm xuống... ít nhiều, phù hợp với kỳ vọng, tăng trưởng vẫn ở mức khá mạnh và thị trường lao động vẫn phù hợp với các điều kiện hiện tại, thì tôi nghĩ rằng, việc cắt giảm lãi suất có thể được thảo luận tại cuộc họp vào tháng 9 (ngày 17 và 18/9)”, ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed cho biết.

Với kịch bản các động lực tăng giá vẫn còn nguyên vẹn, JP Morgan vừa mới nâng dự báo giá vàng cho năm nay và năm sau. Cụ thể, JP Morgan Research dự kiến, giá vàng sẽ tăng lên 2.500 USD/ounce vào cuối năm nay, theo kịch bản Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 11 tới, đẩy giá vàng lên mức cao danh nghĩa mới.

Ông Shearer cho rằng, giá vàng sẽ vẫn cao hơn trong các quý tới với dự báo giá trung bình đạt 2.500 USD/ounce trong quý IV/2024 và 2.600 USD/ounce vào năm 2025, nhưng rủi ro vẫn nghiêng về khả năng vượt mức giá này sớm hơn. Cần lưu ý, dự báo giá vàng này được dựa trên ước tính lạm phát cơ bản của Mỹ giảm xuống còn 3,5% trong năm 2024 và 2,6% vào năm 2025.

Một rủi ro đối với giá vàng trong ngắn hạn mà không thể bỏ qua là khi Fed có quan điểm chính sách “diều hâu” hơn để nhanh chóng đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. “Mặc dù chúng tôi vẫn nghĩ rằng, đó là rủi ro có xác suất xảy ra thấp, nhưng quan điểm của Fed chuyển sang diều hâu hơn sẽ khiến thị trường bắt đầu định giá theo kịch bản lãi suất tăng, có thể kéo giá vàng đi xuống, mặc dù gần đây nó đã tách khỏi lợi suất trái phiếu. Điều này, sau cùng, có thể dẫn đến một đợt tăng giá, thậm chí còn lớn hơn nếu nó đưa nền kinh tế Mỹ đến một cuộc ‘hạ cánh cứng’, nhưng con đường đó có thể sẽ gập ghềnh hơn nhiều so với dự báo của chúng tôi”, ông Shearer lưu ý.

Còn theo Công ty quản lý đầu tư VanEck (Mỹ), giá vàng có tiềm năng giao dịch ở ngưỡng giá cao hơn trong năm nay. Bằng chứng là, trong những năm gần đây, các đợt tăng giá mạnh, nhất là đợt tăng giá gần đây của vàng, thường được theo sau bởi các giai đoạn củng cố xung quanh mức giá cao hơn được thiết lập trước đó và giá kim loại quý này giao dịch đi ngang cho đến khi có chất xúc tác mới xuất hiện và đẩy giá cao hơn nữa.

Nhìn về tương lai, vàng đang ở vị thế tốt để tiếp tục đà tăng, đặc biệt là nếu các nhà đầu tư phương Tây bắt đầu quay trở lại thị trường. Kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất cùng với áp lực lạm phát và rủi ro địa chính trị tiếp diễn có khả năng sẽ củng cố thêm sức hấp dẫn của vàng như một biện pháp phòng ngừa biến động thị trường. Trong tình hình đó, VanEck ước tính, giá vàng trong năm nay có thể đạt mức cao nhất là 2.800 USD/ounce (đã điều chỉnh theo lạm phát).

Đối với giai đoạn 2025 - 2029, nếu tình hình thị trường như hiện nay, giá vàng sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại, bất chấp dòng tiền chảy ra từ các quỹ ETF vàng thỏi của Mỹ.

Như Giám đốc điều hành VanEck, ông Jan van Eck đã lưu ý gần đây, giá vàng sẽ không chỉ tăng nhẹ, mà nó đang vươn lên giống như Bitcoin và hướng tới đến những mốc mới. Để có cái nhìn về triển vọng trung hạn đối với vàng, VanEck khuyến cáo các nhà đầu tư nên quan tâm đến xu hướng lạm phát và chi tiêu của chính phủ nói chung.

Ba yếu tố vĩ mô chính, gồm chính sách tiền tệ, chi tiêu của chính phủ và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, được dự báo không thay đổi nhiều trong năm 2024. Nhìn xa hơn, vàng đang báo hiệu rằng, chính sách chi tiêu của các chính phủ có thể kích thích đáng kể thị trường này.

Hiện có nhiều dự đoán khác nhau về biến động giá vàng trong 5 năm tới. Một số nghiên cứu ước tính giá vàng sẽ cán mốc 3.000 USD/ounce, tức là tăng hơn 25% so với mức hiện tại. Trái lại, các nghiên cứu khác lại cảnh báo giá vàng có nguy cơ trở lại mức 1.850 - 2.000 USD/ounce, tức là giảm đáng kể so với mức giá hiện tại.

Vàng thế giới chạm 2.480 USD/ounce, giá vàng nhẫn tiếp tục “vượt” vàng thương hiệu quốc gia
Giá vàng thế giới tăng “bung trần”, tiếp tục xác lập kỷ lục mới khi chạm mốc 2.480 USD/ounce. Trong khi đó, NHNN chưa có động thái mới khi vẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư