Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Giấc mơ Nga và bước đi của người khổng lồ
Nguyên Đức - 18/09/2018 08:14
 
Có lẽ, còn quá sớm để nói về bước đi của một người khổng lồ. Nhưng những gì mà Tập đoàn TH làm được tại thị trường Nga cho tới thời điểm này đã chứng minh rằng, câu chuyện “châu chấu đá xe” là có thật, doanh nghiệp Việt hoàn toàn đủ năng lực và bản lĩnh để làm được những điều kỳ diệu ở xứ sở bạch dương.
TIN LIÊN QUAN

Bước tiến chiến lược

Hơn 1 tuần trước, ngày 7/9, Lễ khởi công xây dựng Nhà máy Chế biến sữa tươi sạch của Tập đoàn TH đã diễn ra tại Khu kinh tế đặc biệt Borovsk (Kaluga, Liên bang Nga). Sự kiện này đánh dấu một bước tiến chiến lược của TH tại Liên bang Nga, bởi sau khi nhà máy này được hoàn thành - dự kiến vào cuối năm 2019, những ly sữa đầu tiên mang thương hiệu TH, một thương hiệu Việt Nam, nhưng được sản xuất tại Nga, sẽ chính thức ra đời, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Nga. Đây là nhà máy sữa có quy mô và công nghệ hiện đại nhất nước Nga, đồng thời cũng là nhà máy chế biến sữa tươi sạch đầu tiên của Tập đoàn TH tại Liên bang Nga, với công suất 1.500 tấn sữa/ngày.

Trong đại kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD, TH sẽ còn xem xét xây dựng các tổ hợp trang trại, cánh đồng lớn và nhà máy chế biến sữa tại một số tỉnh thuộc Liên bang Nga.
Trong đại kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD, TH sẽ còn xem xét xây dựng các tổ hợp trang trại, cánh đồng lớn và nhà máy chế biến sữa tại một số tỉnh thuộc Liên bang Nga.

Kể từ sau khi chính thức công bố kế hoạch đầu tư một đại dự án quy mô 2,7 tỷ USD tại Nga vào tháng 10/2015, Tập đoàn TH đã có những bước đi nhanh chóng để triển khai Dự án. Chỉ một thời gian ngắn sau khi được nhận chứng nhận đầu tư, tháng 5/2016, TH đã khởi công xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Mátxcơva, sau đó, vào tháng 10/2016, khởi công xây dựng trang trại ở Kaluga. Cuối năm ngoái, 1.100 con bò sữa đầu tiên đã được nhập khẩu từ Mỹ về trang trại TH ở tỉnh Mátxcơva, để đầu năm 2018, TH chính thức khánh thành trang trại đầu tiên ở Nga.

Tất cả sữa nguyên liệu ở các trang trại TH ở tỉnh Mátxcơva, ở Kaluga sẽ được đưa về nhà máy này để chế biến, cho ra đời những ly sữa và sản phẩm từ sữa mang thương hiệu đích thực của TH, thay vì như hiện nay, phải bán sữa thô cho các nhà sản xuất sữa khác tại Nga.

“Dự án của Tập đoàn TH không chỉ góp phần tăng trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước, mà còn thể hiện sự sẻ chia, đồng hành với nước Nga trong quá trình phục hồi và phát triển nền sản xuất nông nghiệp đã từng đứng hàng đầu thế giới”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga đã tới tham dự sự kiện này và phát biểu như vậy. Tổng Bí thư cũng đã bày tỏ sự vui mừng khi tới đây, nhà máy sữa của TH sẽ cho ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt trên đất Nga.

Còn Phó thủ tướng Nga Alexei Vasilievich Gordeev thì hồ hởi nói rằng, việc TH khởi công Nhà máy là sự kiện vô cùng quan trọng, có ý nghĩa to lớn với đất nước Nga, nhất là trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. “Dự án sẽ mang lại cho thị trường Nga sản phẩm sữa chất lượng cao, qua đó nâng cao sức khỏe và thể chất cho trẻ em tại tỉnh Kaluga nói riêng và Liên bang Nga nói chung”, ông Alexei Vasilievich Gordeev nhấn mạnh.

Câu chuyện “châu chấu đá xe”

Chứng kiến Lễ khởi công Nhà máy Chế biến sữa tươi sạch TH tại Kaluga, lại nhớ đến một thỏa thuận được ký kết vào 3 năm trước đây giữa Tập đoàn TH và chính quyền tỉnh Mátxcơva (Liên bang Nga). Lúc ấy, đích thân bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH và ông Andrey Vorobiev Iu, Thống đốc tỉnh Mátxcơva đã ký kết thỏa thuận đầu tư Dự án Tổ hợp Chăn nuôi và chế biến sữa công nghệ cao tại Nga, dưới sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, ngay tại Phủ Chủ tịch. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 2,7 tỷ USD, một con số còn lớn hơn cả vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Nga từ trước tới thời điểm đó cộng lại.

Lúc ấy, không ít người nghi ngờ, cho rằng bà Thái Hương, người sáng lập và tư vấn đầu tư của Tập đoàn TH, “vác” tiền tỷ - mà lại là tỷ USD - sang Nga là chuyện “nực cười, châu chấu đá xe”. Rằng, dù bà Thái Hương muốn đầu tư sang Nga trước tiên vì tình yêu nước Nga, nhưng kinh doanh thì lại không phải là câu chuyện của cảm xúc, mà là câu chuyện của cạnh tranh nảy lửa, là bài toán tồn tại hay không tồn tại…

Nhưng rồi, bà Thái Hương và Tập đoàn TH từng bước đã khẳng định, lựa chọn của mình là đúng. Bởi dù bà Thái Hương bắt đầu giấc mơ Nga bằng cảm xúc, nhưng lại đi con đường sữa Nga bằng cái nhìn nhanh nhạy, bằng tư duy của một nhà kinh doanh chiến lược. Bà Hương đã nhìn ra cơ hội to lớn của thị trường Nga, thị trường mà từ lâu, chính người Nga đã bỏ quên.

Nước Nga là một trong những thị trường sữa lớn nhất thế giới, với tổng doanh thu ngành sữa lên tới 15,5 tỷ USD trong năm 2016. Tuy nhiên, nguồn cung sữa tại thị trường này lại đang thiếu hụt nghiêm trọng, do chính sách cấm vận kinh tế, nhất là cấm nhập khẩu thực phẩm, trong đó có các sản phẩm sữa từ châu Âu và Mỹ.

Theo số liệu thống kê, từ năm 2013 - 2017, lượng sữa nguyên liệu mà Nga tự sản xuất được chỉ khoảng 20 triệu tấn, chiếm 76% lượng sữa nguyên liệu sản xuất. Nước này hiện vẫn phải nhập khẩu khoảng 7 triệu tấn/năm, tương đương 24% nhu cầu sữa nguyên liệu/năm. Đó chính là cơ hội thị trường to lớn mà bà Thái Hương đã tinh tường nhìn ra.

Hơn nữa, nước Nga có một diện tích rất lớn đất nông nghiệp chưa được đưa vào khai thác hiệu quả, khác hẳn với ở Việt Nam, để có một cánh đồng mẫu lớn, TH phải rất vất vả “gom” từng héc-ta đồng đất. Người Nga sẵn sàng giao ngay cho TH mấy chục ngàn héc-ta đất, thỏa sức để đàn bò của TH vẫy vùng, thoải mái để TH trồng những cánh đồng bạt ngàn ngô, cỏ mombasa hay cao lương, hướng dương làm thức ăn ngon lành, bổ dưỡng cho đàn bò… 

Nước Nga cũng có rất nhiều chính sách hấp dẫn để phát triển ngành chế biến sữa, từ hạn chế nhập khẩu, đến hỗ trợ đất đai, hỗ trợ tài chính cho các dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa. Đầu tháng 8/2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn ký một đạo luật mới quy định về sản xuất, lưu trữ và vận chuyển sản phẩm hữu cơ (organic). Chính sách này được coi là đòn bẩy cho những nhà sản xuất chân chính như TH, bởi sản xuất, chế biến sữa theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế cũng là mục tiêu mà Tập đoàn TH theo đuổi tại Liên bang Nga. Khi xuất trình đầy đủ giấy tờ, doanh nghiệp sản xuất như TH sẽ được trợ giá 2 rúp/lít sữa tươi và 3 rúp/lít sữa organic.

Tại Kaluga, theo chính sách của Vùng kinh tế đặc biệt Kaluga, các nhà đầu tư, trong đó có TH, được hưởng các ưu đãi về thuế, một số thuế suất về 0%, như thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu (trong vòng 49 năm), thuế vận chuyển (trong vòng 10 năm), thuế đất (trong vòng 5 năm), thuế tài sản doanh nghiệp (10 năm)…

Không chỉ chính quyền Tổng thống Putin, mà Chính phủ Việt Nam cũng ủng hộ dự án của TH. Tham dự Lễ khởi công, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã vui mừng nói rằng, dự án của TH có thể coi là sự khởi đầu cho xu hướng đầu tư mới của Việt Nam vào Nga, như Tổng Bí thư và Tổng thống Putin đã trao đổi tại cuộc hội đàm ngày 6/9. Trước đây, chỉ có doanh nghiệp Nga đầu tư sang Việt Nam, nhưng bây giờ thì ngược lại, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Nga. “Tôi mong rằng, sẽ có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn nữa đầu tư sang Nga”, Tổng Bí thư nói.

Bước chân người khổng lồ

Aliev Rasul là Giám đốc trang trại TH tại tỉnh Mátxcơva.  Trước khi trở thành người của TH, Rasul có 20 năm kinh nghiệm chăn nuôi bò và chế biến sữa tại Nga. Nhưng khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông bảo, chưa bao giờ tưởng tượng sẽ có một dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa lớn như vậy, với công nghệ hiện đại như thế được đầu tư tại Nga.

Ông Rasul cho biết, không chỉ ông, người có mấy chục năm trong nghề, mà hầu hết những người dân trong nghề đều không thể tưởng tượng được, mỗi con bò trong trang trại TH lại có thể cho tới 35 lít sữa/ngày. “Đó như một điều thần kỳ”, ông Rasul nói.

Chính điều thần kỳ đó đã làm nên những cánh đồng bạt ngàn, những đàn bò căng mẩy sữa cho TH tại Nga hôm nay. Và sau đó sẽ là những nhà máy chế biến sữa, không chỉ ở Kaluga mà còn ở các vùng đất khác.

Trong đại kế hoạch đầu tư 2,7 tỷ USD, TH sẽ còn xem xét xây dựng các tổ hợp trang trại và nhà máy chế biến sữa tại tỉnh Tyumen và Cộng hòa Bashkortostan, cũng như tại tỉnh Primorye, vùng Viễn Đông, Liên bang Nga. Khi dự án hoàn thành, tổng đàn bò dự kiến sẽ là 350.000 con, tổng công suất chế biến sữa 1,8 triệu tấn/năm và khi ấy, TH sẽ có một vùng nguyên liệu rộng 140.000 ha, cũng như có khoảng 300 cửa hàng TH True Mart. Một đại kế hoạch đầu tư mà cho đến nay, chưa có doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nào dám làm. Nếu thành công, TH sẽ thực sự trở thành “người khổng lồ” ở nước Nga.

Còn nhớ, khi TH đầu tư Dự án 1,2 tỷ USD ở Nghĩa Đàn (Nghệ An), nhiều người nghi ngờ, không tin TH có thể nuôi bò và chế biến sữa thành công ở vùng đất quá nửa thời gian trong năm là nắng cháy và ở Nga cũng thế, vì có đến 6 tháng ngập tràn trong băng tuyết.

Câu trả lời là công nghệ đầu cuối tiên tiến của thế giới. Công nghệ và lòng quyết tâm đã mang lại thành công cho TH ở Việt Nam, cũng sẽ mang lại thành công cho TH ở Nga.

Tập đoàn TH dường như đang tiến rất gần đến với khát vọng trở thành “thương hiệu quốc gia” của người Nga, và đã có những bước đi ngoạn mục trong hành trình đưa thương hiệu Việt ra thế giới.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư