Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Giá vàng tăng kỷ lục, người mua chưa hết rủi ro
Vân Linh - 06/03/2022 09:15
 
Giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng và còn nhiều khả năng tăng tiếp. Dẫu vậy, mua vàng trong nước vẫn được xem là rủi ro và thua lỗ.
Mua vàng trong nước vẫn được xem là rủi ro và thua lỗ.

Giá vàng quốc tế còn tăng?

Giá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng là 1.973,96 USD vào tuần cuối tháng 2/2022. Mặt hàng này vẫn còn nhiều cơ hội tăng giá tiếp do tác động của cuộc chiến tại Ukraine.

Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực vàng nhận định, nhu cầu trú ẩn vào vàng được các nhà đầu tư tìm đến trong bối cảnh tình hình địa chính trị Nga-Ukraine xấu đi. Các biện pháp trừng phạt rất nặng của phương Tây đã làm tê liệt nền kinh tế của Nga.

Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tăng lãi suất chính lên 20%, từ mức 9,5%. Nga là quốc gia sở hữu vàng lớn thứ năm. Đồng thời, Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho biết, họ sẽ bắt đầu lại hoạt động mua vàng chính thức sau 2 năm gián đoạn. Nhưng một số nhà phân tích cảnh báo, việc bán vàng không còn xa khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và đồng rúp lao dốc. Việc mua vàng của Nga có thể chỉ là tiền đề cho việc bán vàng ra sau đó.

Ông Khánh dự báo, giá vàng năm 2022 sẽ theo xu hướng tăng, có thể đạt ngưỡng 2.000 USD/ounce vào cuối năm và khả năng nhu cầu về nơi trú ẩn an toàn sẽ vẫn tăng cao và giá kim loại quý này có thể được hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn.

Theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán VnDirect, vàng vốn dĩ được coi là “tài sản trú ẩn an toàn” và mỗi khi có xung đột thì giá vàng có xu hướng tăng trong ngắn hạn. VnDirect dẫn thống kê lịch sử cho thấy, mỗi khi có xung đột và căng thẳng địa chính trị, giá vàng thường lập đỉnh trong vòng 2-3 tuần sau đó, với mức tăng khoảng 4,3%.

Mua vàng trong nước vẫn lỗ

Cùng với chiều lên của vàng quốc tế, giá vàng miếng SJC trong nước lập đỉnh 67,5 triệu đồng/lượng trong chiều ngày 2/3. Tuy nhiên, quy đổi theo tỷ giá của Vietcombank, mỗi lượng vàng SJC vẫn chênh lệch với thế giới hơn 13,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Chính điều này khiến thị trường vàng trong nước kém hấp dẫn nhà đầu tư trong thời gian dài vừa qua.

Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty Vàng Đối tác mới (NPJ) đánh giá, thị trường vàng trong nước tăng, nhưng nhiều thời điểm, diễn biến hoàn toàn trái ngược với sức nóng và sôi động của thế giới và ngược lại. Đồng thời, khi vàng biến động mạnh, một số đơn vị kinh doanh vàng đẩy giá lên “thăm dò” thị trường, nới rộng biên động mua - bán để tránh rủi ro, nhưng chẳng có ai giao dịch, nên giá từ từ đi xuống. Dựa trên cung - cầu, các đơn vị kinh doanh mới có thể đưa ra giá. Còn những mức kỷ lục đầu ngày là để tạo giá, chứ chưa phản ánh thị trường vàng.

Thực tế, đối với thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC không tăng nổi khi các “nhà cái” trên thị trường cầm trịch tăng giá bán vàng lên mức cao khi thị trường xuất hiện mãi lực mạnh. Đến khi giá thế giới nhảy lên, thì trong nước lại quay chiều giảm giá. Chiêu này dù cũ, nhưng lặp lại khó lường và đẩy rủi ro cho người nắm giữ vàng.

Ông Huỳnh Trung Khánh cũng nhận định, giá vàng quốc tế còn tăng trước căng thẳng địa chính trị thế giới và áp lực lạm phát cao. Nhưng với các nhà đầu tư trong nước, rót vốn vào vàng cũng nên cẩn trọng với rủi ro.

Thời điểm giá vàng nhảy vọt lên 2.000 USD/ounce không còn xa
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế phiên đầu tuần tiếp tục đi lên khi chạm mốc 1.907 USD/ounce khi căng thẳng địa chính trị ở Ukraine...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư