Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Giá xăng tăng liên tiếp, vì sao chưa sử dụng Quỹ bình ổn
Thế Hoàng - 05/02/2024 09:27
 
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã tăng 4 lần liên tiếp nhưng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn chưa được sử dụng tói để chặn bớt đà giảm.
Giá xăng trong nước đã tăng 4 lần liên tiếp từ 11/1/2024.
Giá xăng trong nước đã tăng 4 lần liên tiếp từ 11/1/2024.

Theo lý giải của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), tại các kỳ điều hành giá xăng dầu từ đầu tháng 1/2024 đến nay, mức tăng chưa đến 7% nên liên Bộ Công thương - Tài chính không chi sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu.

Trong kỳ điều hành giá gần nhất, hôm 1/2, giá xăng đã tăng gần 800 đồng/lít. Cụ thể, giá bán lẻ xăng tăng từ 742 - 753 đồng/lít, dầu tăng ít hơn, từ 379 - 623 đồng/lít,kg. Sau điều hành, xăng RON 95 vượt 24.000 đồng/lít. 

Đây là lần tăng thứ 4 liên tiếp của mặt hàng này xăng. Tính từ 11/1-1/2/2024, xăng RON 95-III đắt thêm khoảng 2.300 đồng/lít, xăng E5 RON 92 đắt thêm hơn 1.900 đồng/lít.

Mặc dù giá xăng tăng liên tục, song trong các kỳ điều chỉnh gần đây, cơ quan điều hành không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu. Trong khi tính đến hết quý III/2023, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dương hơn 7.000 tỷ đồng.

Bộ Công thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới gần đây tăng cao do nhiều yếu tố như căng thẳng ở Trung Đông tiếp tục leo thang; dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng lên, khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu trên thế giới) làm dấy lên lo ngại về nhu cầu dầu… 

Còn về việc vì sao giá xăng tăng liên tiếp nhưng không chi quỹ bình ổn để kìm đà tăng giá, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay, việc quyết định chi hay không được thực hiện theo quy định của Thông tư 103/2021/TT-BTC hướng dẫn về phương pháp trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn xăng dầu của Bộ Tài chính.

Theo đó, không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng dưới 7% so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề, trừ trường hợp mức tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Trường hợp các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng từ 7 - 10% so với giá cơ sở xăng dầu công bố kỳ trước liền kề, sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Công thương quyết định mức chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu cho phù hợp với diễn biến của thị trường. Trường hợp Bộ Công thương, Bộ Tài chính có ý kiến khác nhau thì Bộ Công thương quyết định để áp dụng.

Nếu các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu kỳ công bố tăng trên 10%, hoặc việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.

Các kỳ điều hành qua, mức tăng chưa đến 7% nên liên Bộ Công thương – Tài chính không chi quỹ.  Về việc sau 4 phiên tăng liên tiếp, tổng cộng mức tăng từ 9-10%, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết sẽ có báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về các kỳ điều hành sau nếu giá xăng tiếp tục tăng, ảnh hưởng kinh tế và đời sống người dân.


Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư